Bệnh rong kinh (kinh nguyệt kéo dài) - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Rong kinh là tình trạng xuất huyết quá nhiều trong chu kì kinh hoặc kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé!

Bệnh rong kinh (kinh nguyệt kéo dài) - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Rong kinh là tình trạng xuất huyết quá nhiều trong chu kì kinh nguyệt hoặc kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường (thường là trên 7 ngày). Phụ nữ tiền mãn kinh cũng xuất huyết nhiều hơn bình thường trong kỳ kinh nguyệt của mình nhưng phần lớn không nghiêm trọng đến mức được chẩn đoán rong kinh. Rong kinh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và vấn đề sinh hoạt thường ngày của bạn.

2. Triệu chứng thường gặp

Dấu hiệu của rong kinh là xuất huyết nặng trong kỳ kinh nguyệt, cụ thể là bạn phải thay băng vệ sinh mỗi giờ một lần do xuất huyết và tiếp diễn liên tục trong nhiều giờ.

Các dấu hiệu khác của rong kinh bao gồm:

Xuất huyết nặng liên tục trên 7 ngày; Kinh nguyệt thường xuyên kéo dài trên 10 ngày; Xuất huyết nặng bất thường trong 2 kỳ kinh nguyệt liên tiếp.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Bạn nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay nếu bạn có một trong các triệu chứng sau:

Xuất huyết quá nhiều trong kỳ kinh nguyệt; Xuất huyết sau khi mãn kinh.

Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Những nguyên nhân gây rong kinh:

Hàng tháng, hormone sinh dục estrogen và progesterone cùng tác động làm nội mạc tử cung (thành trong tử cung) dày lên. Phần thành nội mạc dày lên này sẽ bong ra và tạo thành kinh nguyệt. Nếu hai hormone này mất cân bằng, nội mạc tử cung được tạo ra quá dày, dẫn đến tình trạng xuất huyết nặng khi có kinh.

Một nguyên do gây mất cân bằng hormone là do rối loạn chức năng tử cung. Khi đó, tử cung không rụng trứng nên hormone progesterone không được sản sinh.

Các nguyên nhân khác có thể dẫn đến rong kinh bao gồm:

Polyp tử cung; U xơ tử cung; Sử dụng vòng tránh thai; Tác dụng phụ của thuốc kháng viêm; Rối loạn đông máu di truyền; Sẩy thai hoặc mang thai ngoài tử cung; Ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư buồng trứng cũng là nguyên nhân gây nên rong kinh.

4. Nguy cơ mắc phải

Khoảng 9% đến 14% phụ nữ bị rong kinh. Trong đó, có 90% trường hợp rong kinh rơi vào những bé gái mới bắt đầu dậy thì (mới có kinh trong vòng 1 năm) và phụ nữ trung niên tiền mãn kinh (từ 40 đến 50 tuổi).

Bạn có thể hạn chế khả năng mình bị rong kinh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết với trường hợp của bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ rong kinh (kinh nguyệt kéo dài)?

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh rong kinh bao gồm:

Vừa mới bắt đầu có kinh; Gần đến tuổi mãn kinh; Có polyp tử cung; Bị u xơ tử cung; Ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung hoặc ung thư buồng; Bị rối loạn đông máu hoặc rối loạn xuất huyết di truyền; Đang điều trị bệnh bằng thuốc kháng viêm chứa steroid.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh rong kinh (kinh nguyệt kéo dài)?

Bác sĩ chẩn đoán rong kinh dựa trên tiền sử, khám thực thể và xét nghiệm máu (kiểm tra thiếu máu). Thiếu máu xảy ra khi bạn mất máu quá nhiều, khiến bạn mệt mỏi và cảm thấy yếu. Những xét nghiệm khác có thể được thực hiện bao gồm:

Siêu âm; Thử pap: các bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ các tế bào từ bề mặt của cổ tử cung để kiểm tra xem có những khác thường gì hay không; Sinh thiết nội mạc tử cung, nong nạo tử cung: mẫu mô nội mạc tử cung được lấy ra để kiểm tra ung thư; Soi ổ bụng: cho phép quan sát bụng thông qua một đường rạch nhỏ; Chụp tử cung vòi trứng: một chất cản quang được đưa vào tử cung và ống dẫn trứng cho phép bác sĩ quan sát tử cung trên phim X-quang; Soi tử cung: dùng một ống kim loại gắn máy ghi hình đưa qua cổ tử cung đến tử cung để quan sát.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh rong kinh (kinh nguyệt kéo dài)?

Phương pháp điều trị rong kinh phụ thuộc vào nguyên nhân và ảnh hưởng của rong kinh trong sinh hoạt của bạn. Thông thường, các bác sĩ sẽ dùng thuốc hoặc các biện pháp phẫu thuật để can thiệp vào tình trạng rong kinh của bạn. Thuốc được bác sĩ chỉ định bao gồm thuốc ngừa thai, thuốc bổ sung hormone (như progesterone) và thuốc bổ sung sắt. Nếu dùng thuốc không có hiệu quả, bạn có thể cần được phẫu thuật. Những thủ thuật có thể được dùng bao gồm nong nạo tử cung và soi tử cung.

Ngoài ra, còn có những biện pháp phẫu thuật khác để điều trị rong kinh. Tuy nhiên, các phương pháp này có nguy cơ vô sinh cao, thường chỉ dùng khi bạn lớn tuổi và không có nhu cầu sinh con. Đó là nhửng phương pháp như cắt đốt nội mạc tử cung, nạo nội mạc tử cung và cắt bỏ tử cung (gồm cả tử cung và cổ tử cung).

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến rong kinh:

Ăn thực phầm giàu sắt; Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn; Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn; Báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến rong kinh (kinh nguyệt kéo dài), hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:06/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM