Núc nác - Chữa mẩn ngứa dị ứng, viêm họng, đái buốt, đái đục, đái đỏ
Núc nác hay còn gọi là Mộc hồ điệp, là một vị thuốc mọc hoang ở nhiều vùng trên nước ta. Vị thuốc này có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống dị ứng và làm giảm tính thấm của các màng mao mạch. Cùng eLib.VN tìm hiểu vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục nội dung
Vỏ thân đã phơi hay sấy khô của cây Núc nác (Oroxylon indicum (L.) Vent.), họ Núc nác (Bignoniaceae)
1. Mô tả
Vỏ cuộn lại thành hình ống hay hình cung, dày 0,6 - 1,3 cm, dài ngắn không nhất định. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, nhăn nheo, có nhiều đường vân dọc, ngang. Mặt trong nhẵn, màu vàng xám hay vàng lục. Mặt bẻ ngang có lớp bần mỏng. Mô mềm vỏ lổn nhổn như có nhiều sạn, trong cùng có lớp sợi dễ tách theo chiều dọc.
2. Vi phẫu
Lớp bần rất dày, gồm 30 - 40 lớp tế bào hình chữ nhật xếp tương đối đều đặn theo hướng tiếp tuyến, có nhiều chỗ lớp bần nứt rách rất sâu. Mô mềm vỏ gồm tế bào có thành mỏng, hơi kéo dài theo hướng tiếp tuyến, rải rác có nhiều đám mô cứng. Libe cấp hai rất dày, libe bị các tia tuỷ cắt ra thành từng nhánh. Tế bào libe thành mỏng xếp đều đặn và bị bẹp từng vòng theo hướng tiếp tuyến. Nhiều đám sợi, tế bào thành dày hoá gỗ, rõ rệt, kết tầng trong libe. Tia ruột rộng, từ 3 - 5 dãy tế bào hình chữ nhật, xếp theo hướng xuyên tâm, chạy từ tầng sinh libe-gỗ đến mô mềm và tinh thể calci oxalat hình kim rải rác khắp mô mềm vỏ và libe. Tầng sinh libe-gỗ.
3. Bột
Màu vàng, vị đắng. Soi kính hiển vi thấy: nhiều sợi dài, màu vàng nhạt, thành dày, thành đôi khi có chỗ lồi đều, khoang rộng, có ống trao đổi rõ và nhiều tinh thể calci oxalt hình kim. Tế bào mô cứng màu vàng, hình nhiều cạnh, thành hơi dày, khoang rộng, ống trao đổi rõ. Rất nhiều tinh thể calci oxalat hình kim, 2 đầu thuôn nhọn hoặc vuông đuờng kính 2 - 4 mm nằm rải rác hoặc tập trung thành bó. Mảnh bần gồm tế bào hình nhiều cạnh thành dày. Mảnh mô mềm hình đa giác, thường chứa tinh thể calci oxalat hình kim.
4. Định tính
Lấy 0,5 g bột thô dược liệu vào ống nghiệm, thêm 5 ml ethanol (TT), lắc. Đun cách thuỷ 5 - 10 phút, lọc. Lấy dịch lọc làm các phản ứng sau:
Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 3 giọt acid hydrocloric (TT), thêm một ít bột magnesi (TT), sẽ có màu vàng cam.
Lấy 1 ml dịch lọc, thêm 1 giọt dung dịch sắt (III) clorid 5% (TT), hay dung dịch, sẽ có màu xanh nâu hay xanh đen.
lấy 1 ml dịch lọc, thêm từ từ theo thành ống 5 ml 0,5 ml acid sulfuric (TT), sẽ thấy chia làm 2 lớp, lớp phía dưới có màu nâu, để yên màu nâu càng rõ.
Độ ẩm: Không quá 14 %.
Tạp chất: Không quá 1%.
Chất chiết được trong dược liệu: Không ít hơn 10,0%.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.
5. Chế biến
Thu hái quanh năm, đẽo vỏ trên cây, cạo bỏ lớp bần, thái phiến dài 2 - 5 cm, phơi hay sấy khô.
6. Bào chế
Loại bỏ tạp chất, cạo bỏ lớp bần, rửa sạch, thái phiến chiều dài 2- 5 cm, bề dày 1-3 mm, phơi khô, hoặc sao nhỏ lửa cho đến khi bề mặt dược liệu có màu vàng.
7. Bảo quản
Nơi khô ráo, thoáng mát.
Tính vị, quy kinh
Khổ, hàn. Quy vào các kinh, bàng quang, tỳ.
8. Công năng, chủ trị
Thanh nhiệt, lợi thấp. Chủ trị: Hoàng đản mẩn ngứa dị ứng, viêm họng, đái buốt, đái đục, đái đỏ do bàng quang thấp nhiệt.
9. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 2- 3g, dạng thuốc bột hoặc 8 - 16 g dạng thuốc sắc.
Kiêng kỵ
Người hư hàn gây đau bụng, đầy bụng tiêu chảy không dùng.
Núc nác là dược liệu được ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý. Truy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc và bài thuốc trước khi sử dụng vị thuốc.