Ô liu - Có tác dụng lợi mật và nhuận tràng
Dầu Ôliu dược dụng được sử dụng do các tính chất lợi mật và hơi nhuận tràng, dùng ngoài để làm thuốc dịu, giảm đau để trị một số bệnh ngoài da. Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục nội dung
Ô liu - Olea europaea L., thuộc họ Nhài - Oleaceae.
1. Mô tả
Cây gỗ cao tới 10 - 15m, sống hàng trăm năm, phân cành nhiều, sần sùi; vỏ xám. Lá mọc đối, hình trái xoan và ngọn giáo, dài 1,5 - 5cm, mặt lá láng, xanh xám ở mặt trên, trăng trắng ở mặt dưới, mép hơi cuốn lại về phía dưới. Hoa nhỏ, mẫu 4, cánh rời toả tròn, màu trắng xanh, mọc thành chùm. Quả mọng, hình bầu dục dài, dài 20 - 25mm, màu xanh, khi chín có màu đỏ đen đen.
2. Bộ phận dùng
Vỏ cây, lá và dầu của vỏ quả - Cortex, Folium et Oleum Pericarpii Oleae Europaeae.
3. Nơi sống và thu hái
Gốc ở vùng Cận đông; được trồng ở vùng Địa trung hải từ nhiều thế kỷ, những nước trồng nhiều là Tây Ban Nha, ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Tuy ni di, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Pháp... (cuối thế kỷ XIX). Nó cũng được trồng ở một số nước khác ở châu Mỹ như Hoa Kỳ, Achentina... và châu á như Trung Quốc. Ở nước ta có nhập trồng một số cây tại Trung tâm Nha Hố (Phan Rang). Cây có thể trồng trên nhiều loại đất, không chịu được lạnh nhiều nhưng có thể thích nghi với những mùa hè có mưa nhiều ở những nơi khác ngoài vùng Địa Trung Hải.
Người ta thu hái quả khi còn xanh (để làm đồ hộp) hoặc thật chín (để lấy dầu). Dưới lớp vỏ ngoài mỏng là phần vỏ quả giữa nạc và có dầu; hạch cứng có một vỏ quả cứng. Để làm thuốc người ta cũng dùng lá.
Thành phần hoá học
Quả tươi giàu về nước (40 - 45%), glucid (10 - 20%) và nhất là lipid 30% của quả, nghĩa là khoảng 50% của nạc. Ôliu xanh chứa một iridoid đắng gọi là oleuropeoside mà hàm lượng giảm dần khi quả chín lần lần. Dầu giàu chất béo không trung hoà; có lactone, elenolide.
Lá, giàu về tritepen 5 vòng, chứa các ílavonoid và một iridoid có tác dụng điều trị trong y học; hợp chất này là một secoiridoid ester thủy phân thành alcool dihydroxy - 3,4 phenylethylic và thành acid oleuropeic.
4. Tính vị, tác dụng
Vỏ đắng, chát được dùng thay thế Canhkina. Dầu vỏ quả làm nhầy, dịu và nhuận tràng. Gôm từ thân có tính trị thương.
5. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Dầu Ôliu dược dụng được sử dụng do các tính chất lợi mật và hơi nhuận tràng. Dùng ngoài để làm thuốc dịu, giảm đau để trị một số bệnh ngoài da.
Ở Trung Quốc, dầu Ôliu được dùng trị các vết bỏng, có thể làm cao bôi ngoài da.
Lá được sử dụng làm thuốc hãm hay cồn chiết để làm thuốc hạ huyết áp. Ở Ấn Độ, chất nhựa như gôm từ thân cây dùng điều trị các vết thương.
Trên đây là một số thông tin về cây Ô liu mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.