Bệnh ngón tay dùi trống - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Hình dạng móng tay phát triển bất thường về kích thước và trông giống chiếc thìa úp ngược cho thấy bạn đang bị chứng ngón tay dùi trống. Ngón tay dùi trống có khi là dấu hiệu cảnh báo về một bệnh lý tiềm ẩn đang diễn ra. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé!
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Ngón tay dùi trống là gì?
Theo các chuyên gia, ngón tay dùi trống đề cập đến những thay đổi vật lý ở móng tay (đôi khi móng chân cũng chịu ảnh hưởng) do một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Sự thay đổi này có thể bao gồm:
Móng tay phát triển lớn hơn và tròn bất thường Góc hợp bởi lớp biểu bì ngón tay và móng tay mở rộng Móng tay có xu hướng cong xuống đáng kể Giường móng mềm Đầu ngón tay sưng phồng, chuyển đỏ và có thể hơi nóng tại đây
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, các thay đổi ở ngón tay và móng tay có thể phát triển trong vài tuần hoặc vài năm.
Mặt khác, ngón tay dùi trống có khi là dấu hiệu cảnh báo về một bệnh lý tiềm ẩn đang diễn ra nên các chuyên gia khuyến nghị bạn nên mau chóng tìm gặp bác sĩ nếu rơi vào trường hợp này.
2. Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng ngón tay dùi trống
Về cơ bản, móng tay hoặc móng chân của người bị chứng ngón tay dùi trống sẽ phát triển lớn hơn bình thường. Đồng thời, chúng có hình dáng như một chiếc thìa úp ngược. Bên cạnh đó, đầu ngón tay cũng có xu hướng sưng tấy và chuyển đỏ.
Tình trạng trên có thể xảy ra riêng lẻ hoặc kèm theo một số dấu hiệu khác, tùy theo nguyên nhân đằng sau là gì. Thông thường, triệu chứng đi kèm phổ biến nhất là ho hoặc khó thở.
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân ngón tay dùi trống là gì?
Phần lớn trường hợp, nguyên nhân gây ngón tay dùi trống là các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim, phổi và nội tiết tố, chẳng hạn như:
Ung thư phổi
Theo thống kê từ nhiều nghiên cứu, khoảng 29% người bị ung thư phổi có dấu hiệu ngón tay dùi trống. Trong khi đó, sự hiện diện của tế bào đột biến ở phổi lại là nguyên nhân chủ yếu khiến móng tay, móng chân thay đổi bất thường, cụ thể hơn là loại ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Một số loại ung thư khác
Trong vài trường hợp, bệnh Hodgkin, một dạng ung thư hạch, cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ở móng tay.
Các vấn đề sức khỏe ở phổi
Bên cạnh ung thư phổi, một số tình trạng sức khỏe khác phát sinh tại cơ quan này cũng được xem là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng móng tay có hình dáng chiếc thìa úp ngược, bao gồm:
Giãn phế quản; Các loại bệnh phổi kẽ, chẳng hạn như xơ phổi vô căn, viêm mủ màng phổi, lao phổi và xơ nang…
Bệnh tim bẩm sinh
Dị tật tim bẩm sinh, ví dụ như tứ chứng Fallot, cũng thường đi chung với tình trạng ngón tay dùi trống.
Một số vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa
Theo nhiều nhà nghiên cứu, sự phát triển bất thường ở móng tay hay móng chân có mối liên hệ với tình trạng cơ quan tiêu hóa gặp vấn đề, bao gồm:
Bệnh celiac (không dung nạp gluten); Xơ gan; Bệnh Crohn; Viêm loét đại tràng.
Các vấn đề về nội tiết tố
Tình trạng cường giáp, đặc biệt là bệnh Grave (Basedow), có nhiều khả năng kéo theo hiện tượng ngón tay dùi trống phát sinh.
Những yếu tố khác
Mặc dù các vấn đề về phổi chiếm phần lớn trường hợp, triệu chứng ngón tay dùi trống còn có thể xuất phát từ một số yếu tố như sau:
- Vô căn: hiện tượng ngón tay dùi trống tự phát sinh không bởi bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
- Yếu tố di truyền: nếu bố mẹ gặp phải tình trạng này, con cái sẽ có 50% nguy cơ mắc bệnh.
Thực tế, cơ chế gây thay đổi ở móng tay, móng chân vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Một số cho rằng tình trạng này có thể liên quan đến yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu. Tuy nhiên, giả thiết trên cần nhiều bằng chứng hơn để xác định độ tin cậy.
4. Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán ngón tay dùi trống?
Thông thường, tình trạng ngón tay dùi trống được chẩn đoán qua một buổi khám sức khỏe. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng nghi ngờ có tình trạng này nếu bạn đang phải đối mặt với những bệnh lý liên quan đến phổi hay ung thư.
Mặt khác, đôi khi một số tình trạng thấp khớp, chẳng hạn như viêm khớp phản ứng (hội chứng Reiter) cũng có thể bị nhầm lẫn với ngón tay dùi trống. Do đó, để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ tiến hành kiểm tra một số yếu tố như sau:
- Góc giữa giường móng và móng tay: thường là 160º. Góc lớn hơn 180º cho thấy bạn có ngón tay dùi trống.
- Tỷ lệ giữa chiều cao đốt xa ngón tay (DPD) và gian đốt ngón giữa xa (IPD): móng tay khỏe mạnh thường sẽ có kết quả nhỏ hơn 1.
- Dấu hiệu Schamroth: áp hai mặt móng của hai đầu ngón tay trỏ với nhau. Khoảng trống (góc mở) giữa hai móng rất nhỏ hoặc không có là bình thường.
Một số thủ thuật y tế sau khi chẩn đoán ngón tay dùi trống
Sau khi xác định bạn đang bị chứng ngón tay dùi trống, các chuyên gia sẽ bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân gây ra bằng cách:
- Đặt câu hỏi về bệnh sử gia đình Kiểm tra bệnh sử cá nhân ;
- Tìm kiếm các dấu hiệu bất thường khác.
Tùy thuộc vào những dấu hiệu đang xảy ra, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số xét nghiệm như:
Chụp CT ngực hoặc các xét nghiệm hình ảnh tương tự để kiểm tra những vấn đề liên quan đến phổi hoặc tim, ví dụ như ung thư phổi;
- Đo điện tâm đồ và siêu âm tim nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ quan này ;
- Xét nghiệm khí máu động mạch và xét nghiệm phổi với mục tiêu kiểm tra khả năng phổi hoạt động;
- Một số dạng xét nghiệm máu, bao gồm cả xét nghiệm chức năng gan cũng như chức năng tuyến giáp.
Những phương pháp điều trị ngón tay dùi trống
Thực tế, tình trạng ngón tay dùi trống không có biện pháp đặc trị. Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng trên sẽ tự biến mất nếu bạn giải quyết triệt để nguyên nhân gây nên.
Do đó, tùy vào vấn đề sức khỏe mà bạn đang phải đối mặt cũng như các triệu chứng đi kèm, bác sĩ sẽ đề xuất liệu trình điều trị hiệu quả và phù hợp, chẳng hạn như:
Đối với trường hợp ung thư: kết hợp hóa – xạ trị và phẫu thuật. Xoa dịu các triệu chứng bệnh phổi (xơ phổi, giãn phế quản…) bằng cách sử dụng thuốc kê toa, liệu pháp oxy, phục hồi chức năng và thay đổi lối sinh hoạt lành mạnh. Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ kết hợp cùng lối sống lành mạnh để điều trị viêm ruột. Phẫu thuật điều trị tứ chứng Fallot (TOF) hoặc những dị tật tim khác.
Ngoài ra, đối với các trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành cấy ghép nội tạng.
5. Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa ngón tay dùi trống?
Phương pháp duy nhất để ngăn chặn sự phát triển bất thường ở móng tay, móng chân là phòng ngừa cũng như kiểm soát những nguyên nhân cơ bản có thể dẫn đến tình trạng này, ví dụ như:
Giảm thiểu rủi ro ung thư phổi xuất hiện bằng cách bỏ thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc hoặc hóa chất độc hại… Phòng ngừa nguy cơ phát triển bệnh giãn phế quản bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và ho gà. Nhanh chóng điều trị nhiễm trùng phổi. Ngăn ngừa bệnh bụi phổi amiăng bằng cách sử dụng thiết bị bảo hộ khi làm việc trong những ngành có nguy cơ cao tiếp xúc với amiăng, chẳng hạn như công nghiệp xây dựng. Nếu bạn được chẩn đoán mắc các bệnh về phổi, hãy cố gắng tuân thủ theo những chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể giúp duy trì lượng oxy trong máu cần thiết, đồng thời ngăn chặn móng tay phát triển theo hình dạng chiếc thìa úp ngược.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh ngón tay dùi trống, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!