Muỗm - Tác dụng chữa đau răng
Cây Muỗm là cây như thế nào, mọc ở đâu, bộ phận nào dùng để làm thuốc, tác dụng chữa bệnh như thế nào? Cùng eLib.VN tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục nội dung
Muỗm, Xoài hôi - Mangifera foetida Lour., thuộc họ Đào lộn hột - Anacardiaceae.
1. Mô tả
Cây to, cao 15-20m. Lá đơn nguyên, mọc so le, thuôn dài về phía gốc. Mặt lá nhẵn bóng. Hoa trắng nhỏ mọc thành chùm kép ở ngọn cành; lá đài nhẵn, hình bầu dục, nhọn. Cánh hoa hình mũi mác hẹp, dài gấp 3 lần lá đài. Một nhị sinh sản dài bằng cánh hoa, còn 3 -4 cái khác ngắn hơn một ít. Quả hạch hình thận bé hơn quả xoài, khi chín màu vàng, thịt mọng nước.
Hai thời vụ hoa chính: tháng 12-3 và 5-7. Quả tháng 3-6 và 10-11.
2. Bộ phận dùng
Vỏ - Cortex Mangiferae Foetida.
3. Nơi sống và thu hái
Loài của Đông Nam Á châu: Mianma, Thái Lan, bán đảo Malaixia, Inđônêxia, Philippin và Việt Nam. Mọc hoang ở rừng và được trồng ở nhiều nơi để lấy quả và gỗ. Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thu hái vỏ cây quanh năm, thái ngắn, phơi khô.
4. Tính vị, tác dụng
Vị chát, se, làm săn da.
5. Công dụng
Quả ăn không ngon, có mùi vị nồng. Vỏ thường được dùng chữa đau răng, cũng được sử dụng làm thuốc cầm ỉa chảy.
6. Đơn thuốc
Chữa đau răng: Mỗi ngày 10-20g nấu đặc hoặc ngâm rượu, ngậm nhổ nước, ngày 4-5 lần. Dùng riêng hoặc phối hợp với rễ cây Xuyên tiêu, có tác dụng mạnh hơn.
Trên đây là hình ảnh, đặc điểm tự nhiên và công dụng làm thuốc của cây muỗm. Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, nên tham khảo và thực hiện bài thuốc theo hướng dẫn của lương y.