Nấm cựa gà - Dùng trong khoa sản
Nấm cựa gà là nấm gây bệnh lúa mạch đen, có thể gặp trên các vùng cao có trồng lúa mạch của nước ta. Do tác dụng mạnh, nên ở nước ngoài, Nấm cựa gà chỉ được chỉ định dùng theo ý kiến của thầy thuốc và thường được dùng trong khoa sản. Mời bạn đọc cùng eLib.VN tìm hiểu về loại nấm này nhé.
Mục lục nội dung
Nấm cựa gà, Nấm cựa tím, Nấm khoả mạch - Claviceps purpurea (Fr.) Tul., thuộc họ Nấm cựa gà - Clavicepitaceae.
1. Mô tả
Nấm gây bệnh lúa mạch đen; sợi đâm sâu vào bông lúa mạch non, phá huỷ tế bào của mô cây chủ và phủ ngoài cụm hoa bằng một lớp sợi nấm mềm, màu trắng như bông. Từ đây tạo nên thể gối, trên đó hình thành cuống cônidi (bào tử bụi) và hình thành cônidi. Nấm còn tiết ra chất mật để hấp dẫn côn trùng đến và thông qua sự thăm viếng này, mà bào tử được phát tán đi xa. Tiếp sau đó, khối sợi nấm tiếp tục phát triển và hình thành nên hạch nấm cứng nom giống cựa gà dài 1 - 4cm, hơi hình trụ, màu tím đen, (ít khi xám úa nâu). Chúng có khả năng chống chịu qua mùa đông ở trong đất. Đầu năm sau, hạch nấm nảy mầm và hình thành nhiều nang quả đậm màu tím tối, dài 9cm, ngang 3,5cm với cuống dai và đầu hình cầu.
2. Bộ phận dùng
Hạch nấm - Claviceps, có tên là Mạch giác khuẩn.
3. Nơi sống và thu hái
Nấm cựa gà có thể gặp trên các vùng cao có trồng lúa mạch của nước ta. Người ta thu hái khi nấm bắt đầu chín. Phơi khô ở 30 - 45o.
4. Thành phần hoá học
Trong hạch rắn có ergotasine, ergotamine, ergocornine là những hoạt chất rất mạnh mà với liều lượng thường dùng làm co mạch các cơ trơn và cơ tử cung. Với liều cao, Nấm cựa gà rất độc, có thể gây nên hoại thư ở đầu ngón tay chân, cơ cứng mạch, mê sảng.
5. Công dụng
Do tác dụng mạnh, nên ở nước ngoài, Nấm cựa gà chỉ được chỉ định dùng theo ý kiến của thầy thuốc, thường được dùng trong khoa sản.
Trên đây là một số thông tin về Nấm cựa gà mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.