Tỳ bà - Chữa trị ho và suyễn do phế nhiệt, sốt và khát do vị nhiệt
Cây tỳ bà là loại dược liệu quen thuộc trong Đông y với tác dụng thanh phế hòa vị, giáng khí hóa đờm. Chính vì thế mà được sử dụng rất phổ biến trong các bài thuốc chữa viêm phế quản, hen suyễn, ho, cảm lạnh…Cùng eLib.VN tìm hiểu công dụng trong y học của vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục nội dung
Lá phơi hoặc sấy khô của cây Tỳ bà (Eriobotrya japonica (Thunb.) Lindl.), họ Hoa hồng (Rosaceae).
1. Mô tả
Lá hình thuôn hay hình trứng dài, dài 12 – 30 cm, rộng 4 – 9 cm, chóp lá nhọn, gốc lá hình nêm, mép lá có răng cưa thưa hoặc nguyên về phía gốc lá. Mặt trên lá màu lục xám, màu vàng nâu hoặc màu đỏ nâu, tương đối nhẵn. Mặt dưới lá màu nhạt hơn, có nhiều lông nhung màu vàng, mọc dày. Gân lá hình lông chim, gân giữa lồi lên ở mặt dưới, gân bên có 15 – 20 đôi. Cuống lá rất ngắn, phủ lông mao màu vàng nâu. Lá dày, chất cứng, giòn, dễ bẻ gãy; không mùi, vị hơi đắng.
2. Vi phẫu
Tế bào biểu bì trên hình chữ nhật, bên ngoài là lớp cutin dày. Tế bào biểu bì dưới mang nhiều lông che chở đơn bào, thường bị cong, phần nhiều có hình chữ V gần gân giữa lá, lỗ khí nhìn thấy rõ. Mô giậu có 3 – 4 hàng tế bào, mô khuyết thưa, chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ, đôi khi cụm lại thành từng đám. Bó mạch của gân giữa gần như một vòng tròn. Sợi xếp thành vòng tròn không liên tục, vách hóa gỗ, bao quanh là các tế bào mô mềm có chứa các tinh thể calci oxalat hình lăng trụ hợp thành sợi tinh thể. Các tế bào chứa
chất nhày và các tinh thể calci oxalat hình lăng trụ rải rác trong mô mềm.
3. Định tính
Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
Bản mỏng: Silica gel G 60F254
Dung môi khai triển: Cloroform - ethyl acetat (5 : 5)
Dung dịch thử: Lấy khoảng 2g bột dược liệu, tẩm ướt dược liệu bằng dung dịch ammoniac 10% (TT), khuấy đều, để yên 30 phút. Thêm 20 ml ethyl acetat (TT), đun hồi lưu trên cách thủy trong 10 phút, để nguội, lọc, để bay hơi dịch lọc còn khoảng 2 ml làm dung dịch thử.
Dung dịch đối chiếu: Lấy khoảng 2 g bột Tỳ bà (mẫu chuẩn), chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Đem phun dung dịch vanillin 1% trong acid sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 110 oC cho đến khi xuất hiện vết. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
4. Độ ẩm
Không quá 13%.
5. Tạp chất
Không quá 1%.
Tro toàn phần
Không quá 7%.
Tỷ lệ vụn nát
Qua rây có kích thước mắt rây 3,150 mm: Không quá 5%. (Phụ lục 12.12).
Chất chiết được trong dược liệu
Không dưới 10,0%, tính theo dược liệu khô kiệt (Phụ lục 12.10).
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng. Dùng nước làm dung môi.
6. Chế biến
Thu hái lá quanh năm, phơi gần khô, bó thành những bó nhỏ và phơi khô.
7. Bào chế
Tỳ bà diệp: Loại bỏ lông nhung, phun nước cho mềm, thái sợi và phơi khô.
Mật Tỳ bà diệp (chế mật): Mật ong hoà loãng bằng nước sôi, trộn đều Mật ong với Tỳ bà diệp thái sợi, ủ cho mật thấm đều, cho vào chảo sao nhỏ lửa đến khi sờ không dính tay, lấy ra và để nguội. Dùng 2 kg Mật ong cho 10 kg Tỳ bà diệp.
8. Bảo quản
Nơi khô, mát.
Tính vị, qui kinh
Khổ, vi hàn. Quy vào kinh phế, vị.
9. Công năng, chủ trị
Thanh phế nhiệt và vị nhiệt, chỉ khái, chỉ ẩu. Chủ trị: Ho và suyễn do phế nhiệt, sốt và khát do vị nhiệt.
10. Cách dùng, liều lượng
Ngày 6 - 9 g, phối hợp trong các bài thuốc.
Kiêng kỵ
Nôn do hư hàn, ho do phong hàn không nên dùng.
Mọi thông tin về dược liệu cây tỳ bà mà bài viết tổng hợp trên đây chỉ có giá trị tham khảo. Để biết thêm bạn có thể trực tiếp liên hệ với bác sĩ hoặc những người có chuyên môn. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng để tránh gặp phải những vấn đề rủi ro.