Quả ngọt - Chữa phong thấp đau nhức
Quả ngọt là dây leo gỗ, thuộc họ Mộc thông, mọc trong rừng thưa ở độ cao 1500m ở Sapa (Lào Cai), có tác dụng khư phong trừ thấp, điều kinh hoạt huyết, giảm đau, an thần, được dùng chữa phong thấp, đau nhức khớp xương, đòn ngã tổn thương, rắn độc cắn,... Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích và cách sử dụng của loại cây này, mời bạn đọc tham khảo.
Mục lục nội dung
Quả ngọt, Dây quả ngọt - Mappianthus iodoides Hand. - Mazz., thuộc họ Mộc thông - Icacina ceae.
1. Mô tả
Dây leo gỗ. Lá như mọc đối; phiến bầu dục thuôn, dài 7 - 13cm, rộng 2,5 - 6,5cm, đầu có mũi dài, gốc tù tròn, gân phụ 5 cặp, mặt trên nâu vàng không lông, mặt dưới đầy lông nâu; cuống 1cm. Cụm hoa ở nách lá, dài 5 - 7cm, hoa cao 7mm, đài hình chén có 5 răng; cánh hoa dày, nhị 5, cao bằng cánh hoa, bầu không lông. Quả có nhiều dịch ngọt, thịt quả có nhiều đường vân hoa dọc.
Mùa hoa tháng 4 - 11.
2. Bộ phận dùng
Rễ, thân - Radix et Caulis Mappianthi.
3. Nơi sống và thu hái
Loài của Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc trong rừng thưa ở độ cao 1500m ở Sapa (Lào Cai).
4. Tính vị, tác dụng
Vị hơi đắng, chát, tính bình, có tác dụng khư phong trừ thấp, điều kinh hoạt huyết, giảm đau, an thần.
5. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Ở Vân Nam (Trung Quốc), cây được dùng chữa: Phong thấp, đau nhức khớp xương, đòn ngã tổn thương, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, bế kinh; dùng ngoài trị ngoại thương xuất huyết, rắn độc cắn.
Trên đây là một số thông tin về cây Quả ngọt mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.