Quỳnh lam - Thanh nhiệt giải độc
Quỳnh lam phân bố khắp Đông Dương. Lấy lá nấu nước làm thuốc trị bệnh phù thũng, dùng lá nấu với rượu lấy nước cho vào ống đếm giọt nhỏ vào mắt trị đau mắt. Để biết được công dụng trong y học của cây Quỳnh lam mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Quỳnh lam, Thụ đào có mũi – Gonocaryum lobbianum (Miers) Kurz (G. subrostratum Pierre), thuộc họ Mộc thông ta – Icacinaceae.
1. Mô tả
Cây gỗ cao 5 – 15m, có nhánh mảnh, dẻo, bóng loáng, màu vàng vàng. Lá hình bầu dục, tù và không cân ở gốc, tận cùng đột ngột bởi một mũi ngắn và tù, dai, rất bóng ở mặt trên, dài 14 – 19cm, rộng 6 – 10cm, gân bên 7 cặp cách nhau; cuống to, dài 10mm. Hoa thành xim rất sít nhau tạo thành một xim co dài 5 – 10mm, ở nách lá. Quả kéo dài dạng trứng gần nhọn, có khía, dài 3 -4cm, dày 15mm, màu đen lục. Hạt đơn độc, có rãnh một bên.
Hoa tháng 3, quả tháng 4 – 9.
2. Bộ phận dùng
Lá và rễ – Folium et Radix Gonocaryi Lobbiani.
3. Nơi sống và thu hái
Loài này phân bố khắp Đông Dương.
4. Tính vị, tác dụng
Rễ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán uất kết.
5. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Người Lào dùng lá làm rau ăn; còn ở Nam Việt Nam, nhân dân dùng lá làm men rượu. Ở vùng Trảng Bom (Đồng Nai), người ta nấu nước lá làm thuốc trị bệnh phù thũng, ở Nha Trang, người ta dùng lá nấu với rượu lấy nước cho vào ống đếm giọt nhỏ vào mắt trị đau mắt.
Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ được dùng trị viêm gan hoàng đản, ngực sườn đau tức.
Trên đây là một số thông tin về cây Quỳnh lam mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.