QCVN 39:2020/BGTVT về báo hiệu đường thủy nội địa

QCVN 39:2020/BGTVT, do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành. Mời các bạn tham khảo!

QCVN 39:2020/BGTVT về báo hiệu đường thủy nội địa

Lời nói đầu

QCVN 39:2020/BGTVT, do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành.

Quy chuẩn này thay thế Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 39:2011/BGTVT “Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam” ban hành theo Thông tư số 73/2011/TT-BGTVT ngày 30/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.                                                   QCVN 39:2020/BGTVT

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

National technical regulation on Vietnam Inland Navigation Aids

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Phạm vi điều chỉnh

  • Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật cơ bản của báo hiệu đường thủy nội địa được lắp đặt trên các tuyến đường thủy nội địa Việt Nam.

1.2. Đối tượng áp dụng

  • Quy chuẩn này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động thiết kế, chế tạo, đầu tư,xây dựng, quản lý, khai thác báo hiệu đường thủy nội địa và các công tác khác có liên quan đến báo hiệu đường thủy nội địa tại Việt Nam.

1.3. Giải thích từ ngữ

1.3.1. Báo hiệu đường thủy nội địa(sau đây gọi là báo hiệu)là thiết bị hoặc công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được thiết lập và vận hành trên mặt nước, thành cầu, thiết bị, phương tiện hoặc trên đất liền để chỉ dẫn cho người tham gia giao thông thủy và tổ chức, cá nhân liên quan định hướng, xác định vị trí của luồng chạy tàu, tàu thuyền và đi lại an toàn, hiệu quả.

1.3.2. Tầm nhìn của báo hiệu là khoảng cách lớn nhất mà người quan sát có thể nhận biết được báo hiệu hay nguồn sáng từ báo hiệu trong điều kiện tầm nhìn xa lý tưởng.

1.3.3. Báo hiệu nổi là loại báo hiệu được thiết kế để nổi trên mặt nước và được neo hoặc buộc ở một vị trí nào đó.

1.3.4. Đăng tiêu là báo hiệu được thiết lập cố định tại các vị trí cần thiết để báo hiệu luồng đường thủy, báo vật chướng ngại nguy hiểm, bãi cạn hay một vị trí đặc biệt nào đó.

1.3.5. Chập tiêu là báo hiệu gồm hai đăng tiêu biệt lập nằm trên cùng một mặt phẳng thẳng đứng để tạo thành một hướng ngắm cố định.

1.3.51. Trục của chập tiêu là giao tuyến giữa mặt phẳng thẳng đứng đi qua chập tiêu với bề mặt trái đất.

1.3.5.2. Tiêu sau của chập tiêu là tiêu xa nhất dọc theo trục của chập tiêu, tính từ người quan sát ở trong vùng định hướng của chập tiêu.

1.3.5.3. Tiêu trước của chập tiêu là tiêu gần nhất dọc theo trục của chập tiêu, tính từ người quan sát ở trong vùng định hướng của chập tiêu.

1.3.5.4. Vùng định hướng của chập tiêu là vùng nằm trên trục của chập tiêu mà tại đó người sử dụng nhận biết được hướng đi an toàn.

1.3.6. Báo hiệu AIS (Automatic Identification System) là báo hiệu vô tuyến điện truyền phát thông tin an toàn đường thủy nội địa tới các trạm AIS được lắp đặt trên tàu, hoạt động trên các dải tần số VHF đường thủy nội địa.

1.3.7. Báo hiệu âm thanh là loại báo hiệu cung cấp thông tin bằng tín hiệu âm thanh, bao gồm còi báo hiệu và các loại tín hiệu âm thanh khác.

1.4. Quy định bờ phải, bờ trái hoặc phía phải, phía trái của luồng tàu chạy

Căn cứ chiều dòng chảy để làm cơ sở quy định bờ phải, bờ trái hoặc phía phải, phía trái của luồng tàu chạy được xét theo chiều của dòng chảy lũ.

1.4.1. Đối với sông kênh trong nội địa: Theo hướng dòng chảy từ thượng lưu xuống hạ lưu, từ phía trong nội địa ra cửa biển,phía tay phải là bờ phải, phía tay trái là bờ trái.

1.4.2. Đối với vùng duyên hải, ven vịnh: Theo hướng từ Bắc xuống Nam, phía tay phải là phía phải luồng, phía tay trái là phía trái luồng; theo hướng từ Đông sang Tây, phía tay phải là phía phải luồng, phía tay trái là phía trái luồng; từ bờ ra ngoài biển phía tay phải là phía phải luồng, phía tay trái là phía trái luồng.

1.4.3. Trên hồ tự nhiên hoặc hồ nhân tạo: Trường hợp hồ có dòng chảy thì theo trục luồng chính từ thượng lưu nhìn về hạ lưu và đối với những đoạn luồng nhánh thì theo hướng nhìn ra trục luồng chính phía tay phải là bờ phải, phía tay trái là bờ trái. Trường hợp hồ không có dòng chảy thì theo quy định ở khoản 1.4.4,Mục 1.4 của Quy chuẩn này.

1.4.4. Các trường hợp đặc thù khác thì do cơ quan có thẩm quyền quy định.

1.5. Phân loại báo hiệu

- Báo hiệu đường thủy nội địa phân thành 3 loại (nhóm):

1.5.1. Báo hiệu dẫn luồng để chỉ giới hạn của luồng hoặc hướng tàu chạy: Là những báo hiệu giới hạn phạm vi chiều rộng, chỉ vị trí hoặc chỉ hướng của luồng tàu chạy nhằm hướng dẫn phương tiện đi đúng luồng.

1.5.2. Báo hiệu chỉ vị trí nguy hiểm: Là những báo hiệu chỉ cho người lái phương tiện thủy biết vị trí các vật chướng ngại, các vị trí hoặc khu vực nguy hiểm trên luồng để phòng tránh.

1.5.3. Báo hiệu thông báo chỉ dẫn: Là những báo hiệu thông báo các tình huống có liên quan đến luồng hoặc điều kiện tàu chạy để người lái phương tiện kịp thời có các biện pháp phòng ngừa và xử lý, bao gồm các báo hiệu thông báo cấm, thông báo sự hạn chế hoặc chỉ dẫn các tình huống có liên quan đến luồng.

1.6. Tiêu thị dùng trên phao, biển phụ dùng cho báo hiệu thông báo chỉ dẫn, cờ

1.6.1. Tiêu thị đặt trên phao là các biển báo hiệu bổ trợ nhằm nói rõ ý nghĩa của biển báo hiệu và được dùng trong các trường hợp:

- Phao ống, phao cột hoặc phần thân phao không thể hiện được hình dạng của biển báo hiệu theo quy định.

- Các dạng phao khác mà phần thân phao, hoặc giá phao không lắp được báo hiệu theo quy định.

- Ở nơi luồng bắt đầu đổi hướng, vào cua cong, vị trí nguy hiểm thì có thể lắp thêm tiêu thị bên trên báo hiệu chính để nhấn mạnh ý nghĩa của báo hiệu.

- Tiêu thị có hình dáng, màu sắc quy định như báo hiệu chính nhưng có kích thước nhỏ hơn và bố trí ở trên đỉnh của phao.

1.6.2. Biển phụ dùng cho báo hiệu thông báo chỉ dẫn: Là các biển báo hiệu nhằm xác định phạm vi hiệu lực của báo hiệu, hoặc trong trường hợp các báo hiệu đường thủy đã được quy định khác không mô tả hết nội dung cần cảnh báo.

1.6.3. Cờ: Trong các trường hợp luồng biến đổi đột xuất, hoặc xuất hiện vật chướng ngại đột xuất mà chưa kịp bố trí báo hiệu thì phải đặt ngay một cờ tam giác, phía phải màu đỏ, phía trái màu xanh lục. Ban đêm có một đèn sáng liên tục bên phải ánh sáng màu đỏ, bên trái ánh sáng màu xanh lục.

- Trong phạm vi 24 giờ các cờ tạm kể trên phải được thay bằng báo hiệu theo quy định.

1.7. Vật mang biển báo hiệu

- Vật mang biển báo hiệu là các vật thể để mang biển báo hiệu:

- Cố định (gọi chung là cột, trụ, dàn hoặc các dạng kết cấu khác):

+ Đặt phía bờ phải: Vật mang biển báo hiệu có màu đỏ - trắng xen kẽ

+ Đặt phía bờ trái: Vật mang biển báo hiệu có màu xanh lục - trắng xen kẽ

+ Nơi phân luồng: Vật mang biển báo hiệu có màu đỏ - trắng -xanh lục -trắng xen kẽ

- Báo hiệu nổi:

+ Đặt phía bờ phải: Vật mang biển báo hiệu có màu đỏ

+ Đặt phía bờ trái: Vật mang biển báo hiệu có màu xanh lục

+ Nơi phân luồng: Vật mang biển báo hiệu có màu đỏ - xanh lục xen kẽ kiểu múi khế.

+ Đặt ở nơi có vật chướng ngại trên đường thủy rộng (lớn hơn 500m): phao màu đỏ - đen xen kẽ kiểu múi khế.

1.8. Ánh sáng ban đêm của đèn hiệu

- Về ban đêm, độ chiếu sáng của tín hiệu phải đảm bảo có tầm nhìn xa ít nhất là 1000 m bằng mắt thường trong điều kiện tầm nhìn xa lý tưởng (khí quyển có tầm nhìn xa khí tượng là 10 hải lý với ngưỡng cảm ứng độ sáng của mắt người quan sát quy ước bằng 0,2 micro-lux).

1.8.1. Ánh sáng của tín hiệu ban đêm có 4 màu: đỏ - xanh lục - vàng - trắng

1.8.2. Khi dùng đèn điện để chiếu sáng biển báo hiệu, thì phải đảm bảo nhìn thấy rõ báo hiệu từ phạm vi 500m trở lên trong điều kiện tầm nhìn xa lý tưởng.

- Ánh sáng đỏ là ánh sáng của báo hiệu giới hạn luồng, báo hiệu vật chướng ngại bên bờ phải và của báo hiệu thông báo cấm.

- Ánh sáng xanh lục là ánh sáng của báo hiệu giới hạn luồng, báo hiệu vật chướng ngại bên bờ trái và của báo hiệu thông báo điều khiển sự đi lại.

- Ánh sáng vàng là ánh sáng của báo hiệu chỉ hướng của luồng như chuyển luồng, chập tiêu, định hướng luồng trên đường thủy rộng, khoang thông thuyền, báo hiệu giới hạn vùng nước.

- Ánh sáng trắng là ánh sáng của các đèn hiệu chỉ tim luồng trên đường thủy rộng, chỉ vật chướng ngại trên đường thủy rộng, báo hiệu nơi phân luồng ngã ba sông.

1.8.3. Ánh sáng có các chế độ:

- Chớp 1 ngắn: 1 chớp sáng ngắn, tiếp đến 1 khoảng tối dài (ký hiệu FI)

- Chớp 1 dài: 1 chớp sáng dài, tiếp đến 1 khoảng tối ngắn (ký hiệu OC)

- Chớp 2: 2 chớp sáng ngắn liên tiếp xen kẽ 1 khoảng tối ngắn ở giữa, tiếp đến 1 khoảng tối dài (ký hiệu FI(2)).

- Chớp 3: 3 chớp sáng ngắn liên tiếp xen kẽ 2 khoảng tối ngắn, tiếp đến 1 khoảng tối dài (ký hiệu FI(3)).

- Chớp đều (ký hiệu ISO):

+ Chớp đều: 1 chớp sáng dài, tiếp đến 1 khoảng tối dài, thời gian sáng và tối bằng nhau.

+ Chớp đều nhanh (còn gọi là nháy): các chớp sáng ngắn xen kẽ với các khoảng tối ngắn, thời gian sáng và tối bằng nhau.

+ Chớp nhanh liên tục: các chớp sáng ngắn liên tiếp rất nhanh xen kẽ với các khoảng tối rất ngắn (ký hiệu Q).

+ Đèn sáng liên tục (ký hiệu F). Ví dụ:

FI.(R) 5s:          Chớp 1 ngắn, ánh sáng màu đỏ chu kỳ 5 giây.

FI.(G) 5s:          Chớp 1 ngắn, ánh sáng màu xanh lục chu kỳ 5 giây.

OC.(W) 5s:        Chớp 1 dài, ánh sáng màu trắng chu kỳ 5 giây.

ISO.(Y) 6s:        Chớp đều,ánh sáng màu vàng chu kỳ 6 giây.

1.8.4. Trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đường thuỷ nội địa chính, đèn hiệu phải có gắn thiết bị thông báo các thông số kỹ thuật gồm: tọa độ báo hiệu, dòng điện, điện áp nguồn điện, chế độ chớp và các thông số khác liên quan đến tình trạng hoạt động tức thời của báo hiệu, truyền tín hiệu về trung tâm điều hành của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao. Với các đèn hiệu lắp trên phao, phải có gắn thêm thiết bị định vị vệ tinh hoặc AIS để xác định vị trí tức thời của phao.

1.9. Cách đánh số

- Thứ tự số báo hiệu được đánh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

1.10. Kích thước

- Kích thước của báo hiệu được chia thành 4 loại: Loại đặc biệt, loại 1, 2 và 3 (theo phụ lục 3 của Quy chuẩn này).

- Kích thước của báo hiệu được quy định như sau:

+ Kích thước loại đặc biệt sử dụng với các sông, kênh, hồ, cửa sông, vùng duyên hải, ven vịnh có bề rộng trung bình mùa kiệt lớn hơn 500m.

+ Kích thước loại 1 sử dụng với các sông, kênh có bề rộng trung bình mùa kiệt lớn hơn 200m.

+ Kích thước loại 2 sử dụng với các sông, kênh có bề rộng trung bình mùa kiệt từ 50 m đến nhỏ hơn hoặc bằng 200m.

+ Kích thước loại 3 sử dụng với các sông, kênh có bề rộng trung bình mùa kiệt nhỏ hơn 50m.

Đối với những khu vực đặc thù về địa hình, địa mạo, cảnh quan, không thể sử dụng kích thước theo 4 loại kể trên, có thể lựa chọn kích thước cho phù hợp.

1.11. Báo hiệu thông báo không có đèn

1.11.1 Về ban đêm, trên các tuyến đường thủy chưa công bố khai thác 24h/ngày, phương tiện phải chủ động chiếu đèn tìm hiểu tình hình qua các báo hiệu thông báo để điều khiển phương tiện đi lại đảm bảo an toàn.

1.11.2. Những tuyến đường thủy cho phép chạy ban đêm, bắt buộc phải trang bị hệ thống đèn, đảm bảo ánh sáng theo Tiểu Mục 1.9 của Quy chuẩn này.

1.12. Các trường hợp đặc biệt khác

1.12.1.Tại một số vị trí báo hiệu mực nước biến động theo thời gian, cho phép dùng các biển báo điện tử, có chữ phát sáng hoặc không phát sáng để thông báo các thông tin liên quan đến tình hình luồng lạch, chỉ dẫn việc đi lại của phương tiện để đảm bảo an toàn, xác định khu vực có công trường đang hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa.

1.12.2. Ở những khu vực không có báo hiệu thông báo, nếu người điều khiển phương tiện muốn điều khiển phương tiện theo một tình huống nào đó thì phải tìm hiểu, xem xét, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm sao cho việc điều động phương tiện đảm bảo an toàn.

1.12.3. Tại các khoang thông thuyền của các công trình cầu vượt sông phải được bố trí thiết bị cảnh báo tĩnh không tự động hoạt động liên tục 24/7 và kết nối trực tuyến, sơn vẽ thước nước ngược, vào ban đêm khoang thông thuyền phải được chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED và được trang bị đầy đủ các báo hiệu, tín hiệu cảnh báo.

1.13. Vật liệu, kết cấu báo hiệu

- Báo hiệu bằng thép: chiều dày thép của các bộ phận báo hiệu được quy định như sau: biển báo hiệu lớn hơn hoặc bằng 3mm, cột báo hiệu lớn hơn hoặc bằng 4mm, thân phao lớn hơn hoặc bằng 5mm.

- Ưu tiên sử dụng báo hiệu được sản xuất từ các loại vật liệu mới chống hoặc hạn chế ăn mòn, tiết kiệm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, thân thiện với môi trường như: báo hiệu nhựa (PE, PVC và các loại nhựa cường độ cao khác), gỗ, nhôm, hợp kim hoặc thép mạ kẽm,..

- Bề mặt báo hiệu được phủ lớp sơn hoặc in film phản quang có tác dụng phản xạ ánh sáng, tăng độ nhận biết của báo hiệu vào ban đêm.

- Báo hiệu nổi gồm các mô đun khác nhau, liên kết bằng bu lông hoặc các liên kết khác.

- Cột báo hiệu gồm 3 phần, móng, thân cột, biển báo. Các phần liên kết với nhau bằng bu lông hoặc mặt bích bắt bu lông.

II. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Báo hiệu dẫn luồng (A)

2.1.1. Phao chỉ giới hạn của luồng tàu chạy (A1)

Phao chỉ vị trí giới hạn bên bờ phải của luồng tàu chạy (A1.1)

Hình dáng:        Báo hiệu và tiêu thị (nếu có) là hình trụ, hoặc là cờ hình tam giác

Màu sắc:           Phao, hình trụ, tiêu thị, cờ màu đỏ

Đèn hiệu:          Một đèn chớp 1 ngắn (0,5s) chu kỳ 5s, ánh sáng màu đỏ

Ý nghĩa:            Báo “Tại vị trí đặt phao là giới hạn phía phải của luồng”.


Phao chỉ vị trí giới hạn bên bờ trái của luồng tàu chạy (A1.2)

Hình dáng:        Báo hiệu và tiêu thị (nếu có) là hình nón, hoặc là cờ hình tam giác

Màu sắc:           Phao, hình nón, tiêu thị, cờ màu xanh lục

Đèn hiệu:          Một đèn chớp 1 ngắn (0,5s) chu kỳ 5s, ánh sáng màu xanh lục

Ý nghĩa:            Báo “Tại vị trí đặt phao là giới hạn phía trái của luồng”

2.1.2. Phao chỉ vị trí giới hạn của luồng tàu sông đi cạnh luồng tàu biển (A2)

Đặt  phía bên phải của luồng tàu sông (A2.1)

Hình dáng         Báo hiệu và tiêu thị (nếu có) là hình trụ, hoặc là cờ hình tam giác

Màu sắc:           Phao, tiêu thị, cờ màu đỏ, hình trụ khoang đỏ-trắng-đỏ-trắng

Đèn hiệu:          một đèn chớp đều (mỗi lần chớp 2s) chu kỳ 4s, ánh sáng màu đỏ

Ý nghĩa:            Báo “Tại vị trí đặt báo hiệu là giới hạn phía phải của luồng tàu sông đi cạnh luồng tàu biển”

Đặt phía bên trái của luồng tàu sông (A2.2)

Hình dáng:        Báo hiệu và tiêu thị (nếu có) là hình nón, hoặc là cờ hình tam giác

Màu sắc:           Phao, tiêu thị, cờ màu xanh lục và hình nón khoang xanh lục - trắng - xanh lục – trắng

Đèn hiệu:          một đèn chớp đều (mỗi lần chớp 2s) chu kỳ 4sánh sáng màu xanh lục

Ý nghĩa:            Báo “Tại vị trí đặt báo hiệu là giới hạn phía trái của luồng tàu sông đi cạnh luồng tàu biển”.

--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung của QCVN 39:2020/BGTVT ----

  • Tham khảo thêm

Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM