Nga truật - Chữa kinh nguyệt huyết khối, bế kinh, đau bụng kinh, bụng đầy trướng
Nga truật là thân rễ của cây Ngải tím hay còn gọi là Nghệ đen. Dược liệu này có tác dụng hành huyết, phá huyết mạnh nên được dùng trong các trường hợp ứ huyết và khí trệ lâu ngày. Tuy nhiên nên tránh dùng nga truật cho phụ nữ mang thai, người bị rong kinh,…Để biết thêm thông tin về vị thuốc, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Thân rễ đã chế biến khô của cây Nga truật (Curcuma zedoaria (Berg.) Roscoe), họ Gừng (Zingiberaceae).
1. Mô tả
Thân rễ hình trứng, dài 4 - 6 cm, đường kính 2,5 - 4 cm, mặt ngoài màu nâu, vàng xám đến màu nâu xám, có những mấu nhô lên, hình vòng, các đốt dài khoảng 5 - 8 mm có những vân nhăn dọc nhỏ, những vết sẹo của rễ đã loại đi và vết nhô ra của nhánh ngang. Nhìn qua kính lúp, thấy mặt ngoài thân rễ phủ những lông thô. Chất rắn như sừng, khó cắt. Mặt cắt ngang màu nâu xám, có một vòng nâu xám nhạt ở giữa, phân cách trụ dày với phần vỏ dày 2 - 5mm. Mùi thơm nhẹ, đặc biệt, vị mát lạnh, hăng cay, đắng.
2. Vi phẫu
Mặt cắt ngang thân rễ: Một số lớp vỏ bao (chu bì), lớp vỏ rộng, phân hoá gỗ, với những bó mạch, nhỏ và to, rải rác, lớp tương tự nội bì hoá bần, thành mỏng, tiếp ngay sau là một đám rối những bó mạch, không đều, ở chu vi của trung trụ. Trong mô mềm rải rác có những tế bào chứa tanin và những ống dầu to, dễ thấy. Tế bào mô mềm chứa đầy những hạt tinh bột đơn, có vết chấm ở cuối và vết rốn lệch tâm.
3. Bột
Màu vàng nâu, mùi thơm nhẹ, vị hăng cay, đắng. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh mô mềm gồm những tế bào thành mỏng chứa các hạt tinh bột đã bị hồ hoá. Nhiều hạt tinh bột đơn bị hồ hoá không còn nhìn rõ vân và rốn. Mảnh mạch xoắn, mạch vạch. Bó sợi nhỏ.
Độ ẩm: Không quá 13%. Dựng 10 g bột dược liệu.
Tạp chất: Gốc thân, vảy lá còn sót lại: Không quá 1%.
Tạp chất khác: Không quá 1%.
Tro toàn phần
Không quá 7,0%.
4. Định lượng
Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu (Phụ lục 12.7). Hàm lượng tinh dầu không được ít hơn 1%.
5. Chế biến
Thu hoạch vào mùa đông, khi phần trên mặt đất khô héo. Đào lấy thân rễ, rửa sạch, đồ chín đến thấu lõi, rồi phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp, sau đó loại bỏ rễ con và tạp chất.
6. Bào chế
Nga truật: Lấy Nga truật khô, ngâm qua, rửa sạch, đồ mềm, thái lát mỏng, phơi hay sấy khô.
Thố Nga truật (chế giấm): Lấy lát Nga truật sạch, tẩm giấm một đêm, 600 g Nga truật, ngâm trong 160 ml giấm, 160 ml nước, đun đến thấu lõi (cạn chất lỏng), sao đến khô.
7. Bảo quản
Để nơi khô, tránh mọt.
Tính vị, quy kinh
Khổ, tân, ôn. Vào các kinh can, tỳ.
8. Công năng, chủ trị
Hành khí, phá huyết, chỉ thống, tiêu tích. Chủ trị: Kinh nguyệt huyết khối, bế kinh, đau bụng kinh, bụng đầy trướng đau do thực tích khí trệ.
9. Cách dùng, liều lượng
Ngày dùng 6 - 9 g, dạng thuốc sắc hay hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ
Phụ nữ cú thai không nên dùng.
Cơ thể hư yếu sau khi sinh có tích trệ không nên dùng, muốn dùng phải phối hợp với Nhân sâm, Bạch truật.
Dược liệu nga truật thường được sử dụng để trị chứng ăn uống không tiêu gây đầy trướng bụng, nôn ói, huyết ứ gây bế kinh, tắc kinh và đau bụng dữ dội. Tuy nhiên cần tránh sử dụng dược liệu với các loại thuốc chống đông vì có thể gây chảy máu kéo dài. Để kiểm soát các rủi ro và tác dụng phụ, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi chữa bệnh bằng vị thuốc nga truật.