Phục linh - Chữa thuỷ thũng kèm tiểu sẻn, đánh trống ngực, mất ngủ, kém ăn, phân lỏng

Bạch linh là loại nấm sống ký sinh xung quanh rễ của cây thông. Vị thuốc này có tác dụng kiện tỳ, hòa vị, lợi thủy và trừ thấp nên được dùng để điều trị chứng tiểu tiện khó, suy nhược cơ thể, mất ngủ, tỳ vị kém. Để biết thêm thông tin về vị thuốc mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Phục linh - Chữa thuỷ thũng kèm tiểu sẻn, đánh trống ngực, mất ngủ, kém ăn, phân lỏng

Thể quả nấm đã phơi hay sấy khô của nấm Phục linh (Poria cocos (Schw.) Wolf, họ Nấm lỗ (Polyporaceae), mọc ký sinh trên rễ một số loài Thông.

1. Mô tả

Thể quả nấm Phục linh khô: hình cầu, hình thoi, hình cầu dẹt hoặc hình khối không đều, lớn, nhỏ không đồng nhất, mặt ngoài màu nâu đến nâu đen, có nhiều vết nhăn rõ và lồi lõm. Thể nặng, rắn chắc. Mặt bẻ sần sùi và có vết nứt, lớp viền ngoài màu nâu nhạt, phần trong màu trắng, số ít có màu hồng nhạt. Có loại bên trong còn mấy đoạn rễ thông (Phục thần). Nấm phục linh không mùi, vị nhạt, cắn dính răng.

Phục linh bì: Là lớp ngoài Phục linh tách ra, lớn, nhỏ, không đồng nhất. Mặt ngoài từ nâu đến nâu đen, mặt trong màu trắng hoặc nâu nhạt. Chất tương đối xốp, hơi có tính đàn hồi.

Phục linh khối: sau khi tách lớp ngoài, phần còn lại được thái, cắt thành phiến hay miếng, lớn nhỏ không đồng nhất, màu trắng, hồng nhạt hoặc nâu nhạt.

Xích phục linh: Là lớp thứ hai sau lớp ngoài, hơi hồng hoặc nâu nhạt.

Bạch phục linh: Là phần bên trong, màu trắng.

Phục thần: Là phần nấm Phục linh ôm đoạn rễ thông bên trong.

2. Bột

Màu trắng tro, có những khối sợi nấm dạng hạt không đều và những khối phân nhánh, không màu, nhỏ dung dịch cloral hydrat, sẽ tan dần. Soi kính hiển vi thấy: sợi nấm không màu hoặc màu nâu nhạt, mảnh dẻ, nhỏ, dài, hơi cong, phân nhánh, đường kính 3-8 µm, ít khi có sợi nấm đường kính tới 16 µm.

3. Định tính

A. Lấy 1,0 g bột dược liệu, thêm 5 ml aceton (TT), đun hồi lưu trên cách thủy 5 phút, thỉnh thoảng lắc, lọc. Bốc hơi dịch lọc trên cách thuỷ đến cạn. Hoà tan cặn trong 0,5 ml anhydrid  acetic  (TT), thêm 1 giọt acid sulfuric (TT), xuất hiện màu đỏ nhạt, sau chuyển thành màu xanh.

B. Nhỏ 1 giọt dung dịch iod- iodid (TT) lên bột dược liệu sẽ có màu đỏ thẫm.

Độ ẩm: Không quá 12,0 %.

Tạp chất: Không quá 1%.

Tỷ lệ vụn nát: Tỷ lệ qua rây có kích thước mắt rây 3,150 mm: Không quá 5%.

4. Chế biến

Thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 9, loại bỏ đất cát, chất đống cho ra mồ hôi rồi rải ra chỗ thoáng gió cho se bề mặt, tiếp tục chất đống, ủ vài lần cho đến khi khô nước và xuất hiện nhăn nheo bề mặt, phơi âm can đến khô. Hoặc Phục linh tươi thái miếng và phơi âm can nơi thoáng gió. Tuỳ theo các phần thái và màu sắc của Phục linh mà có tên gọi khác nhau: Bạch phục linh, Phục linh bì, Xích phục linh, Phục linh khối, Phục linh phiến.

5. Bào chế

Ngâm Phục linh vào nước, rửa sạch, đồ thêm cho mềm, gọt vỏ, thái miếng hoặc thái lát lúc đang mềm và phơi hoặc sấy khô.

6. Bảo quản

Nơi khô mát tránh ẩm, vụn nát.

Tính vị, qui kinh

Cam, đạm, bình. Quy vào kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị.

7. Công năng, chủ trị

Lợi thuỷ, thẩm thấp, kiện tỳ hoà trung, ninh tâm an thần. Chủ trị: Thuỷ thũng kèm tiểu sẻn, đánh trống ngực, mất ngủ, kém ăn, phân lỏng, tiết tả.

8. Cách dùng, liều lượng

Ngày  9 - 15g, phối ngũ trong các bài thuốc.

Kiêng kỵ

Âm hư thấp nhiệt không nên dùng.

Bạch linh là vị thuốc quý nên có giá thành khá đắt đỏ. Vì vậy khi chọn mua , bạn nên lựa chọn cơ sở kinh doanh uy tín để tránh tình trạng mua phải dược liệu giả và kém chất lượng. Bên cạnh đó, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Ngày:15/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM