QCVN 67:2018/BGTVT về thiết bị chịu áp lực trên phương tiện giao thông vận tải

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị chịu áp lực trên phương tiện giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác trên biển QCVN 67:2018/BGTVT thay thế cho QCVN 67:2017/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 27/2019/TT-BGTVT ngày 07 tháng 8 năm 2019. Mời các bạn tham khảo!

QCVN 67:2018/BGTVT về thiết bị chịu áp lực trên phương tiện giao thông vận tải

QCVN 67:2018/BGTVT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ THIẾT BỊ CHỊU ÁP LỰC TRÊN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ THĂM DÒ, KHAI THÁC TRÊN BIỂN

National Technical Regulation

on Pressure Vessels of Means of Transportation and Offshore Installations

Lời nói đầu

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị chịu áp lực trên phương tiện giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác trên biển QCVN 67:2018/BGTVT thay thế cho QCVN 67:2017/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 27/2019/TT-BGTVT ngày 07 tháng 8 năm 2019.

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ THIẾT BỊ CHỊU ÁP LỰC TRÊN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ THĂM DÒ, KHAI THÁC TRÊN BIỂN

National Technical Regulation

on Pressure Vessels of Means of Transportation and Offshore Installations

PHẦN I: QUY ĐỊNH CHUNG

1  Phạm vi điều chỉnh

- Quy chuẩn này quy định các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và an toàn lao động tối thiểu trong thiết kế, chế tạo, xuất nhập khẩu, lắp đặt, sửa chữa, sử dụng, quản lý, kiểm tra, chứng nhận đối với các bình chịu áp lực có áp suất làm việc cao hơn 0,7 bar, không tính áp suất thủy tĩnh như sau:

1.1  Các bình chịu áp lực lắp đặt trên các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (bao gồm bình dùng để chuyên chở khí, khí hóa lỏng, chất lỏng và bình dùng để chứa khí, khí hóa lỏng dùng làm nhiên liệu của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ);

1.2  Các bình chịu áp lực lắp đặt trên các phương tiện giao thông đường sắt;

1.3  Các bình chịu áp lực lắp đặt trên phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển.

2  Đối tượng áp dụng

- Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thiết kế, chế tạo, xuất nhập khẩu, lắp đặt, sửa chữa, sử dụng, quản lý, kiểm tra, chứng nhận thử nghiệm các bình chịu áp lực lắp đặt trên các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và trên phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển có áp suất làm việc cao hơn 0,7 bar, không tính áp suất thủy tĩnh.

3  Giải thích từ ngữ

- Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

3.1  Bình chịu áp lực (sau đây ký hiệu là BCAL) là các bồn, bể, thùng dùng để chứa, chuyên chở khí, khí hóa lỏng, chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 bar, không tính áp suất thủy tĩnh; bình có dung tích từ 25 lít trở lên, tích số giữa dung tích (tính bằng lít) với áp suất (tính bằng bar) lớn hơn 200 lắp đặt trên các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và lắp đặt trên phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển.

3.2  Bình chịu áp lực lắp đặt trên các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là BCAL dùng để chuyên chở khí, khí hóa lỏng, chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 bar, không tính áp suất thủy tĩnh lắp đặt trên các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và BCAL dùng để chứa khí, khí hóa lỏng dùng làm nhiên liệu của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

3.3  Áp suất làm việc cho phép là áp suất lớn nhất mà thiết bị được phép làm việc lâu dài.

3.4  Áp suất thiết kế (Ptk) là áp suất do Cơ sở thiết kế quy định làm cơ sở tính sức bền các bộ phận của bình chịu áp lực. Áp suất này chưa kể đến áp suất thủy tĩnh tại điểm tính toán.

3.5 Áp suất làm việc lớn nhất (Plv) là áp suất cao nhất mà bình chịu áp lực phải chịu trong điều kiện vận hành bình thường. Áp suất này được xác định bởi các yêu cầu kỹ thuật của công nghệ sử dụng.

3.6  Ứng suất thiết kế là ứng suất cho phép lớn nhất sử dụng trong các công thức tính toán chiều dày tối thiểu hoặc kích thước của các bộ phận chịu áp lực.

3.7 Nhiệt độ thiết kế là nhiệt độ kim loại tại áp suất tính toán tương ứng được sử dụng để lựa chọn ứng suất thiết kế cho bộ phận của bình chịu áp lực được xem xét.

3.8  Nhiệt độ thiết kế nhỏ nhất của vật liệu là nhiệt độ nhỏ nhất đặc trưng của vật liệu. Nhiệt độ này được sử dụng trong thiết kế để lựa chọn vật liệu có độ dai va đập đủ để tránh nứt gãy, và là nhiệt độ tại đó vật liệu có thể được sử dụng với độ bền thiết kế đầy đủ.

3.9 Nhiệt độ làm việc lớn nhất là nhiệt độ lớn nhất của kim loại mà bộ phận được xem xét của bình chịu áp lực phải chịu trong điều kiện làm việc bình thường. Nhiệt độ này được xác định bởi các yêu cầu kỹ thuật của công nghệ sử dụng.

3.10  Nhiệt độ làm việc nhỏ nhất là nhiệt độ của kim loại mà bộ phận được xem xét của bình chịu áp lực phải chịu trong điều kiện làm việc bình thường. Nhiệt độ này được xác định bởi các yêu cầu kỹ thuật của công nghệ sử dụng hay nhiệt độ thấp nhất được chỉ định bởi người đặt hàng.

3.11  Chiều dày tính toán nhỏ nhất là chiều dày nhỏ nhất được xác định từ tính toán theo các công thức để chịu tải trước khi thêm vào phần bổ sung do ăn mòn hoặc các hệ số bổ sung khác.

3.12  Chiều dày cần thiết nhỏ nhất là chiều dày bằng chiều dày tính toán nhỏ nhất cộng với phần bổ sung thêm do ăn mòn.

3.13  Chiều dày danh nghĩa là chiều dày của vật liệu được chọn trong các cấp chiều dày thương mại có sẵn (có áp dụng các dung sai chế tạo đã được quy định).

3.14  Chiều dày thực là chiều dày của vật liệu sử dụng trong một bộ phận của bình chịu áp lực có thể được lấy theo chiều dày danh nghĩa, trừ đi dung sai chế tạo được áp dụng.

3.15  Cơ quan Đăng kiểm là các Chi cục trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.

3.16  Cơ sở chế tạo (sản xuất) là tổ chức, công ty hoặc cá nhân chế tạo ra bình chịu áp lực.

3.17  Cơ sở thử nghiệm là các trung tâm, trạm thử, phòng thí nghiệm, có chức năng, năng lực đã được chứng nhận thực hiện kiểm tra, thử nghiệm bình chịu áp lực.

3.18  Tổ chức chứng nhận về hàn và kiểm tra không phá hủy (NDT ) là các tổ chức có chức năng chuyên ngành về hàn và NDT đã được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận để thực hiện các công việc liên quan đến đào tạo, kiểm tra, chứng nhận về hàn và NDT.

3.19  Chủ thiết bị là các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác sử dụng bình chịu áp lực.

3.20  Các bên có liên quan là người đặt hàng, người thiết kế, người chế tạo, cơ quan kiểm tra và thẩm định thiết kế, nhà cung cấp, người lắp đặt và chủ đầu tư.

3.21  Sản phẩm cùng kiểu là các sản phẩm cùng nhãn hiệu, thiết kế và có cùng thông số kỹ thuật được sản xuất trên cùng một dây chuyền công nghệ.

3.22  Giải thích từ ngữ riêng đối với phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác dầu khí trên biển.

3.22.1  Hoán cải là thay đổi ở bất kỳ bộ phận nào làm cho thiết kế bị ảnh hưởng tới khả năng chịu áp lực của bình chịu áp lực nằm ngoài khoảng giá trị được mô tả trong các báo cáo thông số hiện có.

3.22.2  Các vị trí kiểm soát trạng thái (CMLs) là các vị trí chỉ định trên bình chịu áp lực, nơi mà các cuộc kiểm tra chu kỳ được thực hiện để đánh giá trực tiếp trạng thái của bình. CMLs có thể có một hoặc nhiều điểm kiểm tra và sử dụng nhiều phương pháp kiểm tra căn cứ vào việc hư hỏng bộ phận được dự đoán trước để phát hiện ra hư hỏng ở xác suất cao nhất.

3.22.3  Hàn đắp có kiểm soát (CDW): bất kỳ phương pháp hàn nào được sử dụng để đạt việc làm mịn hạt được kiểm soát và gia nhiệt bên dưới vùng ảnh hưởng nhiệt ở vật liệu cơ bản. Có nhiều phương pháp, ví dụ như gia nhiệt đường hàn (gia nhiệt lớp bên dưới đường hàn hiện tại sẽ ngưng đọng) và bao gồm nửa đường hàn (yêu cầu loại bỏ 1/2 lớp đầu). Xem 6.1.6-4(3).

3.22.4  Ăn mòn cho phép là chiều dày vật liệu bổ sung để cho phép kim loại hao hụt do thời gian khai thác của bình.

3.22.5  Tốc độ ăn mòn là tốc độ hao hụt kim loại do xâm thực, xâm thực/ăn mòn, hoặc do phản ứng hóa học với môi trường bên trong và/hoặc bên ngoài bình.

3.22.6  Chuyên gia về ăn mòn là người, được chủ thiết bị chấp nhận, có hiểu biết và kinh nghiệm trong ăn mòn hư hỏng cơ học, luyện kim, lựa chọn vật liệu và các phương pháp kiểm soát ăn mòn.

3.22.7  Ăn mòn dưới lớp bọc (CUI) là tất cả các dạng CUI bao gồm ăn mòn ứng suất nứt và ăn mòn bên dưới lớp cách nhiệt.

3.22.8  Hư hỏng cơ học là bất kỳ loại hư hỏng nào bắt gặp trong công nghiệp hóa học và tinh chế mà có khẳ năng gây ra nứt/khuyết tật ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của bình (ví dụ như ăn mòn, nứt, xâm thực, lõm, và các hư hỏng cơ học, vật lý khác, hoặc các tác động hóa học).

3.22.9  Khuyết tật là hư hỏng về hình dáng kích thước vượt quá tiêu chuẩn cho phép và do đó có thể loại bỏ.

3.22.10  Nhiệt độ thiết kế là nhiệt độ được sử dụng trong thiết kế bình theo bộ luật chế tạo áp dụng.

3.22.11  Hồ sơ bình chịu áp lực là các tài liệu bao gồm: kiểu bình; Mô tả thiết kế bình; Phụ kiện và lắp đặt bình; công chất sử dụng; Vận hành, bảo dưỡng, hoán cải, đánh giá lại và các hoạt động thử áp lực, đánh giá phù hợp (FFS); Đào tạo nhân lực; Kế hoạch kiểm tra, kết quả kiểm tra; NDT; Các quy trình để thực hiện các hoạt động đó, hoặc bất kỳ thông tin thích hợp khác để duy trì tính toàn vẹn và đảm bảo của bình.

3.22.12  Điểm kiểm tra là điểm ghi, điểm đo đạc hoặc điểm thử nghiệm (điểm thử nghiệm là thuật ngữ không sử dụng thay thế cho thử nghiệm cơ học hoặc vật lý. Ví dụ như thử độ bền kéo hoặc thử áp lực).

-  Một vùng trong phạm vi CML được xác định bởi vòng tròn có đường kính không lớn hơn 75 mm đối với các bình. CMLs có thể bao gồm nhiều điểm kiểm tra, ví dụ như một vòi của bình có thể là 1 CML và có nhiều điểm kiểm tra (ví dụ một điểm kiểm tra trong tất cả 4 góc phần tư của CML trên vòi bình).

3.22.13  Kiểm tra bên ngoài là kiểm tra bằng mắt được thực hiện từ bên ngoài của bình để phát hiện các tình trạng mà có thể tác động tới khả năng duy trì tính toàn vẹn hoặc tình trạng của bình, bao gồm tính toàn vẹn của các kết cấu nâng đỡ (ví dụ như thang, bệ và kết cấu trợ giúp). Kiểm tra bên ngoài có thể được thực hiện khi bình đang hoặc ngừng hoạt động và có thể thực hiện đồng thời với kiểm tra hoạt động.

3.22.14  Kiểm tra bên trong là một cuộc kiểm tra được thực hiện từ bên trong bình bằng mắt thường và/hoặc các phương pháp NDT.

3.22.15  Đánh giá phù hợp cho hoạt động (FFS) là phương pháp mà các khuyết tật và hư hỏng khác hoặc các điều kiện hoạt động trong phạm vi bình được đánh giá để xác định tính toàn vẹn của bình cho tiếp tục hoạt động.

3.22.16  Ăn mòn tổng thể là ăn mòn nhiều hay ít phân bố đều nhau trên bề mặt kim loại.

3.22.17  Ăn mòn cục bộ là ăn mòn xảy ra trong ranh giới giới hạn hoặc vùng riêng biệt trên bề mặt kim loại của bình.

3.22.18  Vùng ảnh hưởng nhiệt là phần vật liệu cơ bản có các đặc tính cơ học hoặc cấu trúc vi mô bị thay đổi bởi nhiệt của đường hàn hoặc nhiệt khi cắt.

3.22.19  Bình chịu áp lực trong khai thác là bình chịu áp lực đã được đưa vào hoạt động, đối ngược với giai đoạn chế tạo mới trước khi đưa vào khai thác hoặc các bình giải bản. Một bình không hoạt động do ngừng sản xuất vẫn được coi là bình đang khai thác.

3.22.20  Kiểm tra trong khai thác là tất cả các hoạt động kiểm tra liên quan tới bình chịu áp lực khi nó được đưa vào khai thác nhưng trước khi nó được giải bản hoàn toàn.

3.22.21  Kiểm tra là đánh giá hoạt động, bên ngoài hoặc bên trong (hoặc kết hợp) tình trạng của bình.

3.22.22  Kế hoạch kiểm tra là một kế hoạch xác định thời gian và phương pháp kiểm tra bình hoặc thiết bị giảm áp được kiểm tra, sửa chữa, và/hoặc bảo dưỡng.

3.22.23  Cửa sổ hoạt động toàn vẹn là các giới hạn xác định về các đặc tính công nghệ mà có thể ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của thiết bị nếu như hoạt động công nghệ lệch với các giới hạn xác định trong khoảng thời gian được dự định trước đó.

3.22.24  Sửa chữa lớn là bất kỳ công việc nào không được coi là hoán cải mà loại bỏ hoặc thay thế một phần chính của thân bình không phải là vòi (ví dụ thay vỏ bình hoặc đỉnh, đáy bình). Nếu bất kỳ công việc phục hồi nào làm thay đổi nhiệt độ thiết kế, nhiệt độ cho phép nhỏ nhất (MAT), hoặc áp suất làm việc cho phép lớn nhất (MAWP), công việc đó phải được xem là hoán cải và phải thỏa mãn các yêu cầu về đánh giá lại.

3.22.25  Quản lý thay đổi (MOC) là hệ thống quản lý được ghi chép để xem xét và thẩm định các thay đổi (cả về hữu hình và cách thức) của bình trước khi thực hiện thay đổi. Quá trình MOC bao gồm việc quan tâm của người kiểm tra mà có thể cần thiết thay đổi kế hoạch kiểm tra như là kết quả của thay đổi.

3.22.26  Áp suất làm việc cho phép lớn nhất (MAWP) là áp suất đo tối đa cho phép trên đỉnh của bình tại vị trí hoạt động ở nhiệt độ xác định. Áp suất này được dựa vào các tính toán sử dụng chiều dày nhỏ nhất (hoặc chiều dày trung bình của các lỗ rỗ) đối với toàn bộ phần tử tới hạn của bình, (ngoại trừ chiều dày dự trữ ăn mòn) và được hiệu chỉnh bởi áp lực cột áp tĩnh áp dụng và các tải không áp (gió, động đất…). MAWP có thể xem trong thiết kế ban đầu hoặc được đánh giá lại thông qua đánh giá FFS.

3.22.27  Nhiệt độ vật liệu thiết kế nhỏ nhất/nhiệt độ cho phép nhỏ nhất (MDMT/MAT) là nhiệt độ vật liệu cho phép nhỏ nhất đối với vật liệu cho trước có chiều dày xác định dựa vào khả năng chống nứt của nó. Trong trường hợp MAT, nó có thể là một nhiệt độ đơn, hoặc là một dải nhiệt độ làm việc cho phép tương tự như áp lực. Nhìn chung, nhiệt độ tối thiểu mà tại đó tải đáng kể có thể được áp dụng cho bình như xác định trong bộ luật ASME Code sau đây gọi tắt là bộ luật. Nó cũng có thể đạt được thông qua đánh giá FFS.

3.22.28  Thành phần không chịu áp lực là các bộ phận của bình không chịu áp công nghệ (khay, đai khay, ống phân phối, van đổi hướng, các đai kẹp lớp bọc không có gia cường, kẹp).

3.22.29  Trạng thái hoạt động là tình trạng mà bình không sẵn sàng cho đợt kiểm tra bên trong. Xem kiểm tra ở trạng thái hoạt động.

3.22.30  Kiểm tra ở trạng thái hoạt động là một cuộc kiểm tra được thực hiện từ bên ngoài bình trong khi bình đang hoạt động sử dụng các quy trình NDT để xác định sự phù hợp của thân bình cho tiếp tục hoạt động.

3.22.31  Xử lý nhiệt sau hàn (PWHT) là xử lý bao gồm việc gia nhiệt toàn bộ kết cấu hàn hoặc bình tới nhiệt độ được đánh giá xác định sau khi hoàn thiện hàn để giảm bớt các ảnh hưởng bất lợi của nhiệt khi hàn, ví như giảm ứng suất dư, giảm độ cứng, tính ổn định hóa học và/hoặc thay đổi đặc tính.

3.22.32  Thành phần chịu áp lực là phần của bình chịu áp lực giữ các bộ phận được kết nối hoặc lắp ráp vào mối ghép của bình, bình chứa chất lỏng (ví dụ thân, đỉnh, đáy và vòi bình nhưng không bao gồm các hạng mục như giá đỡ, kẹp, ống bọc... mà không chịu áp).

3.22.33  Thử áp lực là thử nghiệm được thực hiện trên bình chịu áp lực trong khai thác và trải qua hoán cải hoặc sửa chữa thân bình để xác định rằng tính toàn vẹn của các bộ phận bình vẫn thỏa mãn với bộ luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng. Thử áp lực có thể là thủy lực, khí hoặc là kết hợp cả hai. Thử áp lực với áp lực nhỏ hơn áp lực thử nêu trong bộ luật chế tạo để xác định xem có rò rỉ trong hệ thống hay không thường được gọi tắt là thử kín.

3.22.34  Sửa chữa là công việc cần thiết để phục hồi bình chịu áp lực về trạng thái phù hợp để hoạt động an toàn ở các điều kiện thiết kế. Nếu bất kỳ công việc phục hồi nào làm thay đổi nhiệt độ thiết kế, nhiệt độ vật liệu thiết kế nhỏ nhất (MDMT), hoặc MAWP, thì phải xem công việc đó là hoán cải và phải thỏa mãn các quy định về đánh giá lại. Bất kỳ hoạt động hàn, cắt hoặc mài trên các bộ phận chịu áp lực không được xem là hoán cải thì được coi là sửa chữa.

3.22.35  Chiều dày yêu cầu là chiều dày tối thiểu, không bao gồm dự trữ ăn mòn, của từng bộ phận của bình dựa vào các tính toán của bộ luật ASME, tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế phù hợp và ứng suất cho phép của bộ luật mà xem xét tới các tải áp lực, cơ học và kết cấu. Hoặc chiều dày yêu cầu có thể được đánh giá và thẩm định lại bằng phân tích FFS thỏa mãn API 579-1/ASME FFS-1.

3.22.36  Đánh giá lại là thay đổi giá trị nhiệt độ thiết kế, MDMT hoặc MAWP của bình. Nhiệt độ thiết kế và MAWP của bình có thể tăng hoặc giảm do đánh giá lại. Việc giảm dưới các điều kiện thiết kế ban đầu là cách thức để tăng lượng ăn mòn dự trữ bổ sung.

3.22.37  Kiểm tra trên cơ sở rủi ro RBI là đánh giá nguy cơ và quy trình quản lý mà xem xét tới cả khả năng và hậu quả hư hỏng do hư hại vật liệu và được nêu trong kế hoạch kiểm tra về mất khả năng chứa của bình chịu áp trong hệ thống công nghệ do hư hại vật liệu. Các nguy cơ này được quản lý chủ yếu qua kiểm tra để tác động tới khả năng hư hỏng nhưng cũng có thể được quản lý thông qua nhiều phương pháp khác để kiểm soát khả năng và hậu quả của hư hỏng.

3.22.38  Hoạt động giống hoặc tương tự là bố trí mà có 2 hoặc nhiều hơn bình được lắp đặt song song, có thể so sánh được, hoặc hoạt động đồng nhất và các điều kiện môi trường và công nghệ của chúng nhất quán qua vài năm dựa vào các quy định kiểm tra để đánh giá rằng các hư hỏng cơ học mức độ hư hỏng có thể so sánh được.

3.22.39  Sửa chữa tạm thời là các sửa chữa bình chịu áp lực để phục hồi tính toàn vẹn cần thiết để tiếp tục hoạt động an toàn cho tới khi các sửa chữa cố định được thực hiện.

3.22.40  Thử nghiệm là thử áp lực bằng khí hoặc thủy lực hoặc kết hợp khí/thủy lực, hoặc là thử cơ học để xác định các dữ liệu như độ cứng, độ bền và độ dai va đập của vật liệu. Thử nghiệm không bao gồm các phương pháp kiểm tra không phá hủy như kiểm tra bằng chụp ảnh bức xạ (RT), kiểm tra bằng siêu âm (UT), kiểm tra bằng từ tính (MT), kiểm tra bằng thẩm thấu (PT).

3.22.41  Thử kín là thử áp lực sau khi bảo dưỡng hoặc sửa chữa để xác định rằng bình chịu áp lực không bị rỏ rỉ với áp lực thử không lớn hơn MAWP theo xác định của chủ thiết bị.

3.23  Kiểm định là hoạt động kỹ thuật theo một quy trình nhất định nhằm đánh giá và xác nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

4  Tài liệu viện dẫn

-  TCVN 8366:2010 - Bình chịu áp lực - Yêu cầu về thiết kế và chế tạo

-  TCVN 7466:2005 - Phương tiện giao thông đường bộ - Bộ phận của Hệ thống nhiên liệu khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) dùng cho xe cơ giới

- TCVN 7704: Nồi hơi - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về thiết kế, kết cấu, chế tạo, lắp đặt, sử dụng, và sửa chữa

-  TCVN 6155:1996 - Bình chịu áp lực - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về lắp đặt sử dụng sửa chữa

-  TCVN 6156:1996 - Bình chịu áp lực - Yêu cầu kỹ thuật an toàn về lắp đặt sử dụng sửa chữa - Phương pháp thử

-  TCVN 6008:2010 - Thiết bị áp lực - Mối hàn - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử

-  QCVN 71:2014/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vật liệu và hàn bình chịu áp lực trong giao thông vận tải

-  ISO 11439:2000 - Gas cylinders - High pressure cylinders for the on-board storage of natural gas as a fuel for automotive vehicles

-  IEC 60529(2001) - Degrees of protection provided by enclosures (IP Code)

-  ECE/324/R.67 - Agreement Concerning the Adoption of Uniform Technical Prescriptions for Wheeled Vehicles, Equipment and Parts which can be Fitted and/or be Used on Wheeled Vehicles and the Conditions for Reciprocal Recognition of Approvals Granted on the Basis of these Prescriptions*

-  AS/NZS 3509:1996 - LP Gas fuel vessels for automotive use

-  ASME - American Society of Mechanical Engineers

-  Quy định UNECE No.110 “Quy định thống nhất về việc phê duyệt của:

(i) Phê duyệt linh kiện của xe lắp động cơ sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG) hoặc khí thiên nhiên lỏng (LNG);

(ii) Xe với các yêu cầu lắp đặt các linh kiện đã được phê duyệt kiểu loại sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG) và/hoặc khí thiên nhiên lỏng (LNG) trong động cơ của chúng”

Uniform provisions concerning the approval of:

(i) Specific components of motor vehicles using compressed natural gas (CNG) and/or liquefied natural gas (LNG) in their propulsion system;

(ii) Vehicles with regard to the installation of specific components of an approved type for the use of compressed natural gas (CNG) and/or liquefied natural gas (LNG) in their propulsion system).

-  API 510 - Pressure Vessel Inspection Code: In-service Inspection, Rating, Repair, and Alteration

-  API 572 - Inspection of Pressure Vessels (Towers, Drums, Reactors, Heat Exchangers, and Condensers)

-  API 579-1/ASME FFS-1 2007 - Fitness-For-Service

-  API 580 - Risk-based Inspection

-  API 581 - Risk-Based Inspection Technology

PHẦN II: QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

CHƯƠNG 1  QUY ĐỊNH CHUNG

I  Quy định về thiết kế bình chịu áp lực

1  Việc thiết kế các bình chịu áp lực phải tuân thủ yêu cầu cho từng loại bình chịu áp lực được lắp đặt trên từng loại phương tiện cụ thể tại Phần II của Quy chuẩn này.

2  Áp suất thiết kế cho bình chịu áp lực chứa khí hóa lỏng

 Với các bình chịu tăng áp bởi khí có thể hóa lỏng, áp suất thiết kế trong trường hợp không có các yêu cầu thiết kế trong tiêu chuẩn ứng dụng tương ứng phải lớn hơn các giá trị sau:

(1)  Áp suất tại điều kiện vận hành khắc nghiệt nhất, ngoại trừ cháy và các tình huống bất thường khác.

(2)  Áp suất hơi của chất lỏng chứa bên trong tại nhiệt độ làm việc cao nhất theo nhiệt độ làm việc cao nhất cho bình chịu áp lực chứa khí hóa lỏng. Phải tính dự phòng áp suất riêng phần của các khí khác hoặc tạp chất trong thiết bị áp lực có thể làm tăng áp suất tổng.

Chú thích: Thiết kế cũng cần đảm bảo rằng tại nhiệt độ làm việc cao nhất, tỉ lệ điền đầy phải sao cho pha lỏng trong quá trình giãn nở nhiệt sẽ không hoàn toàn làm đầy bình chịu áp lực và không gian hơi phải không bị nén đến mức áp suất riêng phần của các khí trơ gây ra rò lọt qua các van an toàn.

3  Nhiệt độ làm việc cao nhất cho bình chịu áp lực chứa khí hóa lỏng

 Nhiệt độ làm việc cao nhất phải lấy bằng giá trị lớn trong các giá trị sau:

(1)  Nhiệt độ lớn nhất theo đó môi chất chứa phải chịu được bởi quá trình công nghệ dưới điều kiện hoạt động khắc nghiệt nhất.

(2)  Nhiệt độ cao nhất mà chất lỏng chứa bên trong có thể đạt được do điều kiện môi trường.

II  Quy định về chế tạo bình chịu áp lực

1  Các bình chịu áp lực được chế tạo phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và tuân thủ đúng thiết kế được thẩm định.

2  Trước khi xuất xưởng, các bình chịu áp lực phải gắn nhãn hiệu của cơ sở chế tạo ở vị trí thuận lợi dễ thấy với các nội dung sau:

-  Tên cơ sở chế tạo;

-  Năm sản xuất;

-  Ký hiệu và nhãn hiệu;

-  Dung tích thiết kế;

-  Áp suất và nhiệt độ thiết kế;

-  Áp suất và nhiệt độ làm việc.

III  Quy định về vật liệu chế tạo bình chịu áp lực

 Vật liệu sử dụng chế tạo bình chịu áp lực phải phù hợp thiết kế được thẩm định, các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng áp dụng để chế tạo bình chịu áp lực trong từng loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của QCVN 67:2018/BGTVT ----

Ngày:13/08/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM