Sa nhân - Chữa đau bụng nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, cơ nhục, động thai
Sa nhân hay còn gọi là Súc sa mật, Xuân sa, Sa ngần thuộc họ Gừng. Trong Đông y, sa nhân có mùi thơm, vị cay, tính ấm được quy vào kinh Tỳ, Vị và Thận. Dược liệu này được sử dụng khá nhiều bài thuốc chữa các triệu chứng…Để biết thêm thông tin về vị thuốc mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Quả gần chín đã bóc vỏ và phơi khô của cây Sa nhân (Amomum vilosum Lour. và Amomum longiligulare T. L. Wu, họ Gừng (Zingiberaceae).
1. Mô tả
Amomum villosum Lour.: Hình bầu dục hay hình trứng, dài 1,5 - 2 cm, đường kính 1 - 1,5 cm, màu nâu nhạt hay nâu sẫm, có 3 gờ tù (vách ngăn); mỗi ngăn có chứa 7 - 26 hạt. Bên ngoài mỗi hạt có một màng mỏng, màu trắng mờ (áo hạt) chụm thành một khối. Hạt màu nâu sẫm, cứng nhăn nheo, đường kính 2 - 3 cm, dính theo lối đính noãn trụ giữa. Cắt ngang thấy vỏ hạt màu nâu sẫm, hình khối nhiều mặt, ngoại nhũ màu trắng, nội nhũ màu trắng ngà. Mùi thơm, vị hơi cay.
Amomum longiligulare T. L. Wu: Hình bầu dục hay hình trứng dài, có 3 gờ tù, dài 1,5 - 2 cm, đường kính 0,8 - 1,2 cm. Bên ngoài mỗi quả có gờ phân nhánh mịn như tuyết, có sẹo của cuống hoa để lại. Hạt màu nâu sẫm, cứng. Khối lượng các hạt tương đối nhỏ, mỗi quả có 3 - 24 hạt, đường kính 1,5 - 2 mm. Mùi thơm và vị hơi nhạt.
2. Định tính
A. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại, bột dược liệu phát quang màu tím nâu.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
- Bản mỏng: Silica gel G.
- Dung môi khai triển: Cyclohexan - ethyl acetat (22 : 1).
- Dung dịch thử: Hoà tan tinh dầu thu được trong mục định lượng trong ethanol 96% (TT) để được dung dịch có chứa 20 µl/ml.
- Dung dịch đối chiếu: Lấy Sa nhân (mẫu chuẩn) cất lấy tinh dầu và chuẩn bị như dung dịch thử hoặc/và hoà tan bornyl acetat trong ethanol 96% (TT) để được dung dịch có chứa 10 µl/ml.
- Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 1 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai xong, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng, phun lên bản mỏng dung dịch vanilin 5% trong acid sulfuric. Sấy bản mỏng ở 105 °C đến khi các vết hiện rõ. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu hoặc/và phải có vết có cùng màu đỏ tía và giá trị Rf với vết bornyl acetat trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm: Không quá 14%.
Tro toàn phần: Không quá 7%.
Tạp chất
Tỷ lệ hạt rời: Không quá 10%.
Tạp chất hữu cơ: Không quá 1%.
Tỷ lệ hạt non: Không quá 2%.
3. Định lượng
Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7), dùng 20 g bột dược liệu và 150 ml nước, cất trong 4 giờ. Dược liệu phải chứa ít nhất 1,5 % tinh dầu tính theo dược liệu khô kiệt
4. Chế biến
Thu hoạch vào mùa hạ, mùa thu, lúc trời khô ráo, hái lấy quả chín, để cả vỏ, tãi phơi ngay cho thật khô; nếu không gặp nắng phải sấy kịp thời; tốt nhất ngày phơi, đêm sấy, khoảng 4 - 5 ngày thì khô. Quả Sa nhân khô kiệt đem bóc bỏ vỏ, lấy hạt đem phơi hoặc sấy nhẹ (40 - 45oC) đến khô.
5. Bảo quản
Để nơi khô mát, thoáng gió tránh nóng ẩm.
Tính vị, qui kinh
Tân, ôn. vào các kinh tỳ, vị thận
6. Công năng, chủ trị
Hành khí hoá thấp, an thai. Chủ trị: Đau bụng nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, cơ nhục, động thai.
7. Cách dựng, liều dùng
Ngày 3 – 6 g, dạng thuốc sắc, hoặc hoàn tán
Kiêng kỵ
Âm hư nội nhiệt không nên dùng.
Sa nhân được xem là một trong những dược liệu quý trong khi tàng dược liệu trong Đông y, điển hình là những bài thuốc chữa một số bệnh lý ở đường tiêu hóa, có tác dụng kích thích quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, dược liệu này chưa được giới dược lý hiện đại nghiên cứu và đưa ra kết luận về công dụng của chúng. Vì vậy, người bệnh không được tự ý sử dụng các bài thuốc từ dược liệu này khi chưa có sự chỉ định từ các bác sĩ hoặc lương y.