Ngộ độc cá nóc - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Ngộ độc cá nóc không còn là tình trạng mới lạ. Độc tố từ cá nóc có thể gây chết người nhưng đến nay vẫn chưa có thuốc giải đặc trị. Để hiểu rõ hơn về ngộ độc cá nóc, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Cá nóc được xem là một món ngon của nền ẩm thực châu Á, đặc biệt là tại Nhật khi thịt cá nóc được phục vụ trong một số loại sushi và sashimi. Ở các nhà hàng này, đầu bếp chế biến cá nóc phải có kỹ thuật và được đào tạo đặc biệt. Nếu không, món ăn vẫn có thể chứa một lượng lớn chất độc khiến thực khách ăn vào bị ngộ độc.
Chất độc được tìm thấy trong là tetrodotoxin (TTX). Ngoài các họ cá nóc, TTX còn chứa trong cóc, cá mặt trời, cá nhím, cá mặt quỷ (cá mao ếch). Đây là một trong những chất có độc lực mạnh nhất được tìm thấy trong tự nhiên.
Tình trạng ngộ độc cá nóc còn gọi là ngộ độc tetrodotoxin, tương tự như ngộ độc gây liệt cơ từ thủy sản.
2. Triệu chứng
Các triệu chứng thường xảy ra 10-45 phút sau khi ăn cá nóc còn độc tố. Người ăn ban đầu sẽ có cảm giác tê và ngứa ran quanh miệng, tăng tiết nước bọt (chảy nước dãi), buồn nôn và nôn. Ngoài ra còn có thể có các triệu chứng như:
Mệt mỏi;
Hoa mắt, chóng mặt;
Mất phản xạ;
Hạ huyết áp nghiêm trọng (với liều độc tố cao).
Các triệu chứng khi ngộ độc cá nóc có thể tiến triển nặng hơn trong vòng 4-6 giờ dẫn đến đến tê liệt, mất ý thức và suy hô hấp. Tình huống nặng nhất là gây tử vong.
Tác dụng độc của tetrodotoxin trên lâm sàng được chia theo các mức độ ảnh hưởng về thần kinh và tim mạch như sau:
Độ 1: Tê bì và dị cảm quanh miệng, có thể có hoặc không các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy.
Độ 2: Tê bì ở lưỡi, mặt, đầu chi và các vùng khác của cơ thể, liệt vận động và thất điều, nói ngọng, đau đầu vã mồ hôi, các phản xạ vẫn bình thường.
Độ 3: Co giật, liệt mềm toàn thân, suy hô hấp, nói không thành tiếng, đồng tử giãn tối đa mất phản xạ ánh sáng, có thể vẫn còn tỉnh.
Độ 4: Liệt cơ hô hấp nặng, ngừng thở, hạ huyết áp, nhịp tim chậm hay loạn nhịp, hôn mê.
3. Nguyên nhân
Trên thế giới đã xác định hơn 80 loài cá nóc, riêng tại Việt Nam có 4 họ, 12 giống và 66 loài, trong đó có khoảng 40 loài có khả năng gây độc tố. Phần lớn những loài thường gây độc tố thuộc họ Tetraodontidae.
Phân tích độc tố trên 35 loài cá nóc thì có 14 loài chưa phát hiện thấy độc và 21 loài chứa độc với mức độ khác nhau. Trong 21 loài có độc thì 10 loài có độc tính mạnh, 7 loài có độc tính trung bình và 4 loài có độc tính nhẹ.
Chất độc trong cá nóc được gọi là tetrodotoxin, không bị phá hủy ở nhiệt độ sôi hay làm khô, chất độc bị bất hoạt trong môi trường acid và kiềm mạnh. Tetrodotoxin tập trung ở trứng cá, ruột gan và tinh hoàn của cá. Chất này rất độc với thần kinh, ức chế kênh natri – đặc biệt là ở cơ vân, ngăn cản phát sinh điện thế và dẫn truyền xung động, hậu quả chính là gây liệt cơ và suy hô hấp, dễ tử vong.
Hầu hết các trường hợp ngộ độc cá nóc tại Việt Nam là do thiếu nhận biết về loại cá, không thao tác làm sạch, chế biến đúng cách.
4. Chẩn đoán và điều trị
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán ngộ độc cá nóc?
Để chẩn đoán ngộ độc cá nóc, cần thực hiện các chẩn đoán xác định và phân biệt.
Chẩn đoán xác định lâm sàng
Sau khi ăn cá nóc hay cá khô, ruốc cá làm bằng cá nóc từ vài phút đến vài giờ, người ăn có thể có các triệu chứng lâm sàng như đã nêu. Những dấu hiệu này có thể mất đi sau 24 giờ nếu được cứu sống.
Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm
Người bị ngộ độc có thể được thực hiện các xét nghiệm như:
Xét nghiệm máu kiểm tra các chỉ số điện giải, urê, đưòng, creatinin, thăng bằng toan kiềm. Điện tâm đồ kiểm tra tình trạng nhịp tim chậm, rối loạn nhịp tim. Tìm độc chất tetrodotoxin (TTX) trong dịch cơ thể hoặc trong mẫu bệnh phẩm. Phương pháp này chỉ thực hiện được ở những cơ sở xét nghiệm hiện đại.
Chẩn đoán phân biệt
Với các trường hợp dị ứng hoặc sốc phản vệ do ăn hải sản, người bệnh có thể bị khó thở kiểu hen suyễn, nhịp tim tăng, hạ huyết áp, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, da đỏ ngứa ngay sau khi ăn.
Nếu có liên quan đến tai biến mạch máu não (đột quỵ), các triệu chứng thần kinh thường khu trú một bên, có thể tăng trương lực cơ hoặc tăng phản xạ gân xương (còn liệt do ngộ độc cá nóc là liệt mềm), có dấu hiệu Babinski. Bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ não MRI nhằm giúp phân biệt với ngộ độc cá nóc.
Các chất độc khác ở thực phẩm (vi khuẩn, hoá chất trừ sâu, chất bảo quản, các loài cá độc khác) cũng gây nôn, buồn nôn. Ngoài ra cũng có trường hợp nguyên nhân không do độc như viêm dạ dày cấp, co thắt đại tràng.
Những phương pháp điều trị ngộ độc cá nóc
Điều trị ngộ độc cá nóc bao gồm hạn chế sự hấp thu độc tố của cơ thể, điều trị triệu chứng và can thiệp tích cực nếu có các triệu chứng đe dọa tính mạng như liệt toàn thân, suy hô hấp nặng.
Để xử lý tại chỗ (khi có dấu hiệu tê môi, tê tay nhưng còn tỉnh táo và vừa ăn cá nóc trong vòng 3 giờ), người ăn cần cố gắng gây nôn ói, ho khạc. Nhằm đề phòng bị sặc, nên đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp.
Cho người bị ngộ độc uống than hoạt tính khi còn tỉnh, chưa hôn mê. Người lớn uống 30g than hoạt tính pha với 250ml nước sạch quấy đều.
Đối với trẻ nhỏ từ 1-12 tuổi, pha 25g than hoạt tính với 100-200ml nước sạch rồi cho uống. Với trẻ nhỏ dưới một năm dùng 1g than hoạt/1kg cân nặng cơ thể pha với 50ml nước sạch. Uống sớm trong vòng 1 giờ sau khi ăn cá nóc sẽ có hiệu quả cao, loại bỏ chất độc.
Tuy nhiên, biện pháp này chống chỉ định khi người bệnh đã hôn mê hay rối loạn ý thức, chưa được đặt ống nội khí quản.
Nếu người bệnh khó thở, thở yếu hoặc ngừng thở, tím tái, cần thực hiện hô hấp nhân tạo, thổi ngạt theo điều kiện hiện có tại chỗ và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Việc điều trị nên được tiến hành ở các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu. Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải đặc hiệu cho trường hợp ngộ độc cá nóc.
5. Tiên lượng
Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hàm lượng độc chất đã hấp thu, thời gian từ khi khởi phát triệu chứng đến khi được điều trị, điều kiện cơ sở vật chất y tế tại nơi cấp cứu…
Với các trường hợp ngư dân ăn cá nóc hay hải sản có chứa TTX trên tàu thuyền, nơi xảy ra ngộ độc xa các cơ sở y tế hoặc được phát hiện chậm thì rất dễ tử vong trước khi đến bệnh viện. Nếu được cấp cứu kịp thời và đầy đủ, tiên lượng bệnh thường tốt và hồi phục sau 24 giờ đầu. Ngược lại, nếu liều độc tố cao mà chậm trễ cấp cứu, người ăn thường tử vong trong vòng 4-6 giờ sau khi ngộ độc.
6. Phòng ngừa
Biện pháp tốt nhất để ngừa ngộ độc cá nóc là:
Không ăn các loại hải sản chứa tetrodotoxin như cá nóc, bạch tuộc vòng xanh… cũng như không tự ý chế biến và lưu trữ các sản phẩm từ các loại hải sản chứa tetrodotoxin. Ngư dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá. Khi làm khô cá, nên kiểm tra kỹ lưỡng và loại bỏ cá nóc lẫn vào cá thường trước khi phơi khô. Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm các nóc khác để bán.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh ngộ độc cá nóc, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!