Mụn sữa - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mụn sữa là tình trạng da phổ biến ở trẻ nhỏ và mang tính chất tạm thời, không gây đau. Bố mẹ cần phân biệt với các bệnh lý về da khác ở trẻ. Để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Mụn sữa - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Mụn sữa là gì?

Mụn sữa (hay mụn trứng cá sơ sinh, nang kê) là một tình trạng da phổ biến ở trẻ (khoảng 20% trẻ sơ sinh) và mang tính chất tạm thời. Mụn sữa chỉ xảy ra trong vài tháng đầu đời (thậm chí là vài tuần) của trẻ và có trường hợp kéo dài đến 2 tuổi. 

Mụn sữa có thể phát triển trên khuôn mặt hoặc cơ thể bé dưới dạng những nốt mụn li ti màu đỏ hoặc trắng. Trong hầu hết các trường hợp, loại mụn này có thể lành tự nhiên sau vài ngày hoặc vài tuần mà không cần điều trị.

Mụn sữa khác với mụn trứng cá nhũ nhi ở chỗ mụn sữa không có nhân mụn hở hay nhân đầu đen. Mụn trứng cá nhũ nhi thì có và còn có thể xuất hiện dưới dạng u nang có mủ hoặc nốt sần đầu trắng. Trong một số ít trường hợp không điều trị thì mụn này còn có khả năng để lại sẹo. Mụn trứng cá nhũ nhi là tình trạng ít phổ biến hơn nhiều so với mụn sữa.

Khi nào nên đưa trẻ đến khám da liễu?

Hiện nay vẫn không có biện pháp điều trị mụn sữa ở trẻ nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa nếu có thắc mắc. Khi đưa trẻ đi thăm khám định kỳ hoặc kiểm tra tổng quát, bố mẹ nên đặt câu hỏi với bác sĩ về mụn sữa cũng như bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe của bé.

Những trường hợp sau thì bố mẹ nên đưa trẻ đi khám da liễu ngay:

Mụn trên mặt trẻ trở thành mụn đầu đen, mụn mủ hoặc viêm Mụn gây đau hoặc khó chịu cho trẻ.

Nếu sau vài tháng điều trị tại nhà mà tình trạng mụn của trẻ không thuyên giảm, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng 1 loại kem dưỡng da chứa 2,5% benzoyl peroxide.

Trong những trường hợp hiếm, bác sĩ cũng có thể kê toa một loại kháng sinh chẳng hạn như erythromycin hoặc isotretinoin để không bị sẹo vĩnh viễn. Đối với trẻ sơ sinh, việc này thường chỉ cần thiết cho loại mụn trứng cá nghiêm trọng thường do bệnh lý gây ra.

Bản thân mụn sữa không tái phát. Tuy vậy, nếu trẻ bị mụn lại trước tuổi dậy thì thì bố mẹ nên cho trẻ đi khám để tìm được nguyên nhân và có hướng xử lý.

Một số tình trạng sức khỏe hiếm gặp có thể khiến mụn của trẻ không đáp ứng với điều trị tại nhà, chẳng hạn như các khối u, tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH) và các rối loạn khác liên quan đến hệ thống nội tiết.

Cần phân biệt rõ mụn sữa và một số trường hợp mụn xuất hiện trên da nhưng không hẳn là mụn trứng cá. Một số nốt mụn xuất hiện như phát ban hoặc có vảy có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như cứt trâu (bệnh lở chốc da đầu) hoặc viêm da thể tạng (eczema). Theo đó, các trường hợp mụn ở trẻ sơ sinh không thể chủ quan là:

  • Viêm da thể tạng: 15-20% trẻ sơ sinh bị mắc bệnh này. Bệnh này thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 3-6 tháng tuổi với dấu hiệu là các nốt đỏ như mụn, ngứa ngáy, khô da, thậm chí rỉ nước và có kết vảy trên da bé. Bên cạnh đó, bố mẹ vệ sinh sạch sẽ một cách thái quá cho trẻ sơ sinh sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ yếu dần tạo điều kiện cho bệnh về da phát triển, tấn công.
  • Mề đay: Bệnh có biểu hiện như phát ban trên da, các nốt mụn như muỗi đốt, gây ngứa ngáy. Trẻ sơ sinh có thể mắc mề đay từ rất sớm.
  • Rôm sảy: Bệnh xuất hiện khi cơ thể trẻ bị nóng quá, nốt rôm sảy xuất hiện ở trán, cổ, các nếp da kín của trẻ. Nốt rôm sảy có hình tròn, màu đỏ, mọc nhiều, lít chít trên da. Giữ mát, thoáng cho cơ thể trẻ sẽ giúp các nốt rôm sảy biến mất.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của mụn sữa là gì?

Tương tự như mụn trứng cá ở thanh thiếu niên và người lớn, mụn sữa ở trẻ thường xuất hiện dưới dạng mụn đỏ hoặc mụn nhọt nhỏ. Mụn mủ hoặc mụn đầu trắng cũng có thể mọc, vùng da quanh các nốt mụn có màu đỏ. Đôi khi trẻ mới sinh cũng đã có mụn sữa.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, mụn sữa phát triển trong vòng 2-4 tuần sau khi sinh, có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần, mặc dù một số trường hợp có thể kéo dài trong vài tháng.

Trẻ có thể bị mụn sữa ở bất cứ đâu trên khuôn mặt nhưng thường gặp nhất là trên má và mũi. Một số trẻ cũng có thể bị mụn sữa ở trán, cằm, da đầu, phần lưng ngực trên hoặc cổ. Mụn sữa có thể trở nên dễ thấy rõ hơn khi trẻ quấy khóc. Trẻ cũng có thể nổi nhiều mụn sữa hơn khi đang bị nóng, da bị dính nước bọt, sữa hay tiếp xúc với quần áo vải thô ráp.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của mụn sữa là gì?

Hiện tại, nguyên nhân chính xác của loại mụn này vẫn chưa được biết rõ. Một số nhà nghiên cứu tin rằng tình trạng này là do hormone của mẹ hoặc trẻ sơ sinh gây ra. 

Ngoài ra cũng có một số giả thuyết khác có thể kể đến như:

  • Dược tính của thuốc. Mẹ dùng thuốc trong thời gian mang thai hoặc trẻ sơ sinh có vấn đề sức khỏe và phải dùng thuốc có thể gây tác dụng phụ là mụn sữa.
  • Uống sữa bột. Một số trẻ có thể bị mụn sữa do không hợp với sữa chứa nhiều đạm albumin.
  • Mẹ ăn nhiều đồ nóng và hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh cũng là một trong những yếu tố có thể kích thích mụn sữa xuất hiện.
  • Phì đại tuyến bã.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán mụn sữa?

Mụn sữa là tình trạng có thể được chẩn đoán bằng mắt, không yêu cầu thực hiện xét nghiệm y khoa nào.

Những phương pháp điều trị mụn sữa

Mụn sữa ở trẻ thường tự khỏi mà không cần điều trị. Trong một số trường hợp, thời gian bị mụn của trẻ có thể kéo dài hàng tháng thay vì hàng tuần. Để điều trị dạng mụn cứng đầu này, bác sĩ nhi khoa có thể kê toa một loại kem hoặc thuốc mỡ giúp thoa lên da trẻ.

Bố mẹ không nên dùng các loại thuốc không kê đơn có tác dụng trị mụn trứng cá cũng như các sản phẩm rửa mặt hoặc kem dưỡng da. Làn da của trẻ rất nhạy cảm, những phương pháp này có thể làm cho tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn hoặc gây kích ứng da của trẻ.

5. Biện pháp tại nhà

Những biện pháp tại nhà nào giúp điều trị mụn sữa?

Trong khi chờ cho các nốt mụn của trẻ tự khỏi, bạn cũng có thể thực hiện một số cách sau để giữ cho làn da bé luôn khỏe mạnh.

Giữ khuôn mặt trẻ sạch sẽ

Hãy rửa mặt cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm. Tắm là thời điểm phù hợp nhất để rửa mặt trẻ. Bạn không cần phải sử dụng bất cứ thứ gì ngoài nước nhưng nếu muốn, bạn vẫn có thể dùng một loại xà phòng nhẹ dành riêng cho da em bé hoặc sữa rửa mặt không chứa xà phòng. Tránh dùng sản phẩm có mùi thơm vì chúng có khả năng gây kích ứng da trẻ. Hãy tham vấn ý kiến các bác sĩ nhi khoa trước khi sử dụng.

Tránh các sản phẩm có độ tẩy mạnh

Các sản phẩm chứa retinoids (dẫn xuất của vitamin A) hoặc erythromycin thường được sử dụng để trị mụn trứng cá ở người trưởng thành. Tuy nhiên, để chữa mụn sữa ở trẻ em thì không nên dùng các sản phẩm này.

Bạn cũng không nên sử dụng bất kỳ loại xà phòng có mùi thơm, tạo bọt hoặc các loại xà phòng khác có chứa nhiều hóa chất có tác động mạnh mẽ đến da.

Không dùng các loại kem dưỡng da

Các loại kem dưỡng có thể làm tình trạng mụn sữa nặng thêm. Bạn nên bỏ qua các bước thoa kem này nếu cho rằng da trẻ đang cần được “trợ giúp” từ dưỡng chất để nhanh chóng khỏi mụn.

Không chà xát

Chà xát da bằng khăn có thể làm nặng thêm tình trạng mụn. Thay vào đó, bạn hay lau mặt trẻ nhẹ nhàng bằng khăn mềm theo chuyển động tròn hoặc vỗ nhẹ khăn lên da mặt trẻ để thấm hút nước rửa mặt.

Không nặn mụn

Tuyệt đối không được nặn mụn trên mặt trẻ. Điều này sẽ gây kích ứng da trẻ và làm cho tình trạng mụn nghiêm trọng hơn.

Hãy kiên nhẫn

Mụn sữa ở trẻ thường vô hại vì không gây ngứa hay đau cho bé. Bạn hãy kiên nhẫn đợi cho mụn tự khỏi nhưng cũng đừng quên làm sạch da mặt trẻ dịu nhẹ mỗi ngày.

Trên đây là một số thông tin về mụn sữa, hy vọng sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh để có hướng chăm sóc và điều trị phù hợp cho các bé.

Ngày:29/09/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM