Nhãn - Chữa trí nhớ suy giảm hay quên
Nhãn là cây cao 5 - 10m, tán lá tròn xoè ra và rậm rạp, thuộc họ Bồ hòn, gốc ở Ấn Độ, được trồng ở vùng đồng bằng, có vị ngọt, tính ấ, có tác dụng bổ tâm, an thần, dùng để chữa trí nhớ suy giảm hay quên, thần kinh suy nhược, bạch đới, thống phong, sởi, cảm lạnh,... Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích và cách sử dụng của loại cây này, mời bạn đọc tham khảo.
Mục lục nội dung
Nhãn - Dimocarpus longan Lour. (Euphoria longan (Lour.) Stend.), thuộc họ Bồ hòn - Sapinda-ceae.
1. Mô tả
Cây cao 5 - 10m, tán lá tròn xoè ra và rậm rạp. Cành non có lông. Lá mọc so le, kép lông chim, gồm 3 - 5 đôi lá chét nhẵn, mặt dưới màu thẫm hơn. Hoa xếp thành chuỳ mọc ở ngọn cành và ở nách lá, màu vàng nhạt. Quả tròn, vỏ quả vàng trơn nhẵn. Hạt đen nhánh. Áo hạt màu trắng trong bao quanh hạt và không dính vào hạt, khi chín thì ngọt và ăn mát.
2. Bộ phận dùng
Áo hạt (hay gọi là cùi) - Arillus Longan, thường gọi là Long nhãn nhục. Hạt, lá cũng được dùng.
3. Nơi sống và thu hái
Gốc ở Ấn Độ, được trồng ở vùng đồng bằng. Nhãn dễ trồng, mọc nhanh, thích hợp với đất thịt pha cát, nơi có lớp đất canh tác sâu. Có thể trồng bằng hạt, bằng cành chiết hay ghép cây. Độ 4 - 5 năm thì có quả, thời gian cho quả cũng rất lâu. Vào tháng 6 - 8, khi Nhãn chín, thu về, phơi nắng hay sấy cho cùi vàng đều thì lột cùi, phơi tiếp đến khô thì dùng. Hạt dùng phơi khô. Rễ và lá thu hái quanh năm.
4. Thành phần hoá học
Cùi Nhãn còn tươi có các thành phần sau, tính theo %: nước 77,15, tro 0,01, chất béo 0,13, protid 1,47, hợp chất có nitrogen tan trong nước 20,55, đường saccharose 12,25, vitamin A và B. Cùi Nhãn khô chứa nước 0,85, chất tan trong nước 79,77, chất không tan trong nước 19,39, tro 3,36. Trong phần tan trong nước có glucose 26,91%, saccharose 0,22%, acid tartric 1,26%, chất có nitrogen 6,309%.
Hạt Nhãn chứa tinh bột, saponin, chất béo và tanin. Lá chứa quercetrin, quercetin, tanin.
5. Tính vị, tác dụng
Cùi Nhãn có vị ngọt, tính ấm; có tác dụng bổ tâm, an thần, kiện tỳ, làm tăng cơ nhục. Hạt có vị mặn, tính bình, có tác dụng thu liễm chỉ huyết. Lá có tác dụng hạ nhiệt, tiêu viêm. Rễ có tác dụng lợi tiểu và hoạt huyết.
6. Công dụng
Các bộ phận khác nhau của Nhãn được dùng như sau:
- Cùi Nhãn dùng chữa trí nhớ suy giảm hay quên, tý lự quá ðộ mất ngủ, thần kinh suy nhược, tâm thần mệt mỏi hồi hộp, hoảng hốt, gan kém, tỳ kém, huyết hý, rong kinh, ốm yếu sau khi bị bệnh. Dùng 9 - 15g.
- Rễ chữa dưỡng trấp niệu, bạch đới, thống phong. Dùng 15 - 30g.
- Lá dùng ngừa sởi, trị cảm lạnh, sốt rét, viêm ruột. Dùng 10 - 15g. Lá nấu nước tắm trị eczema bìu dái.
- Hạt dùng trị đau dạ dày, đau thoát vị, mụn nhọt và bỏng, vết thương chảy máu. Dùng 10 - 15g dạng thuốc sắc. Đồng thời tán bột, hoà với dầu Dừa dùng bôi vào chỗ đau.
- Vỏ cây và vỏ quả dùng chữa bỏng, chữa sâu răng. Đốt, tán bột hay nấu cao bôi.
7. Ghi chú
Còn có thứ Nhãn tà, Nhãn cám - Dimocarpus longan Lour. subsp. longan var. obtusa (Pierre) Leenh., có quả ăn được và dùng làm thuốc như Nhãn và vỏ cũng dùng chữa vết thương và cầm máu.
Hy vọng những thông tin vừa được chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích về cây Nhãn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.