Nắm cơm - Trị phong thấp, đau nhức
Nắm cơm thuộc họ Ngũ vị, là dây trườn nhánh thòng, không lông, mọc dựa suối ở độ cao 700m thuộc tỉnh Lào Cai. Ở Trung Quốc thường dùng cây này để trị phong thấp, viêm dạ dày ruột cấp tính, cảm mạo,... Để biết được chi tiết công dụng trong y học của cây nắm cơm mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Nắm cơm, Xưu xe tạp - Kadsura heteroclita (Roxb.) Graib, thuộc họ Ngũ vị - Schisandraceae.
1. Mô tả
Dây trườn nhánh thòng, không lông. Lá có phiến bầu dục, dài cỡ 9cm, rộng 4,5cm, không lông, chóp có thể có mũi dài, gốc từ từ hẹp trên cuống; gân phụ 6 - 7 cặp, hai mặt lá màu lục; cuống dài 1,5cm. Hoa có cuống dài 3 - 4cm; nụ hoa to cỡ 1,5cm; lá đài ngoài nhỏ, lá đài trong to; cánh hoa màu vàng nhạt, cao 1,5cm. Quả thành đầu tròn, đường kính 2,5 - 5cm.
Hoa quả tháng 3.
2. Bộ phận dùng
Toàn dây - Caulis Kadsurae Heteroclitae. Ở Trung Quốc thường gọi là Hải phong đằng.
3. Nơi sống và thu hái
Loài của Trung Quốc, Việt Nam. Ở nước ta cũng chỉ gặp cây mọc dựa suối ở độ cao 700m thuộc tỉnh Lào Cai. Thu hái toàn dây quanh năm, loại bỏ vỏ bẩn, rửa sạch, thái phiến phơi khô dùng dần.
4. Tính vị, tác dụng
Vị ngọt, hơi cay, tính hơi ấm, mùi thơm; có tác dụng khư phong tán hàn, hành khí chỉ thống, thư cân hoạt lạc.
5. Công dụng
Ở Trung Quốc, thường dùng trị: 1. Phong thấp đau nhức gân cốt, lưng cơ lao tổn, tứ chi đau mỏi; 2. Viêm dạ dày ruột cấp tính, viêm loét dạ dày và hành tá tràng, viêm ruột mạn tính; 3. Đòn ngã tổn thương. Còn dùng trị cảm mạo, phụ nữ đẻ xong bị liệt, đau bụng trước khi hành kinh.
Liều dùng 15 - 30g, dạng thuốc sắc, có thể ngâm rượu uống.
Trên đây là một số thông tin về cây Nắm cơm mà eLib.VN đã tổng hợp, hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.