Quao nước - Điều kinh

Ở nước ta, cây Quao nước mọc dựa rạch có thủy triều, nhiều nơi từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào tới Long An, An Giang. Dân gian thường dùng lá Quao, phối hợp với ích mẫu, Ngải cứu, Cỏ gấu, Muồng hoè để làm thuốc điều kinh, sửa huyết, bổ huyết. Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Quao nước - Điều kinh

Quao nước - Dolichandrone spathacea (L.f.) K. Schum., thuộc họ Núc nác - Bignoniaceae.

1. Mô tả

Cây gỗ lớn cao 15m. Lá kép lông chim một lần gồm 7 lá chét; lá chét không lông, lúc khô màu đen. Cụm hoa là chùm ngắn gồm nhiều hoa trắng, to, thơm, gần như đều. Đài hình tàu dài 3 -4cm. ống tràng dài 10 - 12cm, phía trên có 5 tai nhăn. Nhị 4. Quả nang thõng xuống, tròn, nhọn, có vách giả. Hạt dẹp, có cánh dày, dài 1,5 - 2,3cm.

2. Bộ phận dùng

Vỏ thân, lá, rễ, hạt - Cortex, Folium, Radix et Semen Dolichandrones Spathaceae.

3. Nơi sống và thu hái

Loài cây của Ấn Độ, Campuchia, Việt Nam, Malaixia tới đảo Salomon và Tân đảo (Nouvelle Calédonie). Ở nước ta, cây mọc dựa rạch có thủy triều, nhiều nơi từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào tới Long An, An Giang. Người ta thu hái các bộ phận của cây quanh năm.

4. Tính vị, tác dụng

Hạt có tác dụng khử trùng.

5. Công dụng, chỉ định và phối hợp

Dân gian thường dùng lá Quao, phối hợp với ích mẫu, Ngải cứu, Cỏ gấu, Muồng hoè để làm thuốc điều kinh, sửa huyết, bổ huyết. Còn dùng cho phụ nữ sau khi sinh uống vào cho khoẻ người ăn ngon cơm. Vỏ và lá dùng làm thuốc nhuận gan. Lá dùng trị hen suyễn. Vỏ rễ dùng làm thuốc tiêu độc. Người ta đã dùng rễ và lá Quao nước phối hợp với rễ hoặc cây Ô rô chế thành biệt dược Ô rô - Quao làm thuốc giải độc nhuận gan. Thường dùng vỏ cây, rễ và lá sao qua sắc nước để uống, hoặc dùng các bộ phận của cây nấu thành cao lỏng để dùng.

Ở Ấn Độ, hạt cũng được dùng phối hợp với Gừng trị đau co thắt.

6. Đơn thuốc

Điều kinh, thông kinh, trục huyết ứ: Lá Quao nước, ích mẫu, Chó đẻ, Cù đèn, Cam thảo mỗi thứ 1 nắm, sắc nước uống.

Bệnh gan, vàng da, xơ gan cổ trướng: Lá Quao nước, lá Ô rô, thân rễ Mớp gai, mỗi thứ 1 nắm nấu nước uống.

Hy vọng những thông tin vừa được chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích về cây. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM