Rau muống biển - Tác dụng trừ thấp tiêu viêm
Muống biển hay là rau muống biển cây thân thảo, mọc lâu năm, phổ biến ở các bãi cát dọc bờ biển. Muống biển được ứng dụng để điều trị dị ứng, chàm, eczema, phù thũng, chân tay đau nhức,…Thuốc có công dụng như thế nào trong y học, mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Mục lục nội dung
Muống biển, Rau muống biển - Ipomoea pes-caprae (L.) Sweet, thuộc họ Khoai lang - Convolvulaceae.
1. Mô tả
Cây thảo mọc bò dài, không cuống, có thân dày, phân nhánh, hầu như có rãnh, nhẵn, thường đo đỏ, ngọn hướng lên. Lá hầu như đang thuôn, hình tim sâu ở gốc, tròn hay lõm ở đầu, dài 4 - 6cm, rộng 5-7cm, nhẵn cả 2 mặt; cuống lá dài 5-7cm, dày về phía gốc, rải rác có nhiều u, mang hai tuyến đối nhau ở đầu. Hoa to, màu hồng, thành xim ít hoa ở nách lá, với một cuống chung dài 2 -4cm. Quả nang h́nh cầu, đường kính 2cm. Hạt 4. đường kính 7mm, đẹp, màu hung.
Hoa vào mùa hè và thu.
2. Bộ phận dùng
Toàn cây - Herba Ipomoeae Pes-caprae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Ân Độ, Inđônêxia, Philippin. Ở nước ta, cây mọc hoang ở bãi cát ven biển và cố định cát. Thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
4. Thành phần hóa học
Cây chứa nhựa 7,27%, tinh dầu 0,048% và các chất pentatriacontane, triacontane, sterol, acid behenic, acid melissic, acid butyric và acid myristic. Rễ chứa alcaloid.
5. Tính vị, tác dụng
Vị cay và hơi đắng, tính ấm; có tác dụng trừ thấp, tiêu viêm, lợi tiêu hoá và nhuận tràng. Dịch lá lợi tiểu.
6. Công dụng
Nhân dân ta thường dùng lá Muống biển làm thức ăn cho thỏ, dê, ngựa, chuột lang; cũng dùng cho trâu bò nhưng chúng không thích ăn vì có mùi hăng và làm cho sữa bò có mùi vị không ngon. Toàn cây được dùng làm thuốc chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, tê thấp, chân tay đau nhức, mỏi, thông tiểu tiện, chữa thuỷ thũng, đau bụng. Dùng ngoài, lá Muống biển tươi giã nát dùng đắp lên các vết loét, mụn nhọt đang mưng mủ và cũng dùng trị rắn cắn, có thể phơi khô tán nhỏ rắc lên những nơi bị bỏng.
Ở Ân Độ, lá được dùng đắp ngoài trị tê thấp và đau bụng, dịch lá dùng trị bệnh phù và đồng thời dùng lá giã nát đắp vào những phần bị phù.
Ở Thái Lan, lá được dùng ngoài để trị chất độc của thịt sứa.
Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây trị: 1. Phong thấp đau nhức khớp xương, đau ngang thắt lưng; 2. Mụn nhọt và viêm mủ da, trĩ xuất huyết. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc. Không dùng cho phụ nữ có thai. Dùng ngoài, lấy cây tươi giã đắp.
7. Đơn thuốc
Tê thấp, phù thũng: Rễ và dây sắc nước uống.
Thấp khớp tạng khớp: Muống biển 45g, sắc nước uống.
Mụn nhọt và viêm mủ da: Muống biển 30-60g, sắc và thêm đường đỏ uống. Bên ngoài dùng cây tươi giã nát đắp vào chỗ đau.
Trị chảy máu: Muống biển 30g, nấu với lòng lợn 300g chia 2 lần ăn như thức ăn.