Bệnh tràn dịch tinh mạc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tràn dịch tinh mạc là tình trạng tụ dịch ở một hoặc cả hai bìu ở trẻ em hoặc nam giới. Nếu tràn dịch tinh mạc ở cả hai bìu thì thường nguyên nhân nằm trong bệnh cảnh phù toàn thân. Ngược lại, nếu chỉ tràn dịch tinh mạc một bên (chỉ một bên bìu to ra) thì thường do bệnh lý tại chỗ hoặc do các bất thường cấu trúc giải phẫu vùng bẹn – bìu. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé!

Bệnh tràn dịch tinh mạc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Tràn dịch tinh mạc là sự tích tụ của dịch quanh một hoặc cả hai tinh hoàn. Sự tích tụ không đau nhưng nó có thể làm cho vùng bìu hoặc vùng bẹn sưng lên, gây mất thẩm mỹ và khó chịu, nhưng nhìn chung không nguy hiểm.

2. Triệu chứng thường gặp

Thông thường tràn dịch tinh mạc không sinh ra triệu chứng. Tuy nhiên, bạn có thể chú ý khi bìu to lên.

Các triệu chứng nếu có bao gồm đau, sưng hoặc đỏ ở bìu hoặc đau ở phần dưới của dương vật. Tràn dịch tinh mạc có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. 

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu:

Bạn hoặc con bạn bị sưng bìu;

Tình trạng tràn dịch tinh mạc của trẻ không biến mất sau một năm;

Bạn hoặc con bạn bị đau đột ngột hoặc đau sưng nặng, đặc biệt trong vài giờ sau khi tổn thương ở bìu.

Đây là trường hợp khẩn cấp.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Tràn dịch tinh mạc có thể hình thành không có lý do rõ ràng. Ở trẻ sơ sinh, tràn dịch tinh mạc có thể hình thành từ lỗ thông giữa bụng và bìu. Thông thường những lỗ hổng này sẽ đóng trước khi sinh hoặc ngay sau đó.

Ở người lớn, tràn dịch tinh mạc thường là do chấn thương hoặc phẫu thuật vùng bìu hoặc vùng bẹn. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng hoặc viêm mào tinh hay tinh hoàn cũng có thể gây tích tụ dịch. Trong một số trường hợp hiếm hoi, tràn dịch tinh mạc có thể xảy ra nếu bệnh nhân mắc bệnh ung thư tinh hoàn hoặc mắc các vấn đề về thận. Loại tràn dịch tinh mạc này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở nam giới trên 40 tuổi.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải tràn dịch tinh mạc?

Hầu hết các ca tràn dịch tinh mạc xuất hiện khi sinh ra. Từ 1-2% trẻ sơ sinh mắc chứng tràn dịch tinh mạc. Ở nam giới, tràn dịch tinh mạc chủ yếu ảnh hưởng đến đàn ông trên 40 tuổi.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết. 

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tràn dịch tinh mạc?

Các yếu tố nguy cơ gây ra tràn dịch tinh mạc bao gồm:

Trẻ sinh non;

Chấn thương bìu;

Nhiễm trùng, bao gồm các bệnh lây truyền qua đường tình dục;

Nam giới trên 40 tuổi.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tràn dịch tinh mạc?

Bác sĩ sẽ bắt đầu với khám thực thể, có thể bao gồm:

Kiểm tra sự nhạy đau hoặc các dấu hiệu của bìu lớn;

Đặt áp lực lên vùng bụng và bìu để kiểm tra thoát vị bẹn;

Soi đèn qua bìu để kiểm tra sự tích tụ dịch.

Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán:

Xét nghiệm máu và nước tiểu để giúp xác định xem bạn có bị nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm mào tinh. Siêu âm để giúp loại trừ thoát vị, khối u tinh hoàn hoặc các nguyên nhân khác của sưng bìu.

Những phương pháp nào dùng để điều trị tràn dịch tinh mạc?

Đối với các bé trai, tràn dịch tinh mạc thường biến mất khi bé đã phát triển đầy đủ. Trong hầu hết các trường hợp, phải mất một năm để tràn dịch tinh mạc biến mất. Nếu kéo dài lâu hơn, trẻ có thể cần phải phẫu thuật.

Đối với nam giới trưởng thành, tình trạng này thường biến mất sau khi nguyên nhân cơ bản được điều trị. Có thể mất sáu tháng để bệnh lành. Giống như ở trẻ em, nếu tình trạng tràn dịch tinh mạc không cải thiện hoặc nếu bìu tiếp tục to đến mức không thoải mái hoặc biến dạng thì có thể cần phải phẫu thuật.

Phẫu thuật sẽ giải quyết sự tích tụ dịch bằng cách khâu lỗ thông giữa bìu và bụng để ngăn sự tích tụ thêm và dẫn lưu dịch từ bìu bằng kim và ống tiêm. Nếu trong tình trạng không thể phẫu thuật, bạn chỉ cần được dẫn lưu dịch để giải quyết tràn dịch tinh mạc. Tuy nhiên, bạn sẽ có nguy cơ tái phát với phương pháp điều trị này. Bạn có thể cần liệu pháp chính xơ (tiêm một loại dung dịch ngăn sự tái phát tràn dịch tinh mạc) sau khi đã dẫn lưu.

Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để hiểu rõ hơn về giải pháp tốt nhất cho bạn hoặc cho con bạn.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Các lối sống và biện pháp tại nhà sau đây có thể giúp bạn đối phó với tràn dịch tinh mạc:

Hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc giảm đau nếu bạn bị đau sau khi điều trị. Tránh các hoạt động liên quan đến việc duỗi chân như đi xe đạp, ít nhất ba tuần lễ. Nghỉ ngơi nhiều trong tuần sau phẫu thuật.

Ở bé trai, khi còn là bào thai trong bụng mẹ, những tháng đầu hai tinh hoàn của bé nằm trong ổ bụng. Khi bé dần trưởng thành, cơ quan sinh dục hoàn thiện thì hai tinh hoàn từ ổ bụng theo ống bẹn đến định vị tại bìu. Nếu như ống bẹn thông từ bụng xuống bìu không đóng kịp khi bé chào đời, dịch ổ bụng sẽ rò rỉ xuống bìu gây tràn dịch tinh mạc ở trẻ em. Đối với người lớn, có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tràn dịch tinh mạc. Vì vậy, bạn nên đi kiểm tra bác sĩ nếu có bất thường để kịp thời chữa trị. Về lâu dài, nguyên nhân tràn dịch tinh mạc không được điều trị có thể gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, sự tự tin cũng như chức năng sinh lý.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh tràn dịch tinh mạc, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:09/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM