Na - Chữa lỵ và ỉa chảy

Trái na là một trái cây rất dễ tìm thấy trong mùa hè không chỉ ngon mà dinh dưỡng của quả na rất cao. Trái na có thể dùng ăn như một loại hoa quả hàng ngày, bồi bổ sức khỏe cho người ốm, hoặc hoa quả ăn dặm cho bé. Na còn là một vị thuốc trong y học. Để biết thêm thông tin về vị thuốc cây na, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Na - Chữa lỵ và ỉa chảy

Na, Mãng cầu, Mãng cầu ta, Màng cầu dai - Annona squamosa L., thuộc họ Na - Annonaceae.

1. Mô tả

Cây cao 2-8m, vỏ có nhiều lỗ bì nhỏ, tròn, trắng. Lá hình mũi mác, tù hay nhọn, hơi mốc mốc ở phần dưới, hoàn toàn nhẵn, thường là mềm, dài 10cm, rộng 4cm, có 6 -7 cặp gân phụ. Hoa nhỏ, màu xanh lục, mọc đối với lá, có cuống dài 2-3cm. Hoa thường rũ xuống, có 3 lá đài màu lục, 3 cánh hoa ngoài hẹp và dày, các cánh hoa ở trong rất hẹp hoặc thiếu hẳn, nhiều nhị và nhiều lá noãn. Quả mọng kép, màu xanh mốc, gần như hình cầu, đường kính 7-10cm, có từng múi, mỗi múi ứng với một lá noãn. Thịt quả trắng. Hạt đen có vỏ cứng.

2. Bộ phận dùng

Rễ, lá, quả, hạt - Radix, Folium, Fructus et Semen Annonae Squamosae.

3. Nơi sống và thu hái

Gốc ở quần đảo Angti, được đem vào trồng ở nước ta lấy quả ăn. Thịt quả mềm và thơm, ngọt, ngon nhất là Na dai. Các bộ phận của cây có thể thu hái quanh năm, thường dùng tươi.

4. Thành phần hoá học

Trong quả có 72% glucose, 14,52% saccharose, 1,73% tinh bột, 2,7% protid và vitamin C. Trong lá có một alcaloid vô định hình, không có glucosid, lá xanh chứa 0,08% dầu. Hạt chứa 38,5-42% dầu, trong ðó các acid béo (acid myristic, palmitic, stearic, arachidic, hexadecanoic và oleic) chiếm tỷ lệ lớn. Trong hạt có một alcaloid vô ðịnh hình gọi là anonain. Chất độc trong hạt và rễ là các glycerid và các acid có phân tử lớn. Lá, vỏ và rễ chứa acid hydrocyanic. Vỏ chứa anonain.

5. Tính vị, tác dụng

Quả Na vị ngọt, chua, tính ấm; có tác dụng hạ khí tiêu đờm. Quả xanh làm săn da, tiêu sưng. Hạt Na có vị đắng, hơi hôi, tính lạnh, có tác dụng thanh can, giải nhiệt, tiêu độc, sát trùng. Lá cũng có tác dụng kháng sinh tiêu viêm, sát trùng. Rễ cầm ỉa chảy.

6. Công dụng

Quả Na dùng chữa đi lỵ, tiết tinh, đái tháo, bệnh tiêu khát. Quả xanh dùng chữa lỵ và ỉa chảy. Quả Na điếc dùng trị mụn nhọt, đắp lên vú bị sưng. Hạt thường được dùng diệt côn trùng, trừ chấy rận. Lá Na dùng trị sốt rét cơn lâu ngày, mụn nhọt sưng tấy, ghẻ. Rễ và vỏ cây dùng trị ỉa chảy và trục giun.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), lá dùng trị xích lỵ cấp tính; lá dùng trị trẻ em lòi dom; quả dùng trị phù thũng ác tính.

Ở Thái Lan, lá tươi và rễ dùng trị chấy, mụn nhọt, nấm tóc và lang ben.

Ở Ân Độ, rễ được dùng gây xổ; hạt, quả và lá dùng diệt côn trùng, duốc cá, diệt chấy; hạt kích thích và gây sảy thai.

7. Đơn thuốc

Đi lỵ ra nước không dứt: 10 quả Na ương (chín nửa chừng) lấy thịt ra, còn vỏ và hạt cho vào 2 bát nước, sắc còn một bát, ăn thịt quả và uống nước sắc.

Nhọt ở vú: Quả Na điếc mài với dấm bôi nhiều lần.

Sốt rét cơn lâu ngày. Vò một nắm lá (20-30g) giã nhỏ, chế thêm nước sôi vào vắt lấy một bát nước cốt, lọc qua vải, phơi sương, sáng hôm sau thêm tí rượu quấy uống trước lúc lên cơn hai giờ. Mỗi ngày uống một lần, uống liền 5-7 ngày.

Mụn nhọt sưng tấy: Lá Na, lá Bồ công anh, cũng giã đắp.

Giun đũa chòi lên ợ ra nước trong: Dùng một nắm rễ Na mọc về hướng Đông, rửa sạch, sao qua, sắc uống thì giun ra.

Trừ chấy, rận: Giã nhỏ hạt lấy nước gội đầu hay ngâm quần áo. Để trừ chấy, giã nhỏ hạt Na trộn với rượu hoặc giấm mà ṿ vào đầu, xát vào chân tóc, bịt khăn lại, giữ 15 phút rồi gội đầu. Tránh không cho va vào mắt vì có độc.

Trên đây là hình ảnh, đặc điểm tự nhiên và công dụng làm thuốc của cây na. Ăn quả na rất tốt cho sức khỏe, nhưng để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, nên tham khảo và thực hiện bài thuốc theo hướng dẫn của lương y.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM