Phòng phong - Chữa đau đầu, mày đay, phong thấp tê đau, uốn ván

Phòng phong có tác dụng phát hãn, giải biểu, khu phong, tán hàn, ích thần và hành kinh lạc. Ngoài việc được dùng để trị các chứng phong hàn, cảm mạo thường gặp, dược liệu này còn sử dụng để giải độc do dược liệu Ô đầu, Phụ tử...Để biết thêm thông tin về vị thuốc mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Phòng phong - Chữa đau đầu, mày đay, phong thấp tê đau, uốn ván

Rễ đã được phơi khô của cây Phòng phong (Saposhnikovia divaricata (Turcz.) Schischk.), họ Hoa tán (Apiaceae).

1. Mô tả

Rễ có hình nón hay hình trụ dài, dần thắt nhỏ lại về phía dưới, hơi ngoằn ngòeo, dài 15 – 30cm, đường kính 0,5 – 2 cm. Mặt ngòai màu nâu xám, sần sùi với những vân ngang, lớp vỏ ngòai thường bong tróc ra, nhiều nốt bì khổng trắng và những u lồi do vết rễ con để lại. Phần đầu rễ mang nhiều vân lồi hình vòng cung, đôi khi là những túm gốc cuống lá dạng sợi có màu nâu, dài 2 – 3 cm. Thể chất nhẹ, dễ gãy, vết gãy không đều, vỏ ngòai màu nâu và có vết nứt, lõi màu vàng nhạt. Mùi thơm, vị đặc trưng, hơi ngọt.

2. Vi phẫu

Rễ: lớp bần gồm 5 - 40 lớp tế bào hình chữ nhật, dài 15 - 50mm, rộng 7 - 12 mm, thành mỏng. Mô mềm lục bì hẹp gồm 5 - 7 lớp tế bào chữ nhật dài, có nhiều ống tiết hình bầu dục. Vùng các bó libe có rất nhiều ồng tiết có đường kính 35 - 75 mm, ống tiết có hình tròn hay bầu dục, mỗi ống tiết có 4 – 10 tế bào tiết bao quanh, ống tiết chứa chất tiết màu vàng; các tia libe thường uốn lượn và bị dồn ép ở phần ngoài. Tầng phát sinh libe-gỗ liên tục. Mạch gỗ nhiều, xếp thành tia. Tủy vẫn còn mô mềm vơí ít ống tiết hay gỗ chiếm tâm.

3. Bột 

Bột có màu nâu nhạt. Soi kính hiển vi thấy: Ống tiết đường kính 17 – 60 mm, chứa chất tiết vàng nâu. Các bó libe-gỗ của gốc cuống lá thường đi kèm các bó sợi. Mảnh mạch mạng đường kính 10 – 40 mm. Tế bào mô cứng màu vàng lục, hình bầu dục hay dạng chữ nhật có thành dày.

4. Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

  • Bản mỏng: Silica gel GF254.
  • Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethyl acetat - aceton (7 : 1 : 2).
  • Dung dịch thử: Lấy 4 g dược liệu vào bình nón, thêm 10 ml ethanol 96% (TT), ngâm 1 giờ, siêu âm 45 phút, lọc, cô dịch lọc trong cách thuỷ đến cắn, hoà cắn trong 1 ml ethanol 96% (TT). 
  • Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g bột Phòng phong (mẫu chuẩn). Tiến hành chiết như với dung dịch thử.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 10 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai sắc ký xong, để khô bản mỏng ở nhiệt độ phòng. Quan sát bản mỏng dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 254 nm, xuất hiện ít nhất 3 vết phát quang cùng màu sắc và giá trị Rf với dung dịch đối chiếu. Các vết này chuyển sang màu nâu khi tiếp tục phun dung dịch acid sulfuric 10 % trong ethanol và phát quang được khi soi UV ở bước sóng 366nm.

Độ ẩm: Không quá 10%.

Tro toàn phần: Không được quá 6,5%.

Tro không tan trong acid hydroclorid: Không được quá 1,5%.

Chất chiết được trong dược liệu: Không dưới 15,0%.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.

5. Chế biến

Thuốc được thu hoạch vào mùa xuân hay mùa thu khi thân cây có hoa, đào lấy rễ, loại vỏ rễ con và đất, phơi khô.

6. Bào chế

Loại vỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát và phơi khô.

7. Bảo quản

Nơi khô mát, tránh mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, cam, ôn. Quy vào kinh: can, phế, vị, bàng quang.

8. Công năng, chủ trị

Giải biểu trừ phong hàn, trừ phong thấp, trừ co thắt. Chủ trị: Đau đầu do hàn, mày đay, phong thấp tê đau, uốn ván.

9. Cách dùng, liều lượng

Ngày 5- 12 g, phối hợp trong các bài thuốc.

Phòng phong thường được dùng để trị cảm mạo và các chứng bệnh do phong hàn gây ra. Tuy nhiên dược liệu có tính ấm nên cần thận trọng khi sử dụng dài hạn. Để giảm thiểu tác dụng ngoại ý, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi dùng bài thuốc từ dược liệu này.

Ngày:15/09/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM