Bệnh tiêu chảy du lịch - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tiêu chảy du lịch là tình trạng tiêu chảy ở những người đang đi du lịch hoặc vừa trở về từ chuyến đi. Nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất là do vi khuẩn. Trong hầu hết các trường hợp, tiêu chảy du lịch tự hết mà không có các biến chứng, với 90% các trường hợp khỏi bệnh trong vòng một tuần, và 98% trong vòng một tháng. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này.

Bệnh tiêu chảy du lịch - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Định nghĩa

Bệnh tiêu chảy du lịch (Tiêu chảy ở khách du lịch) là tình trạng tiêu chảy ở những người đang đi du lịch hoặc vừa trở về từ chuyến đi. Người mắc bệnh tiêu chảy du lịch thường đi phân lỏng 3 lần hoặc nhiều lần hơn trong 24 giờ. Trong hầu hết các trường hợp, tiêu chảy du lịch tự hết mà không có các biến chứng, với 90% các trường hợp khỏi bệnh trong vòng một tuần, và 98% trong vòng một tháng.

Như tên gọi, bệnh xảy ra ở khách đang đi du lịch hoặc vừa trở về từ chuyến du lịch. Mỗi năm có khoảng 20% đến 50% khách du lịch quốc tế, tương đương khoảng 10 triệu người mắc bệnh tiêu chảy du lịch.

2. Nguyên nhân

Thông thường nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn nhưng virus và kí sinh trùng cũng có thể gây bệnh tiêu chảy du lịch. Bệnh thường liên quan đến việc đi du lịch tại những quốc gia đang phát triển có nguồn nước bị nhiễm bẩn. Nguyên nhân thường gặp nhất của tiêu chảy du lịch là vi khuẩn Escherichia coli sinh động tố (E.coli). Những vi khuẩn này tự bám dính vào niêm mạc ruột và phóng thích độc tố gây tiêu chảy, đau quặn bụng.

Vậy tại sao người bản địa ở những quốc gia có nguy cơ cao lại không bị ảnh hưởng như vậy? Thường thì cơ thể của họ đã quen với vi khuẩn và tạo được miễn dịch với chúng.

3. Triệu chứng và dấu hiệu

Hầu hết các triệu chứng bắt đầu đột ngột; bao gồm tiêu chảy (phân không đóng khuôn), co thắt hoặc đau vùng bụng và đôi khi buồn nôn hoặc nôn kèm theo sốt. Phân thường nhiều và có nhiều nước, và có thể có nhầy hoặc máu. Trẻ em (đối tượng thường đi tiêu thường xuyên) có thể mắc tiêu chảy du lịch nếu đi tiêu gấp đôi bình thường hoặc nhiều hơn bình thường trong vòng hơn 2 đến 3 ngày.

Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

4. Nguy cơ mắc bệnh

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ đi ngoài, bao gồm:

Người trẻ: thiếu miễn dịch mắc phải, thường thoải mái hơn trong việc lựa chọn địa điểm du lịch và ăn uống, ít cảnh giác về thực phẩm bị nhiễm bẩn. Người bị suy giảm miễn dịch: làm dễ nhiễm trùng hơn. Bệnh nhân tiểu đường hoặc bị bệnh ruột viêm. Bệnh nhân dùng thuốc ức chế tiết axit hoặc kháng axit. Axit trong dạ dày có xu hướng diệt vi sinh vật, vì thế giảm lượng axit dạ dày gây dễ nhiễm trùng hơn. Đi du lịch vào một số mùa nhất định: ví dụ nguy cơ cao nhất ở Nam Á trong những tháng mùa nóng, trước khi vào mùa mưa.

5. Điều trị

Những phương pháp nào dùng để điều trị tiêu chảy du lịch?

Phòng chống là tốt nhất. Uống nước đóng chai. Tránh sử dụng đá viên khi đi du lịch. Bệnh tiêu chảy du lịch thường ngưng sau 5 đến 7 ngày mà không có các ảnh hưởng kéo dài. Uống đủ nước là rất quan trọng, vì tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước; đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Loại dịch chứa những chất bổ sung như chất điện giải có thể được khuyên dùng. Phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và những người mắc bệnh khác cần phải cẩn thận về việc bù dịch.

Đối với các triệu chứng nghiêm trọng hoặc có chuyển biến xấu đi, bác sĩ có thể chỉ định một loại kháng sinh hoặc các thuốc khác. Biết rõ nơi bạn đi du lịch giúp bác sĩ chọn loại thuốc phù hợp nhất.

Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định bạn gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nếu tình trạng tiêu chảy không dứt.

Những phương pháp nào dùng để chẩn đoán tiêu chảy du lịch?

Bác sĩ nghi ngờ bệnh tiêu chảy du lịch dựa trên tiền sử bệnh lí, nơi đi du lịch gần đây và khám thực thể.

Đối với bệnh tiêu chảy du lịch nghiêm trọng hoặc phân có máu, bác sĩ sẽ yêu cầu cấy phân. Trong xét nghiệm này, một lượng phân nhỏ sẽ được kiểm tra để tìm ra nguyên nhân. Các xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện thêm.

6. Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

Uống đủ nước. Cẩn thận về việc bù dịch cho trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh khác. Rửa tay sạch mỗi khi khi vệ sinh. Chắc chắn rằng bạn không uống nước bị nhiễm bẩn. Ở những nơi nhất định trên thế giới, chỉ sử dụng nước được đóng chai có nhãn mác rõ ràng. Cẩn thận với nước trực tiếp từ vòi, đá, sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa. Rửa sạch các loại trái cây và rau củ cẩn thận với nước sạch. Tránh ăn thịt hoặc hải sản sống.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Tiêu chảy du lịch, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:19/09/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM