Muối -Tác dụng dưỡng huyết giải độc

Ngũ bội tử là chỗ sùi ở lá, cành và thân cây muối hoặc cây diêm phu mộc do loài sâu ngũ bội gây ra. Vị thuốc này có tác dụng cầm tiêu chảy, thu liễm, chỉ huyết và cố tinh. Với công năng đa dạng, ngũ bội tử được nhân dân sử dụng để chữa chứng lòi dom, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy, di hoạt tinh,…Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Muối  -Tác dụng dưỡng huyết giải độc

Muối, Diêm phu mộc, Ngũ bội tử thụ - Rhus chinensis Mill (Rhus javanica L., R. semialata Murr.), thuộc họ Đào lộn hột - Anacardiaceae.

1. Mô tả

Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, cao 5-10m; cành non, cuống lá và cuống hoa phủ lông ngắn màu nâu. Lá kép, lông chim mọc so le, trục lá và cuống lá thường có cánh, lá chét 7-13, mỏng, dài 5- 12cm, rộng 2-5cm, mép có răng cưa thô; mặt dưới có lông ngắn màu nâu tro. chùy hoa ở ngọn, hoa nhỏ, lưỡng tính, màu vàng trắng; lá đài 5-6; cánh hoa 5-6. Quả hạch tròn, đường kính 5mm, màu hồng, có lông màu tro trắng.

Ra hoa tháng 6-7, có quả tháng 10-11.

2. Bộ phận dùng

Rễ, lá, quả và ngũ bội tử - Radix, Folium, Fructus Rhi Chinensis et Galla Chinensis. Ngũ bội tử là những nốt dài trên cuống lá và cành của cây Muối, do ấu trùng của sâu Schlechtendalia chinensis gây ra.

3. Nơi sống và thu hái

Loài của Trung Quốc, Nhật Bản, Malaixia. Là cây mọc hoang trên các đồi cây bụi, có thể gặp ở nhiều nơi trên miền Bắc cho tới các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng. Người ta thu hái rễ quanh năm, thu hái lá vào mùa hè thu, rửa sạch, phơi khô hay dùng tươi. Hạt lấy ở quả già; thu hái Ngũ bội tử vào mùa thu, hấp nước sả 3-5 phút rồi phơi khô hoặc hơ nóng trong lửa để diệt sán rồi phơi hay sấy khô.

4. Thành phần hóa học

Quả chứa tanin, acid gallic. Ngũ bội tử cũng chứa tanin.

5. Tính vị, tác dụng

Rễ, lá có vị mặn, tính mát; có tác dụng dưỡng huyết giải độc, hoạt huyết tán ứ. Vỏ rễ cũng có vị mặn, chát, tính mát, có tác dụng tán ứ, sinh tân, tiêu viêm giải độc, chỉ huyết, lợi niệu, khư phong thấp. Quả có tác dụng thu liễm trấn khái, hoại huyết giải độc. Ngũ bội tử, có vị chua mặn, tính bình, có tác dụng cô sáp liễm hàn, sát trùng chỉ dương.

6. Công dụng

Rễ, lá dùng trị cảm mạo phát nhiệt, thổ huyết ăn uống không tiêu đi ỉa lỏng, đòn ngã, gãy xương, đao thương đâm xuất huyết, ong vàng châm. Dùng ngoài trị mẩn ngứa ngoài da, ghẻ ngứa, ngứa sần, trẻ em mồ hôi trộm. Liều dùng 15-60g, dạng thuốc sắc.

Rễ cũng dùng trị rắn cắn, mụn nhọt độc.

Ở Thiểm Tây (Trung Quốc), người ta dùng vỏ rễ trị đòn ngã, gãy xương, ngoại thương xuất huyết, mụn nhọt lở ngứa, viêm khí quản mạn tính, bệnh sởi, cảm mạo, hoàng đản, thuỷ thũng, phong thấp đau nhức khớp, ho ra máu, đái ra máu. Liều dùng 2-8g sắc uống, ngoài dùng tuỳ lượng, giã tươi đắp.

Quả ăn được và dùng trị đái ra máu, ói ra máu, trĩ và dùng ngoài trị bỏng, lở ngứa.

Ngũ bội tử được dùng trị lỵ ra máu, ỉa chảy mạn tính, ho mạn tính, trẻ em ra mồ hôi trộm, di tính, trĩ ra máu, phân đen, sa trực tràng, vết thương chảy máu. Dùng bôi ngoài trị bỏng và khỏi đau nhức, lại có tác dụng diệt khuẩn. Liều dùng: 2-4g dạng thuốc bột.

7. Đơn thuốc

Chữa đi lỵ ra máu lâu ngày: Dùng Ngũ bội tử 1 lạng (40g). Phèn phi 5 đồng cân (20g) tán bột viên với hồ, uống với nước cơm mỗi lần 2g đến 8g, ngày uống 2-3 lần (Nam Dược thần hiệu).

Chữa ho lâu ngày, khạc ra máu: Dùng Ngũ bội tử sao tán nhỏ, uống mỗi lần 4g với nước chè vào sau bữa ăn, ngày uống 2-3 lần (Nam Dược thần hiệu).

Chữa loét lợi và đau răng: Dùng Ngũ bội tử xát xỉa vào chỗ đau.

Lòi dom, lở loét, vết thương: Rửa bằng dung dịch 5-10% Ngũ bội tử.

Thủy thũng: Vỏ rễ cây Muối 4-8g, nấu nước uống.

Ngũ bội tử là vị thuốc quý nhưng dùng liều lớn hoặc sử dụng trong điều trị dài hạn có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Vì vậy trước khi áp dụng bài thuốc, bạn nên tham vấn y khoa để biết chính xác liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM