Tỏi - Chữa trị cảm cúm, ho gà, viêm phế quản, tiêu chảy, mụn nhọt

Chủ trị Cảm cúm, ho gà, viêm phế quản, ăn uống tích trệ, thượng vị đau tức do đầy hơi, tiêu chảy mụn nhọt, áp xe viêm tấy, hói trán, trị giun kim. Cùng eLib.VN tìm hiểu công dụng trong y học của vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Tỏi - Chữa trị cảm cúm, ho gà, viêm phế quản, tiêu chảy, mụn nhọt

Tỏi là lá dự trữ được phơi khô của cây Tỏi (Allium sativum L.), họ Hành (Alliaceae).

1. Mô tả

Tập hợp các lá dự trữ (hành) quen gọi là củ gần hình cầu, đường kính 3 - 5 cm, chứa khoảng 8 - 20 hành con. Bao xung quanh củ gồm 2 - 5 lớp lá vẩy trắng mỏng, do các bẹ lá trước tạo thành, gắn vào một đế hình tròn dẹt (thân hành). Các hành con hình trứng, 3 - 4 mặt, đỉnh nhọn, đế cụt. Mỗi hành con được phủ những lớp lá vẩy trắng và một lớp biểu bì màu trắng hồng dễ tách khỏi phần rắn bên trong. Các hành con xếp thành lớp quanh một sợi dài, đường kính 1 - 3 mm mọc từ giữa đế. Phần rắn bên trong của các hành con chứa nhiều nước, mùi thơm, vị hăng và bền.

2. Vi phẫu

Bóc các lá vẩy soi dưới kính hiển vi thấy có các dãy mạch xoắn song song. Những lá vẩy ngoài cùng có tế bào biểu bì dài, thành dày. Tuỳ vị trí có thể có các lỗ khí, hoặc mỗi tế bào có chứa một tinh thể hình lăng trụ, đường kính 20 - 50 mm. Tế bào thịt lá thành mỏng, xếp lộn xộn. Biểu bì trong gồm những tế bào thành mỏng. Những lá dự trữ dày có biểu bì thành mỏng, lớp thịt lá gồm những tế bào mô mềm hình dáng khác nhau và các mạch dẫn hình xoắn xếp thành hàng.

Tro toàn phần

Không quá 5%.

3. Chế biến

Vào cuối mùa đông đầu mùa xuân lúc cây đã héo tàn lụi, đào lấy các giò hành, rũ sạch đất cát bó thành bó treo lên phơi khô.

4. Bào chế

Loại bỏ vỏ già, rửa sạch, dùng tươi giã nát hay ngâm trong rượu.

5. Bảo quản

Nơi khô mát.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Quy vào các kinh phế, tỳ, vị.

6. Công năng, chủ trị

Hành khí, ôn trung, tiêu tích trệ, sát trùng, giải độc. Chủ trị: Cảm cúm, ho gà, viêm phế quản, ăn uống tích trệ, thượng vị đau tức do đầy hơi, tiêu chảy mụn nhọt, áp xe viêm tấy, hói trán, trị giun kim.

7. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 - 12 g, phối ngũ trong các bài thuốc hoặc giã nát dùng đắp ngoài, hoặc giã nát rồi ngâm rượu, hoặc thái lát để châm cứu.

Kiêng kỵ

Dùng lâu gây tổn thương can và mắt, phế vị có nhiệt, can, thận có hoả, khí hư, huyết nhiệt, cước khí (thấp tim), phong bệnh thì cấm dùng.

Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc cây tỏi. tỏi là một loại dược liệu có khả năng điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau, phòng ngừa được ung thư. Bên cạnh đó, tỏi còn là một loại gia vị giúp bạn dùng bữa ngon miệng hơn. Trước khi có ý định dùng các bài thuốc trị bệnh từ tỏi, người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Ngày:10/09/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM