TCVN 12112:2019 tiêu chuẩn về sân bay dân dụng - hệ thống thoát nước

TCVN 12112 : 2019 do Cục Hàng không Việt Nam biên soạn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Mời các bạn cùng tham khảo 

TCVN 12112:2019 tiêu chuẩn về sân bay dân dụng - hệ thống thoát nước

TIÊU CHUẨN QUỐC GIA

TCVN 12112:2019

SÂN BAY DÂN DỤNG - HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC YÊU CẦU THIẾT KẾ

Civil aerodrome - Drainage system - Specifications for design

Lời nói đầu

TCVN 12112 : 2019 do Cục Hàng không Việt Nam biên soạn, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

SÂN BAY DÂN DỤNG - HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC - YÊU CẦU THIẾT KẾ

Civil Aerodrome - Drainage System - Specifications for Design

1  Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật trong thiết kế xây dựng mới hoặc mở rộng và nâng cấp hệ thống thoát nước mưa, nước ngầm sân bay dân dụng.

Tiêu chuẩn này cũng có thể áp dụng khi thiết kế và khai thác sân bay dùng chung cho sân bay quân sự, với nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn cao hơn.

2  Tài liệu viện dẫn

Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).

  • TCVN 4038:2012  Thoát nước - Thuật ngữ và định nghĩa;
  • TCVN 7957:2008  Thoát nước - Mạng lưới và công trình bên ngoài - Tiêu chuẩn thiết kế (Drainage and sewerage - External Networks and Facilities - Design Standard);
  • TCVN 8753:2011  Sân bay dân dụng - Yêu cầu chung về thiết kế và khai thác (Aerodrome - General Requirements for Design and Operations).
  • TCVN 10907:2015  Sân bay dân dụng - Mặt đường sân bay. Yêu cầu thiết kế (Civil Aerodrome- Pavement - Specifications for Design);

3  Thuật ngữ và định nghĩa

Trong tiêu chuẩn này, áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong TCVN 4038:2012 và các thuật ngữ, định nghĩa sau:

3.1  Cảng hàng không (Airport)

Khu vực xác định, bao gồm sân bay, nhà ga và trang thiết bị, công trình cần thiết khác được sử dụng cho máy bay bay đến, bay đi và thực hiện vận chuyển hàng không.

3.2  Sân bay (Aerodrome)

Một khu vực xác định trên mặt đất hoặc mặt nước bao gồm nhà cửa, công trình và trang thiết bị được dùng một phần hay toàn bộ cho máy bay bay đến, bay đi và di chuyển.

3.3  Khu bay (Movement area)

Phần sân bay dùng cho máy bay cất cánh, hạ cánh và lăn bao gồm cả khu cất hạ cánh và sân đỗ máy bay.

3.4  Sân đỗ máy bay (Apron)

Khu vực xác định trên sân bay mặt đất dành cho máy bay đỗ phục vụ hành khách lên xuống, xếp dỡ bưu kiện hay hàng hóa, nạp nhiên liệu, đỗ chờ thông thường hay đỗ để bảo dưỡng máy bay.

3.5  Hệ thống thoát nước sân bay

Hệ thống thoát nước sân bay là một tổ hợp các công trình tự nhiên và nhân tạo, bao gồm các công trình thu và dẫn nước mặt, nước ngầm ra khỏi phạm vi sân bay; công trình ngăn nước bảo vệ sân bay do nước tràn từ các khu vực lân cận; là một phần của hệ thống thoát nước chung của toàn Cảng hàng không. Tùy thuộc điều kiện địa hình, khí hậu sân bay, điều kiện đất đai và khí hậu thủy văn, quy hoạch tổng mặt bằng cảng hàng không và các yếu tố khác, hệ thống này kết nối trực tiếp hoặc có thể tách riêng một phần với hệ thống thoát nước toàn cảng hàng không.

3.6  Nước liên kết

Tồn tại trong đất ở dạng hấp thụ và màng tạo thành màng mỏng bao bọc hạt đất và hút đất với lực hút phân tử.

3.7  Độ ẩm của đất

Lượng nước chứa trong đất, được tính bằng phần trăm so với khối lượng đất khô. Độ ẩm của đất phải được xác định ở trạng thái tự nhiên.

3.8  Độ ngậm nước

Khả năng giữ các lượng nước khác nhau của đất

3.9  Độ ngậm nước phân tử

Lượng nước trong đất được giữ bởi các lực hút phân tử. Lượng nước liên kết vật lý cực đại trong đất là độ ngậm nước phân tử cực đại.

3.10  Độ ngậm nước mao dẫn

Lượng nước cực đại trong đất có thể được giữ trong các ống mao dẫn.

3.11  Độ ngậm nước bão hòa

Lượng nước chứa trong tất cả các lỗ hổng của đất, đất ở trạng thái bão hòa nước hoàn toàn.

3.12  Độ cao mao dẫn

Chiều cao của lớp đất ẩm mao dẫn so với mực nước ngầm. Đất của vùng mao dẫn ở trong trạng thái bão hòa nước hoàn toàn.

3.13  Tính thấm của đất

Khả năng của đất cho nước thấm qua chiều dày lớp đất.

4  Quy định chung

4.1  Lựa chọn sơ đồ hệ thống thoát nước

4.1.1  Việc lựa chọn sơ đồ nguyên lý hệ thống thoát nước sân bay phụ thuộc vào khu vực nơi bố trí sân bay, dạng địa hình, đặc trưng dòng chảy bề mặt và mức độ ẩm, loại đất, các giải pháp quy hoạch và cấu tạo mặt đường, điều kiện địa chất công trình và các điều kiện tại chỗ khác.

4.1.2  Hệ thống thoát nước xây dựng trong khu vực sân bay có loại đất sét, cũng như tại các khu vực có nguy cơ xói (khi có đất dễ bị xói, bề mặt có độ dốc lớn, mưa nhiều). Đối với các khu vực đất cát, á cát và các loại đất thấm tốt cũng như khu vực khí hậu khô hạn, việc bố trí hệ thống thoát nước cần cân nhắc, bố trí chọn lọc.

4.2  Bố trí hệ thống thu nước ngầm

4.2.1  Trường hợp có lớp thấm nước dưới móng mặt đường sân bay thì cần thiết kế ống thấm dọc lề. Để dẫn nước từ lớp thấm nước của mặt đường sân ga, sân đỗ máy bay khi mái dốc lớn hơn 40 m cho phép làm ống thấm dưới mặt đường.

4.2.2  Khi không thỏa mãn điều kiện độ nâng cao độ mặt đường nhân tạo so với mực nước ngầm tính toán cần xây dựng ống thấm sâu. Ống thấm sâu có thể kết hợp dùng để dẫn nước từ các lớp móng thấm.

4.2.3  Trường hợp có nước ngầm từ khu vực bên cạnh có khả năng ảnh hưởng đến mặt đường nhân tạo sân bay, cần bố trí hệ thống ống thấm chặn.

4.3  Yêu cầu về bố trí hệ thống thoát nước

4.3.1  Chiều dài công trình thoát nước phải tối thiểu.

4.3.2  Cho phép đặt ống góp dưới mặt đường nhân tạo trong từng trường hợp cụ thể và bắt buộc phải có giải pháp chống lún nền móng mặt đường.

4.3.3  Nước từ hệ thống thoát nước của sân bay, kể cả nước từ các khu vực đã qua hệ thống xử lý, làm sạch, trước khi chảy vào hồ chứa, sông suối hoặc hệ thống thoát nước của địa phương phải tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

4.3.4  Kích thước tiết diện ngang các thành phần của hệ thống thoát nước, độ dốc thiết kế cần phải lấy theo kết quả tính toán thủy lực.

4.3.5  Khi thiết kế hệ thống thoát nước cần phải dự kiến khả năng phát triển, mở rộng các thành phần sân bay trong tương lai.

5  Quy hoạch hệ thống thoát nước sân bay dân dụng

5.1  Nguyên tắc quy hoạch chung

Quy hoạch hệ thống thoát nước của sân bay phải tính đến các điều kiện địa chất, thủy văn của vị trí sân bay, địa hình thực địa, cấp sân bay, khả năng dùng các kết cấu có hiệu quả. Các công trình thuộc hệ thống thoát nước sân bay nên dùng kết cấu định hình sử dụng các phân tố lắp ghép.

Quy hoạch hệ thống ngăn nước ngoài sân bay: Nhằm bảo vệ khu vực sân bay, mặt đường nhân tạo của đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ khỏi bị nước từ các lưu vực lân cận chảy đến hoặc bị ngập khi lũ lụt

Quy hoạch hệ thống thoát nước mặt sân bay: Tập trung nước mưa từ các vùng thấp phần đất khu bay, nước chảy từ mặt đường nhân tạo và từ các lưu vực đất giáp với mặt đường, dẫn nước tập trung được ra ngoài phạm vi sân bay.

Quy hoạch hệ thống thu hạ mực nước ngầm sân bay: Hạ mức nước ngầm ở khu bay và khu mặt đường nhân tạo khi có mực nước ngầm cao và túi nước ngầm tồn tại lâu; thoát nước thừa cho móng thấm của mặt đường nhân tạo.

Quy hoạch hệ thống đường ống và mương dẫn thoát nước: Hệ thống đường ống và mương dẫn thoát nước nhằm tập trung và dẫn nước thoát ra khỏi phạm vi sân bay.

5.2  Quy hoạch hệ thống ngăn nước ngoài sân bay

5.2.1  Hệ thống chặn nước mặt từ các khu vực lân cận chảy vào sân bay

Hệ thống chặn nước mặt từ các khu vực lân cận chảy vào sân bay có chức năng ngăn không cho nước mặt (nguồn nước mưa) từ khu vực xung quanh chảy tràn vào sân bay, gồm các công trình ngăn nước và dẫn nước, thường là hệ thống mương, rãnh (có gia cố hoặc không gia cố bề mặt mái ta luy).

5.2.2  Hệ thống ngăn nước dâng từ khu vực xung quanh sân bay

Nước dâng từ các khu vực xung quanh sân bay có thể từ các hồ thủy điện, các hồ chứa nước thủy nông, các sông suối, nước biển dâng. Để bảo vệ sân bay khỏi bị ngập nước, cần phải xây dựng hệ thống đập chắn.

5.2.3  Hệ thống ngăn nước ngầm xung quanh sân bay

Nguồn nước ngầm có thể từ nguồn nước ngầm có áp hoặc nước ngầm không áp. Để chặn và dẫn nước ngầm cần phải làm rãnh chặn hoặc ống thấm chặn khi nước từ chỗ cao chảy đến hoặc bố trí ống thấm biên khi nước từ các khu vực thấp hơn (hồ, ao lân cận) dâng lên.

Khi có nguồn nước ngầm mao dẫn thì phải hạ mực nước ngầm bằng các ống thấm chặn làm khô. Khi nguồn gây ẩm là nước mạch có áp thì tại chỗ mạch nước thoát ra phải làm rãnh chặn để chặn nước.

5.2.4  Hồ điều hòa

Hồ điều hòa trong khu vực sân bay được xây dựng như các hồ điều hòa thông thường trong các công trình quy hoạch xây dựng nhằm điều tiết nước mưa, giảm lưu lượng dòng chảy nước mưa một cách tự nhiên khi lưu lượng mưa lớn nhưng chỉ xảy ra trong một thời gian nhất định, chống ngập lụt, giảm chi phí xây dựng, quản lý hệ thống thoát nước. Hồ điều hòa sẽ thoát nước một phần nhờ nước bay hơi, một phần được thoát theo hệ thống thiết kế.

Vị trí xây dựng hồ điều hòa cần tận dụng các khu vực trũng, thấp của địa hình để giảm kinh phí xây dựng, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể xây dựng hồ nhân tạo, hài hòa với các công trình xây dựng để tạo cảnh quan, cung cấp nước và cải thiện vi khí hậu khu vực sân bay. Hồ điều hòa không được ảnh hưởng đến các tín hiệu ra đa, ảnh hưởng hoạt động của máy bay trên sân bay.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của TCVN 12112:2019----

Ngày:17/08/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM