Sâm đại hành - Chữa thiếu máu, vàng da, hoa mắt, nhức đầu, mệt mỏi, băng huyết, ho ra máu
Cây sâm đại hành là vị thuốc quý trong dân gian. Thảo dược này thường được sử dụng để điều trị thiếu máu, vàng da, hoa mắt, nhức đầu, mệt mỏi, băng huyết, ho ra máu, thương tích tụ huyết, ho gà, viêm họng. Để biết thêm thông tin về vị thuốc mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Thân hành đã phơi hay sấy khô của cây Sâm đại hành (Eleutherine subaphylla Gagnep.), họ Lay ơn (Iridaceae).
1. Mô tả
Thân hành (quen gọi là củ) tròn như củ hành hay dài, đường kính chỗ lớn nhất 1 - 2 cm, dài 4 - 5 cm, bên ngoài có một vài "lớp" vẩy khô phần trên màu nâu, phần dưới màu đỏ, các lớp bên trong màu đỏ tươi như máu. Cắt ngang củ thấy màu đỏ nhạt xen lẫn những vòng đồng tâm màu trắng. Củ còn mang một ít rễ nhỏ, khô, dài 1 - 3 cm.
2. Vi phẫu
Cắt ngang lớp vẩy mọng nước thấy: Biểu bì ngoài gồm một hàng tế bào hình chữ nhật xếp đều đặn. Mô mềm có nhiều hạt tinh bột và tinh thể calci oxalat hình que. Bó libe - gỗ chồng kép hình trái xoan nằm giữa lớp mô mềm, libe bao bọc hai đầu, gỗ ở giữa, mạch gỗ ít, xếp lộn xộn, lớp biểu bì trong gồm một hàng tế bào hình chữ nhật, mỏng hơn biểu bì ngoài.
3. Bột
Bột màu hồng, vị lúc đầu hơi đắng, sau ngọt. Soi kính hiển vi thấy nhiều hạt tinh bột đa dạng, kích thước mỗi hạt 1,6 - 40 mm, nhiều hạt nhìn rõ rốn. Tinh thể calci oxalat hình que, có loại đầu nhọn trông như đầu bút chì, có loại đầu tày. Mảnh mạch. Mảnh mô mềm chứa hạt tinh bột. Mảnh biểu bì ngoài. Mảnh biểu bì trong.
Độ ẩm: Không quá 10%. Dùng 10 g dược liệu cắt nhỏ.
Tạp chất: Không quá 1%.
Tro toàn phần: Không quá 5,0%.
4. Chế biến
Thu hoạch cây mọc từ 1 năm trở lên. Đào lấy thân hành, khi cây tàn lụi cắt bỏ phần rễ, lá, rửa sạch thái dọc củ thành lát, phơi hoặc sấy khô (dưới 60o). Để nguyên miếng hoặc tán bột. Nếu chưa dùng thì sau khi đào củ, rũ sạch đất, để nguyên cả lớp rễ và vỏ ngoài, tách ra từng củ, vùi vào cát ẩm để cho củ lâu khô.
5. Bảo quản
Phần củ khô để nơi thoáng mát, tránh mốc mọt. Củ tươi vùi vào cát ẩm hoặc nơi ẩm.
Tính vị, quy kinh
Cam, ôn. Quy vào các kinh can, tỳ, phế.
6. Công năng, chủ trị
Tư âm, dưỡng huyết, chỉ huyết, sinh cơ, chỉ khái, tiêu độc. Chủ trị: Thiếu máu, vàng da, hoa mắt, nhức đầu, mệt mỏi, băng huyết, ho ra máu. Thương tích tụ huyết (giã đắp), ho gà, viêm họng, tê bại do suy dinh dưỡng, mụn nhọt, lở ngứa.
7. Cách dùng liều lượng
Ngày 4 – 12 g thuốc sắc, hãm, bột hoặc thuốc viên.
Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc sâm đại hành. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn đọc có nhu cầu nên chủ động trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện những bài thuốc dân gian.