Nhọc đen - Trị viêm dạ dày mạn tính
Nhọc đen là cây nhỡ thuộc họ Na, cành vặn vẹo lúc còn non, có lông sát, mọc ở rừng ẩm vùng núi và vùng trung du nước ta, được dùng trị viêm dạ dày mạn tính, ăn uống không tiêu,... Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.
Mục lục nội dung
Nhọc đen, Nhọc rừng, Ran rừng - Polyalthia nemoralis DC., thuộc họ Na - Annonaceae.
1. Mô tả
Cây nhỡ, cao 1 - 4m, cành vặn vẹo lúc còn non, có lông sát. Lá mọc so le, hình mác, gốc nhọn, đầu tù, dài 9 - 18cm, không lông, gân phụ 9 - 11 cặp; cuống dài 5mm. Hoa nhỏ màu trắng, rộng cỡ 1cm, ở khoảng giữa hai lá, cuống ngắn. Quả tròn tròn, đường kính 5cm, nhẵn, màu đỏ, chứa một hạt.
Ra hoa tháng 4 - 7, kết quả tháng 7 - 12.
2. Bộ phận dùng
Rễ - Radix Polyalthiae Nemoradis.
3. Nơi sống và thu hái
Loài phân bố ở Trung Quốc, Việt Nam. Cây mọc ở rừng ẩm vùng núi và vùng trung du, mọc nhiều ở Lạng Sơn, Bắc Thái, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Hà Tây tới Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng dần.
4. Tính vị, tác dụng
Vị ngọt, tính bình; có tác dụng bổ tỳ, kiện vị, bổ thận cố tinh.
5. Công dụng
Ở Trung Quốc, rễ được dùng trị viêm dạ dày mạn tính, tỳ vị suy nhược, ăn uống không tiêu, chân tay yếu mỏi, di tinh.
6. Liều dùng
20 - 40g rễ khô sắc nước uống; thường phối hợp với các vị thuốc khác.
7. Ghi chú
Còn một loài khác lá Polyalthia simiarum Benth. et Hook. f. gọi là Quần dầu khỉ, chỉ mọc ở Đồng Nai (Biên Hoà) có vỏ được sử dụng ở Ân Độ làm thuốc trị bò cạp đốt.
Hy vọng những thông tin vừa được chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích về cây Nhọc đen. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.