Nấm thông - Trị các bệnh phụ nữ

Nấm thông mọc đơn độc hay thành cụm trên đất rừng, đặc biệt là rừng có xen kẽ loại cây lá kim. Thịt nấm dày, cứng, trắng, có mùi vị dễ chịu, thường dùng xào với thịt hoặc nấu canh ăn, có thể trị lỵ, tiêu chảy, trị chứng phụ nữ bạch đới và chứng không sinh sản,... Để biết được chi tiết công dụng trong y học của Nấm thông, mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Nấm thông - Trị các bệnh phụ nữ

Nấm thông, Nấm gan bò - Boletus edulis Bull. ex Fr., thuộc họ Nấm thông - Boletaceae.

1. Mô tả

Mũ nấm lúc nhỏ dạng bán cầu, về sau phẳng; lúc non màu tím, về sau có màu nâu hoặc vàng, đường kính tới 15cm; mép mũ lượn sóng. Thịt nấm dày, màu trắng, không biến màu trong không khí. Cuống nấm to, mập, hình trụ hoặc hình chuông, phồng lên ở gốc, dài 5 - 8cm, đường kính 2 - 3cm, đồng màu với mũ hay nhạt hơn, đặc, chất thịt màu trắng.

Thường xuất hiện tháng 4 - 10.

2. Bộ phận dùng

Thể quả - Boletus.

3. Nơi sống và thu hái

Cây mọc đơn độc hay thành cụm trên đất rừng, đặc biệt là rừng có xen kẽ loại cây lá kim, như Thông hai lá, Thông ba lá, ở nhiều nơi trong các tỉnh vùng trung du và miền núi của nước ta (Hà Bắc, Lâm Đồng).

4. Tính vị, tác dụng

Thịt dày, cứng, trắng, có mùi vị dễ chịu, hơi ngọt; có tác dụng thanh nhiệt giải phiền, đường huyết hoà trung, thư cân hoạt huyết, bổ hư đề thần.

5. Công dụng

Thường dùng xào với thịt hoặc nấu canh ăn. Cũng có thể dùng như loài Boletuscrocatus Batsch của Ấn Độ. Giã ra thành bột nhão, thêm nước làm hỗn hợp nhào đắp vào lợi răng khi tiết nước bọt nhiều và dùng uống trong trị ỉa chảy và lỵ.

Ở Trung Quốc, nấm thường được dùng trị chứng phụ nữ bạch đới và chứng không sinh sản; còn có thể có hoạt tính kháng nham, trừ độc, phòng trị cảm mạo, là nguyên liệu bào chế "Thư cân hoàn".

Trên đây là một số thông tin về Nấm thông mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. 

Ngày:30/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM