Thiếu máu cơ tim cục bộ

Thiếu máu cơ tim cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm sút, khiến tim không nhận đủ lượng oxy cần thiết, gây ra đau thắt ngực. Mời các bạn cùng tham khảo thêm về các triệu chứng và nguyên nhân

Thiếu máu cơ tim cục bộ

Thiếu máu cơ tim cục bộ được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý tim mạch, chiếm 40% trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Căn bệnh này cũng được xếp vào nhóm bệnh mạch vành do có liên quan đến tình trạng hẹp hay tắc nghẽn động mạch vành.

1. Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ là gì?

Thiếu máu cơ tim cục bộ (hay thiếu máu cục bộ cơ tim, thiếu máu cơ tim) xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm sút, khiến tim không nhận đủ lượng oxy cần thiết. Đó là kết quả từ việc động mạch cung cấp nuôi tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn.

Tình trạng này khiến cho khả năng bơm máu của cơ tim suy giảm. Đồng thời, khi một trong các nhánh động mạch nuôi tim bị tắc nghẽn đột ngột có thể dẫn đến một cơn đau thắt ngực. Thiếu máu cơ tim cũng khiến cho nhịp tim trở nên rối loạn.

2. Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu cơ tim cục bộ

Một số người bị thiếu máu cơ tim mà không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Trường hợp đó được gọi là thiếu máu cục bộ thầm lặng.

Khi bắt đầu biểu hiện triệu chứng, người bệnh thường cảm thấy có áp lực hoặc đau trong lồng ngực, nhất là bên phía bên trái cơ thể (cơn đau thắt ngực). Đây là triệu chứng điển hình của các ca bệnh thiếu máu cơ tim.

Các triệu chứng khác có thể gặp phải trên các đối tượng như phụ nữ, người cao tuổi hay người bệnh đái tháo đường gồm:

Đau cổ hoặc hàm Đau vai hay cánh tay Nhịp tim nhanh Thở nông khi hoạt động thể chất Buồn nôn và nôn mửa Đầy bụng, khó tiêu hay cảm thấy nghẹt thở Đổ mồ hôi lạnh Mệt mỏi Chóng mặt, choáng váng

Nếu bạn cảm thấy có cơn đau ngực nghiêm trọng hoặc kéo dài, không hết, hãy đến cơ sở y tế gần nhất hay liên lạc đến số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức.

3. Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ là gì?

Thiếu máu cơ tim có thể phát triển chậm khi lòng động mạch bị thu hẹp dần rồi tắc nghẽn theo thời gian. Ngược lại, tình trạng này có thể diễn ra nhanh chóng khi một nhánh động mạch bị nghẽn đột ngột.

Các bệnh lý hay vấn đề có thể gây ra thiếu máu cơ tim cục bộ gồm:

Bệnh mạch vành. Các mảng bám (xơ vữa) được tạo thành từ cholesterol tích tụ trên thành động mạch sẽ khiến cho dòng máu lưu thông bị hạn chế. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu cơ tim. Cục máu đông. Những mảng bám hình thành gây xơ vữa động mạch có thể bị vỡ ra, khiến cục máu đông xuất hiện. Cục máu đông này có thể gây tắc nghẽn động mạch và dẫn đến thiếu máu cục bộ đột ngột, nghiêm trọng, dẫn đến xuất hiện cơn đau thắt ngực. Rất hiếm có trường hợp một cục máu đông hình thành từ nơi khác và di chuyển theo dòng máu đến động mạch vành. Co thắt động mạch vành. Khi các cơ ở thành động mạch vành tạm thời co thắt, siết chặt lại có thể gây giảm nhanh, thậm chí ngăn máu lưu thông đến một khu vực tim. Đây là một nguyên nhân hiếm gặp của thiếu máu cơ tim.

Cơn đau ngực do thiếu máu cơ tim có thể bị kích hoạt bởi các yếu tố như:

Hoạt động gắng sức Căng thẳng Nhiệt độ lạnh Ăn một bữa ăn quá no Quan hệ tình dục

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến thiếu máu cơ tim cục bộ

Một vài yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thiếu máu cơ tim, gồm:

Khói thuốc. Hút thuốc chủ động hay tiếp xúc với khói thuốc lâu dài có thể gây tổn thương thành động mạch. Khi đó, các mảng bám cholesterol và các chất khác có điều kiện thuận lợi để hình thành, khiến lưu lượng máu chậm lại. Hút thuốc cũng làm tăng khả năng bị co thắt động mạch vành và tăng nguy cơ tạo ra cục máu đông. Bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường tuýp 1 và 2 có liên quan đến khả năng bị thiếu máu cơ tim, đau thắt ngực và các vấn đề tim mạch khác. Tăng huyết áp. Theo thời gian, huyết áp cao có thể thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn, gây tổn thương động mạch vành. Nồng độ cholesterol cao. Cholesterol là một thành phần chính trong các mảng bám trên thành động mạch. Nồng độ cholesterol xấu (LDL) trong máu cao có khả năng là do yếu tố di truyền hoặc chế độ ăn có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Nồng độ triglyceride cao. Triglyceride là một loại mỡ máu khác với cholesterol nhưng cũng góp phần gây ra xơ vữa động mạch. Béo phì. Béo phì có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe khác như đái tháo đường, tăng huyết áp và cholesterol cao. Chu vi vòng bụng. Số đo này lớn hơn 89cm ở nữ giới và 102cm ở nam giới sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim. Lười vận động thể chất. Không tập thể dục thường xuyên cũng góp phần gây béo phì và có liên quan đến tình trạng cholesterol hay mỡ máu cao. Những người thường xuyên tập các bài thể dục nhịp điệu (aerobic) cho thấy sức khỏe tim mạch tốt hơn, ít bị thiếu máu cơ tim và đau thắt ngực hơn.

4. Chẩn đoán thiếu máu cơ tim cục bộ

Bác sĩ sẽ nghe mô tả về các triệu chứng của bạn và xem qua bệnh sử, đồng thời thăm khám sức khỏe sơ bộ. Sau đó, để đưa ra được chẩn đoán, họ thường yêu cầu bạn làm một vài xét nghiệm:

Đo điện tâm đồ (ECG) để ghi lại hoạt động điện tim và tìm kiếm dấu hiệu bất thường. Xét nghiệm gắng sức (stress test), theo dõi nhịp tim, huyết áp và hơi thở của người bệnh trong khi thực hiện một số hoạt động thể chất như chạy bộ hay đạp xe trên máy. Qua đó, các vấn để ở tim có thể được phát hiện. Siêu âm tim để thu lấy hình ảnh của trái tim. Qua quan sát, bác sĩ có thể xác định khu vực nào bị tổn thương và không còn khả năng bơm máu như bình thường. Chụp động mạch vành nhờ sự hỗ trợ của thuốc cản quang được tiêm vào mạch máu và tia X. Hình ảnh thu được giúp bác sĩ nhìn rõ vấn đề bên trong mạch máu. Chụp CT tim để xem có các mảng bám bên trong động mạch vành hay không (xơ vữa động mạch).

5. Điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ

Mục tiêu trong điều trị tình trạng này là cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật, hay kết hợp cả hai.

Điều trị bằng thuốc

Các loại thuốc thường được kê đơn trong điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ là:

Aspirin. Uống 1 viên aspirin mỗi ngày hoặc các thuốc làm loãng máu khác có thể giúp giảm bớt nguy cơ hình thành cục máu đông, ngăn ngừa tình trạng tắc nghẽn động mạch vành. Các thuốc có gốc nitrat (NO). Nhóm thuốc này có tác dụng làm giãn mạch, giúp động mạch nở rộng, cải thiện lưu lượng máu đến và đi khỏi tim. Nhờ vậy, tim sẽ không phải hoạt động gắng sức. Thuốc chẹn beta. Nhóm thuốc này giúp làm giãn cơ tim, làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp để máu lưu thông về tim dễ dàng. Thuốc chẹn kênh canxi. Nhóm thuốc này giúp giãn mạch, tăng lưu lượng máu đến tim. Ngoài ra, thuốc chẹn kênh canxi cũng làm chậm nhịp tim, giảm bớt khối lượng công việc cho trái tim. Thuốc hạ cholesterol. Các thuốc giảm làm giảm nồng độ cholesterol trong máu – thành phần chính trong các mảng bám trong lòng động mạch. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin. Đây là nhóm thuốc có tác dụng làm giãn mạch và hạ huyết áp. Bác sĩ thường chỉ định cho những trường hợp có nền bệnh tăng huyết áp hoặc đái tháo đường. Ranolazine. Thuốc có tác dụng giãn mạch vành để làm dịu cơn đau thắt ngực. Ranolazine có khi được chỉ định chung với các thuốc điều trị đau thắt ngực khác, như thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn beta hay nhóm nitrat.

Các phẫu thuật giúp cải thiện lưu lượng máu

Một số trường hợp, bạn cần phải nhận phương pháp điều trị xâm lấn hơn để cải thiện lưu lượng máu.

Tạo hình mạch và nong mạch (đặt stent). Bác sĩ sẽ dùng một ống thông (catheter) mỏng, nhỏ, linh hoạt luồn vào trong động mạch. Ở đầu của ống thông này có gắn một quả bóng nhỏ, khi đến khu vực động mạch bị hẹp thì quả bóng được bơm hơi phồng lên để mở rộng lòng mạch. Sau đó, một ống lưới chuyên dụng (có tên gọi là stent) được đưa đến vị trí này để giữ động mạch luôn mở rộng. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy một phần mạch máu từ một bộ phận khác của cơ thể để ghép vào giúp máu chảy xung quanh động mạch vành bị hẹp hay tắc nghẽn. Kỹ thuật này thường được thực hiện ở những người có nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp. Phản xung động ngoại biên tăng cường (EECP). Đây là một liệu pháp điều trị tương đối mới cho các bệnh mạch vành, được dùng trong trường hợp các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả. 

Thay đổi lối sống để chung sống với thiếu máu cơ tim cục bộ

Thay đổi lối sống là một phần rất quan trọng trong quá trình điều trị thiếu máu cơ tim. Hãy cố gắng thực hiện một lối sống giúp duy trì sức khỏe tim mạch:

Bỏ hút thuốc cũng như tránh tiếp xúc với khói thuốc từ người khác Quản lý tốt các bệnh lý khác, chẳng hạn như đái tháo đường, tăng huyết áp và cholesterol cao Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa, ăn nhiều ngũ cốc, trái cây và rau củ Tập luyện thể dục thường xuyên để cải thiện lưu lượng máu đến tim Duy trì cân nặng khỏe mạnh, lên kế hoạch giảm cân an toàn nếu đang bị thừa cân, béo phì

Cuối cùng, bạn đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ vì một số yếu tố nguy cơ gây thiếu máu cơ tim như cholesterol cao, tăng huyết áp và đái tháo đường không biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Nếu phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe trên, bạn sẽ duy trì được sức khỏe tim mạch cũng như sức khỏe tổng thể nói chung.

6. Thiếu máu cơ tim cục bộ có nguy hiểm không?

Nếu không điều trị, thiếu máu cơ tim có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, như:

Đau thắt ngực dữ dội. Khi động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cơ tim không nhận được đủ máu và oxy sẽ dẫn đến một cơn đau tim nghiêm trọng và phá hủy một phần cơ tim, thậm chí gây tử vong. Loạn nhịp tim. Nhịp tim bất thường sẽ khiến tim suy yếu dần theo thời gian, gây đe dọa tính mạng. Suy tim. Các đợt thiếu máu cơ tim tái phát nhiều lần có thể dẫn đến suy tim.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay triệu chứng nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Ngày:10/08/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM