Phòng kỷ - Thuỷ thũng, thấp cước khí, tiểu tiện bí, thấp chẩn, nhọt độc, phong thấp
Phòng kỷ là dược liệu quý có nhiều công dụng hữu ích. Dược liệu này thường được dùng để chữa các chứng bệnh về xương khớp như phong thấp, thấp khớp cấp, viêm khớp và đau dây thần kinh. Ngoài ra, phòng kỷ còn được sử dụng để trị chứng phù thũng (chứng phù do tích nước trong cơ thể). Để biết thêm thông tin về vị thuốc mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Rễ khô của cây Phấn phòng kỷ (Stephania tetrandra S. Moore), họ Tiết dê (Menispermaceae).
1. Mô tả
Rễ hình trụ không đều, hoặc hình nửa trụ, thường cong queo, dài 5 - 10 cm, đường kính 1 - 5 cm. Mặt ngoài màu vàng, nơi uốn cong thường có rãnh ngang, trũng sâu, có mấu và mắt gỗ. Thể chất nặng, rắn chắc, mặt bẻ gẫy phẳng, màu trắng xám, rải rác có tinh bột. Mùi nhẹ, vị đắng.
2. Vi phẫu
Lớp bần đôi khi còn sót lại. Trong phần vỏ rải rác có nhóm tế bào đá xếp theo hướng tiếp tuyến. Dải libe tương đối rộng. Tầng phát sinh libe - gỗ là 1 vòng. Gỗ chiếm đại bộ phận với các tia gỗ rộng; mạch thưa, xếp theo hướng xuyên tâm, bên cạnh các mạch có kèm theo các sợi gỗ. Tế bào mô mềm chứa đầy hạt tinh bột và tinh thể calci oxalat hình que nhỏ.
3. Định tính
A. Lấy khoảng 2 g bột dược liệu, thêm 20 ml dung dịch acid sulfuric 0,5 M, đun nóng trong 10 phút, lọc. Điều chỉnh dịch lọc đến pH 9 bằng dung dịch amoniac (TT). Chiết dịch lọc với 25 ml benzen (TT). Lấy 5 ml dịch chiết benzen, bốc hơi đến khô, cho thêm vài giọt thuốc thử sulfonolybdic (TT) vào cắn khô sẽ hiện ra màu tím, chuyển dần thành màu lục, màu lục bẩn rồi thẫm lại.
B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.
- Bản mỏng: Silica gel G
- Dung môi khai triển: Cloroform - aceton - methanol (6 : 1 : 1).
- Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 15 ml ethanol (TT), đun hồi lưu trên cách thuỷ trong 1 giờ, để nguội, lọc và bốc hơi dịch lọc tới khô. Hoà tan cắn trong 5 ml ethanol (TT).
- Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g Phòng kỷ (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như đối với dung dịch thử.
- Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi triển khai, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng rồi phun thuốc thử Dragendorff (TT). Trên sắc ký đồ, dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết của dung dịch đối chiếu.
Độ ẩm: Không quá 13 %.
Tạp chất: Loại xơ nhiều, nhẹ xốp, ít bột, xám đen: Không quá 2%.
Tạp chất khác: Không quá 1 %.
Tro toàn phần:Không quá 4%.
Chất chiết được trong dược liệu
Không dưới 5,0% tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng methanol (TT) làm dung môi.
4. Chế biến
Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy rễ, rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, phơi tái, cắt khúc 5 - 20 cm, rễ nhỏ để nguyên, rễ to bổ dọc, phơi hoặc sấy khô.
5. Bào chế
Loại bỏ tạp chất, ngâm nước cho mềm, rửa sạch, thái lát dày, phơi khô.
6. Bảo quản
Để nơi khô, tránh mốc, mọt.
Tính vị, quy kinh
Khổ, hàn. Vào các kinh bàng quang, thận tỳ.
7. Công năng, chủ trị
Lợi thuỷ tiêu thũng, khu phong chỉ thống. Chủ trị: Thuỷ thũng, thấp cước khí, tiểu tiện không thông lợi, thấp chẩn, nhọt độc, phong thấp tê đau.
8. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 - 10 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.
Kiêng kỵ
Suy nhược hàn tính không nên dùng.
Phòng kỷ có tác dụng giảm đau nhức do các bệnh về xương khớp gây ra. Tuy nhiên dược liệu này có thể gây độc lên thận và gan, do đó bệnh nhân suy giảm chức năng gan/ thận cần cân nhắc và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.