Thương truật - Chữa thấp trệ ở trung tiêu, phong thấp
Thương truật là vị thuốc Đông y thường dùng chủ trị các chứng đầy bụng, thủy thũng, hạ huyết áp, tiêu chảy,… Ngoài ra, thuốc còn dùng cải thiện một số bệnh lý khác theo chỉ định của thầy thuốc. Cùng eLib.VN tìm hiểu vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục nội dung
Thân rễ đã phơi khô của cây Mao thương truật (Atractylodes lancea (Thunb.) DC.), hoặc cây Bắc thương truật (Atractylodes chinensis (DC.) Koidz), họ Cúc (Asteraceae).
1. Mô tả
Mao thương truật: Dược liệu dạng chuỗi hạt không đều hoặc những mấu nhỏ hình trụ, hơi cong, có khi phân nhánh, dài 3 - 10 cm, đường kính 1 - 2 cm. Mặt ngoài màu nâu xám, có vân nhăn và những đường vân xoắn ngang và vết tích của rễ con. Phần đỉnh có những vết sẹo của thân và vết của gốc thân để lại. Chất cứng, chắc, mặt bẻ màu vàng nhạt hoặc trắng xám, rải rác có nhiều khoang dầu màu vàng da cam hoặc đỏ nâu, để hở lâu ngoài không khí sẽ có kết tinh thành hình kim nhỏ, màu trắng. Mùi đặc trưng, vị hơi ngọt, cay và đắng.
Bắc thương truật: Có dạng nhiều bướu dẹt hoặc hình trụ, dài 4 - 9 cm, đường kính 1 - 4 cm. Mặt ngoài màu nâu hơi đen, khi gọt vỏ ngoài có màu nâu hơi vàng. Chất xốp, mặt bẻ rải rác có túi dầu màu vàng. Mùi thơm nhẹ, vị cay và đắng.
2. Vi phẫu
Lớp biểu bì có các tế bào đá, mô mềm vỏ không có các bó sợi; các khoang dầu có chứa các chất màu nâu nhạt đến nâu vàng, tụ lại ở phần cuối của tia ruột. Nhiều bó mạch bao quanh gỗ tạo thành bó, xắp xếp theo hướng xuyên tâm ở phần gần tầng phát sinh. Các lỗ mạch và tia ruột tương tự như các khoang dầu. Các tế bào mô mềm chứa tinh thể inulin hình cầu và nhiều tinh thể calci oxalat hình kim;
3. Bột
Bột màu nâu. Soi kính hiển vi thấy: Có nhiều tinh thể hình kim rất nhỏ, dài 5 - 30 mm trong tế bào mô mềm. Đa số sợi hợp thành bó, sợi dài hình thoi, đường kính tới 40 mm, màng tế bào dày, hơi hoá gỗ. Khá nhiều tế bào đá, đôi khi kết nối với tế bào bần, có nhiều cạnh, hình gần tròn hoặc gần hình chữ nhật, đường kính 20 - 80 mm, thành rất dày, thường thấy rõ chất inulin.
4. Định tính
A. Ngâm 1 g bột dược liệu trong 5 ml ether (TT) khoảng 5 phút, lọc. Nhỏ vài giọt dịch lọc trên một đĩa sứ men trắng. Sau khi ether bốc hơi hết, thêm 1 - 2 giọt dung dịch mới pha gồm 2 g p - dimethylamino-benzaldehyd (TT), 3,3 ml acid sulfuric (TT) và 0,4 ml nước; sau đó thêm 2 giọt ethanol 96% (TT) xuất hiện màu đỏ hồng.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
- Bản mỏng: Silica gel G
- Dung môi khai triển: Ether dầu hoả (60 - 90o) - ethyl acetat (20 : 1).
- Dung dịch thử: Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 2 ml n – hexan (TT), chiết siêu âm 15 phút, lọc, lấy dịch lọc làm dung dịch thử.
- Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,5 g bột Thương truật, tiến hành chiết như dung dịch thử.
- Cách tiến hành: Chấm riêng rẽ 10 ml mỗi dung dịch trên lên bản mỏng. Khai triển sắc ký xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt độ phòng. Phun dung dịch 5% p-dimethylaminobenzaldehyd trong ethanol có chứa 10% acid sulfuric (TT1), sấy bản mỏng tới khi hiện rõ vết. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm: Không quá 15,0 %.
Tro toàn phần: Không quá 7,0%.
Tro không tan trong acid: Không quá 1,5%.
Kim loại nặng : Không được quá 10 phần triệu. Tiến hành như sau:
Dung dịch thử: Lấy 0,3 g bột dược liệu vào 1 chén bằng sứ hoặc thạch anh, có nắp đậy, Đốt dần dần để than hoá hoàn toàn. Để nguội, thêm 1 ml hỗn hợp gồm 1 thể tích acid nitric và 3 thể tích acid hydrocloric (TT), bốc hơi tới khô trên cách thuỷ. Làm ẩm cắn bằng 3 giọt acid hydrocloric (TT), thêm 10 ml nước nóng và làm ấm trong 2 phút. Sau đó thêm 1 giọt dung dịch phenolphtalein (TT), thêm từng giọt amoniac (TT) cho đến khi dung dịch xuất hiện màu đỏ nhạt, thêm 2 ml acid acetic loãng (TT), lọc nếu cần, rửa phễu và cắn bằng 10 ml nước. Chuyển dịch lọc và dịch rửa vào ống thử Nessler, thêm nước vừa đủ 50 ml.
Dung dịch đối chiếu: Bốc hơi đến khô 1 ml dung dịch gồm 1 thể tích acid nitric và 3 thể tích acid hydrocloric (TT). Sau đó tiến hành như chỉ dẫn với dung dịch thử, sau đó thêm 3,0 ml dung dịch chì mẫu 10 phần triệu và thêm nước vừa đủ 50 ml.
Cách tiến hành: Thêm 1 giọt dung dịch natri sulfid TT1 (TT) vào dung dịch thử và dung dịch đối chiếu, lắc mạnh, để yên 5 phút. So sánh màu của 2 ống nghiệm bằng cách nhìn dọc ống hoặc quan sát trên nền trắng. Dung dịch thử không được đậm màu hơn dung dịch đối chiếu.
Arsen
Không được quá 5 phần triệu.
Tiến hành theo phương pháp A.
5. Định lượng
Định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Dùng 50,0 g bột dược liệu.
Dược liệu phải chứa ít nhất 0,35% (ml/g) tinh dầu, tính theo dược liệu khô kiệt.
6. Chế biến
Thu hoạch vào mùa xuân, thu. Đào lấy thân rễ, loại bỏ đất cát và rễ con, phơi hoặc sấy khô.
7. Bào chế
Thương truật đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi khô.
Thương truật sao cám: Cho cám vào chảo, đun nóng, đợi khi khói bốc lên, cho phiến thương truật vào, sao cho tới khi mặt ngoài chuyển thành màu vàng thẫm, lấy ra, sàng bỏ cám. Cứ 100 kg Thương truật phiến dùng 10 kg cám gạo.
8. Bảo quản
Để nơi khô, thoáng mát.
Tính vị, quy kinh
Tân, khổ, ôn. Vào các kinh tỳ, vị.
9. Công năng, chủ trị
Kiện tỳ táo thấp, khu phong trừ thấp, phát hãn giải biểu. Chủ trị: Thấp trệ ở trung tiêu (bụng đầy buồn nôn, ăn không ngon), phong thấp do hàn thấp là chính, ngoại cảm phong hàn và thấp (cảm có người nặng nề uể oải, không có mồ hôi).
10. Cách dùng, liều lượng
Ngày uống 3 - 9 g, dạng thuốc sắc.
Trên đây là bài viết về vị thuốc trương thuật của eLib.VN. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà cách dùng, liều lượng và thời gian dùng thương truật ở mỗi người khác nhau. Do đó, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng thuốc điều trị bệnh.