Bệnh sỏi bàng quang - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Cùng eLib.VN tìm hiểu về bệnh sỏi bàng quang để biết về triệu chứng, nguyên nhân, nguy cơ và cách điều trị bệnh hiệu quả.

Bệnh sỏi bàng quang - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Sỏi bàng quang là những mảnh khoáng chất cứng xuất hiện trong bàng quang. Sỏi bàng quang thường xảy ra khi bạn không tiểu hết nước tiểu trong bàng quang ra ngoài; nước tiểu kết cụm lại với nhau và tạo thành các tinh thể khoáng chất gọi là sỏi.

Sỏi bàng quang có thể không gây ra triệu chứng gì nếu chúng quá nhỏ và tự động rơi ra ngoài khi bạn đi tiểu. Đối với các sỏi bàng quang lớn hơn, các triệu chứng thường gặp là:

Đau bụng dưới, đôi khi đau dữ dội, nam giới có thể bị đau ở dương vật; Khó tiểu hoặc tiểu đau; Đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm; Nước tiểu sẫm màu; Có máu trong nước tiểu.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bạn có bất cứ triệu chứng trên, đặc biệt là khi bạn bị đau bụng kéo dài, bạn đi tiểu thường xuyên hơn, hoặc có máu trong nước tiểu của bạn. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Sỏi bàng quang thường xảy ra khi bạn không thể thải hết toàn bộ nước tiểu trong bàng quang ra ngoài. Các khoáng chất trong nước tiểu sẽ tụ tập lại và tạo thành sỏi. Có một số lý do phổ biến gây ra sỏi bàng quang:

Sa bàng quang: ở phụ nữ, thành bàng quang có thể yếu và sa xuống âm đạo; điều này có thể chặn dòng chảy nước tiểu và hình thành sỏi bàng quang; Phì đại tiền liệt tuyến: ở nam giới, khi tuyến tiền liệt to lên sẽ chặn dòng chảy nước tiểu và làm cho nước tiểu đọng lại trong bàng quang; Hội chứng bàng quang thần kinh: dây thần kinh gửi tín hiệu từ não bộ đến các cơ bàng quang của bạn. Nếu chúng bị thương tổn hoặc bị hư hỏng do một số bệnh, bàng quang của bạn sẽ không làm việc hiệu quả và dẫn đến sỏi; Viêm: nếu bàng quang bị viêm, sỏi bàng quang có thể được hình thành; Thiết bị y tế: những dụng cụ y tế được đặt trong bàng quang của bạn như ống thông tiểu, thiết bị tránh thai cũng có thể gây hình thành sỏi; Sỏi thận: sỏi thận có kích thước nhỏ và có thể trôi xuống bàng quang qua niệu quản và trở thành sỏi bàng quang nếu không được loại bỏ.

4. Nguy cơ mắc phải

Bệnh xảy ra ở những người không tiểu hết toàn bộ nước tiểu trong bàng quang ra ngoài, có thể do bệnh hoặc một nguyên nhân khác. Đa số bệnh thường gặp nhất ở nam giới độ tuổi trên 50 và ít gặp hơn ở phụ nữ.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc sỏi bàng quang?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị sỏi bàng quang, chẳng hạn như:

Tuổi tác và giới tính: sỏi bàng quang xuất hiện phổ biến hơn ở nam giới hơn ở phụ nữ. Tỷ lệ này cũng tăng dần theo độ tuổi; Tổn thương tủy: những người bị tổn thương cột sống nghiêm trọng và mất điều khiển cơ vùng chậu sẽ không thể hoàn toàn làm rỗng được bàng quang của họ; Tắc nghẽn bàng quang: nhiều yếu tố khác nhau có thể làm chặn dòng nước tiểu, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là phì đại tuyến tiền liệt; Phẫu thuật bàng quang: sỏi bàng quang có thể được hình thành sau khi phẫu thuật, ví dụ như phẫu thuật điều trị bệnh tiểu không tự chủ.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán sỏi bàng quang?

Sỏi bàng quang có thể được chẩn đoán thông qua các xét nghiệm khác nhau như:

Khám lâm sàng: bác sĩ có thể phát hiện ra những triệu chứng của sỏi như bàng quang của bạn phồng lên do căng đầy nước tiểu, hoặc kiểm tra tuyến tiền liệt có to không bằng cách khám nghiệm trực tràng; Xét nghiệm nước tiểu: bác sĩ có thể kiểm tra mẫu nước tiểu của bạn để kiểm tra xem có máu, vi khuẩn, hoặc các tinh thể không. Chụp CT và X-quang: chụp CT cùng với X-quang sẽ cho thấy hình ảnh của các nội tạng bên trong cơ thể; Siêu âm: phương pháp này sẽ giúp tìm hình ảnh các cục sỏi bằng sóng âm; Chụp cản quang đường tĩnh mạch: bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào các tĩnh mạch và chúng sẽ chạy qua thận và bàng quang, hình ảnh của những chất cản quang sẽ được thu lại bằng máy chụp X quang.

Những phương pháp nào dùng để điều trị sỏi bàng quang?

Nếu sỏi trong bàng quang của bạn có kích thước nhỏ, bạn chỉ cần uống thật nhiều nước để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể bằng dòng nước tiểu.

Khi chúng quá lớn và bị mắc kẹt trong bàng quang của bạn, thường bác sĩ sẽ điều trị bằng phẫu thuật hoặc các thủ thuật sau:

Tán sỏi:

Các bác sĩ sẽ cho nội soi niệu đạo (lỗ ở đầu dương vật, hoặc lỗ tiểu phía trên âm đạo). Các bác sĩ có thể nhìn thấy những viên sỏi thông qua camera gắn trên ống nội soi và phá vỡ chúng bằng cách sử dụng máy bắn tia laser hoặc sóng âm thanh. Bệnh nhân sẽ được gây tê trước khi tiến hành phẫu thuật.

Các biến chứng của thủ thuật này là rất hiếm, nhưng đôi khi nó có thể gây  nhiễm trùng. Bạn có thể phải dùng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Loại bỏ sỏi bàng quang bằng phẫu thuật:

Nếu sỏi quá lớn đến nỗi không thể tán được, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật để loại bỏ chúng.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh sỏi bằng quang nếu áp dụng các biện pháp sau:

Uống ít nhất 2-3 lít nước mỗi ngày để làm giảm độ đậm đặc của nước tiểu; Không nên nhịn tiểu; Nếu bạn có cảm giác vẫn chưa đi tiểu hết nước tiểu, hãy cố gắng tiểu lại sau đó 10 đến 20 giây; Dùng thuốc nhuận tràng nếu bạn có nguy cơ bị táo bón.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh sỏi bàng quang, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:05/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM