Tô mộc - Chữa thống kinh, bế kinh, sản hậu huyết ứ, đau nhói ngực bụng
Tô mộc (vang nhuộm, tô phượng và gỗ cây vang) có vị ngọt, hơi mặn, mặn và tính bình. Dược liệu này có tác dụng hành huyết, thông ứ trệ, chỉ thống, điều hòa kinh nguyệt và được sử dụng trong bài thuốc trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt, bệnh trĩ mới phát, sưng dương vật, cầm máu vết thương,…Để biết được công dụng trong y học của vị thuốc mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Gỗ vang
Gỗ lõi để nguyên hay chẻ nhỏ được phơi hay sấy khô của cây Vang (Caesalpinia sappan L.), họ Đậu (Fabaceae).
1. Mô tả
Dược liệu có hình trụ dài hay nửa trụ tròn đường kính 3 -12 cm, hay những thanh nhỏ, dài 10 cm hay hơn. Mặt ngoài các miếng lớn có màu đỏ vàng đến đỏ nâu, có vết dao đẽo và vết cành, thường có khe nứt dọc. Mặt cắt ngang hơi bóng, vòng tuổi thấy rõ rệt (màu da cam), có thể thấy màu nâu tối, có các lỗ nhỏ (mạch gỗ). Dễ tách thành từng mảnh theo thớ gỗ, tủy có lỗ rõ. Các thanh được chẻ nhỏ có màu hồng đỏ, có thể có những chỗ có màu nhạt hay đậm hơn. Chất cứng, nặng, không mùi, vị hơi se.
2. Vi phẫu
Mặt cắt ngang có tia gồm 1 - 2 hàng tế bào rộng. Mạch tròn, đường kính tới 160 µm, thường chứa chất màu vàng nâu hay nâu đỏ. Sợi gỗ thường có hình nhiều cạnh, thành rất dày. Tế bào mô mềm trong gỗ thành dày hóa gỗ, một số chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Mô mềm tủy gồm các tế bào hình nhiều cạnh không đều, thành hơi hóa gỗ, có lỗ.
3. Bột
Màu cam, nhiều mảnh mạch điểm, kích thước thay đổi. Mảnh mô mềm tủy tế bào có thành mỏng, đôi khi thành hơi hóa gỗ, có lỗ thủng. Sợi dài khoảng 400 µm, rộng khoảng 12 µm, màng dày, khoang hẹp, đứng riêng lẻ hay chụm lại thành từng bó. Tia ruột hợp thành góc với bó sợi, tạo thành các ô vuông, mảnh mô mềm thành dày hóa gỗ, ít thấy tinh thể calci oxalat.
4. Định tính
Lấy một miếng dược liệu, nhỏ dung dịch calci hydroxyd (TT) lên bề mặt, xuất hiện màu đỏ thẫm.
Lấy 10 g bột dược liệu, thêm 50 ml nước, đun cách thủy 30 phút, thỉnh thoảng lắc đều, lọc. Dịch lọc có màu đỏ da cam, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại (365 nm) có ánh lục vàng. Lấy 5 ml dịch lọc, thêm 2 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT) xuất hiện màu đỏ thắm, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 365 nm dung dịch có màu xanh lơ. Khi acid hóa dung dịch này với dung dịch acid hydrocloric 10% (TT) sẽ có màu da cam, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại (365 nm) sẽ có ánh lục vàng.
C. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
Bản mỏng: Silica gel G.
Dung môi khai triển: Cloroform – aceton – acid formic (8 : 4 : 1).
Dung dịch thử: Chiết 1 g bột dược liệu bằng 15 ml ethanol 95% (TT) trong 30 phút trong bể siêu âm. Lọc lấy dịch lọc, cô tới cắn. Hòa lại cắn trong 2 ml ethanol 95% (TT), dùng dịch này làm dịch chấm sắc ký.
Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g bột Tô mộc (mẫu chuẩn), chiết như mẫu thử.
Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 20 µl mỗi dung thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển, để khô bản mỏng, quan sát dưới ánh sáng tử ngoại bước sóng 365 nm rồi phun dung dịch kali hydroxyd 3% trong methanol (TT). Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có những vết tương tự về Rf và màu sắc với các vết của dung dịch đối chiếu khi quan sát dưới ánh sáng tử ngoại và sau khi phun dung dịch kiềm.
5. Độ ẩm
Không quá 11,0%.
Tro toàn phần
Không quá 1,0%.
Chất chiết được trong dược liệu
Không được dưới 8,5% tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng. Dùng ethanol 95% (TT) làm dung môi.
6. Chế biến
Thu hoạch vào mùa thu, chặt những cây gỗ già, đẽo bỏ phần gỗ giác trắng, lấy phần gỗ đỏ bên trong, cưa thành khúc và chẻ ra thành mảnh nhỏ, phơi hoặc sấy khô.
7. Bào chế
Cưa thành đoạn dài 3 cm, chẻ thành mảnh nhỏ hay tán thành bột thô.
8. Bảo quản
Để nơi khô.
Tính vị, qui kinh
Cam, hàm, bình. Quy vào các kinh Tâm, can, tỳ.
9. Công năng, chủ trị
Hành huyết khử ứ, tiêu viêm chỉ thống. Chủ trị: Thống kinh, bế kinh, sản hậu huyết ứ, đau nhói ngực bụng, sưng đau do sang chấn, nhiệt lỵ.
10. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 3 - 9 g hoặc phối ngũ trong các bài thuốc, dạng thuốc sắc, cao thuốc.
Kiêng kỵ
Phụ nữ có thai, huyết hư không ứ trệ thì không nên dùng.
Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc tô mộc. Dược liệu tô mộc có thể điều trị được nhiều chứng bệnh thường gặp như đau bụng kinh, sản dịch ra nhiều, sưng dương vật, bệnh trĩ,… Tuy nhiên khi sử dụng dược liệu, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ hoặc phản ứng dị ứng. Trong trường hợp phát sinh các biểu hiện bất thường, vui lòng thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục.