Mộc tặc - Chữa đau mắt đỏ, chảy nước mắt, mắt kéo màng

Mộc tặc làm một loài cỏ sống lâu năm, thân rễ dài, có đốt nằm sâu dưới đất (60-80cm), xuất hiện lên mặt đất hai thứ cành: cành bất thụ, cành hữu thụ. Để biết thêm thông tin về vị thuốc mộc tặc mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Mộc tặc - Chữa đau mắt đỏ, chảy nước mắt, mắt kéo màng

Phần trên mặt đất đã phơi hay sấy khô của cây Mộc tặc (Equisetum debile Roxb.), họ Mộc tặc (Equisetaceae).

1. Mô tả

Nhiều đoạn thân và cành hình ống dài 7 - 15 cm, có khi tới 30 cm, đường kính 0,1 - 0,2 cm, màu nâu sẫm. Cành màu lục nhạt, hơi vàng hay xám tro, có nhiều rãnh dọc song song, mỗi rãnh này ứng với một lỗ khuyết trong phần vỏ. Cành chia thành nhiều đốt. Mỗi mấu mang một vòng lá nhỏ, hình sợi màu nâu, dẹt ở gốc và dính liền nhau thành một bẹ màu lục nhạt, có răng cưa nâu ôm lấy cành. Lá thường dạng sợi rụng đi chỉ còn bẹ. Ở mỗi mấu có nhiều nhánh con mọc vòng, màu nâu. Chất giòn, dễ bẻ gẫy. Mặt ngoài cành sờ ráp tay do biểu bì có chất silic. Bẻ đôi cành thấy gióng rỗng, mấu gần đặc.

2. Vi phẫu

Biểu bì có một lớp tế bào xếp đều đặn, tầng cutin dày. Vòng mô dày liên tục sát biểu bì, phát triển nhiều ở những chỗ lồi, tế bào thành dày đều. Mô mềm vỏ chia làm 2 phần: Phần ngoài hình nhiều cạnh, hơi kéo dài theo hướng xuyên tâm, thành mỏng, tế bào chứa nhiều lạp lục; phần trong có các bó libe-gỗ xếp theo một vòng xen kẽ với các mô khuyết. Mỗi bó libe-gỗ gồm: Vòng nội bì, libe xếp giữa 2 dãy mạch gỗ, một khuyết nhỏ sát bên trong bó libe. Khuyết trung tâm rộng, chiếm khoảng 2/3 thiết diện vi phẫu.

3. Bột

Màu lục nhạt, vị  hơi ngọt, hơi đắng chát. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh biểu bì ở phần gốc thân màu da cam, tế bào hình chữ nhật dài, thành lượn sóng đều đặn. Mảnh quản bào hình thang. Mảnh mô dày dọc, tế bào hình chữ nhật thành dày. Mảnh mô dày ngang, tế bào hình tròn, thành dày. Mảnh biểu bì ở phần giữa thân màu lục nhạt, tế bào hình chữ nhật ngắn hoặc gần vuông. Mảnh biều bì thân với các lỗ khí đặc biệt. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại, bột Mộc tặc phát quang lấm tấm vàng.

4. Định tính

A. Lấy 1 g bột Dược liệu, thêm 15 ml cồn 70% (TT), đun nhẹ trên cách thủy trong 5 phút, thỉnh thoảng lắc, lọc, cô  dịch lọc còn khoảng 2 ml rồi cho vào ống nghiệm, thêm 10 ml nước, lắc mạnh trong 1 phút (30 lần lắc), xuất hiện bọt bền trong 30 phút.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

  • Bản mỏng: Silica gel G.
  • Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethyl acetat – acid formic (8 : 4 : 0,4)
  • Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 25 ml dung dịch methanol 75% (TT) và 1 ml acid hydrochloric(TT), đun hồi lưu trong 1 giờ, lọc, cô dịch chiết đến cắn. Hòa tan cắn trong 10 ml nước, chiết 2 lần với ethyl acetat (TT), mỗi lần với 10 ml, cô dịch chiết ethyl acetat  đến cắn. Hòa tan cắn trong 1 ml methanol (TT) để dùng làm dung dịch thử.
  • Dung dịch đối chiếu: Hòa tan 1 mg kaempferol (ĐC) trong 1 ml methanol. Nếu không có kaempferol, lấy 1 g bột Mộc tặc (mẫu chuẩn), chiết như mẫu thử.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl dung dịch thử và 2 µl dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra để khô trong không khí rồi phun dung dịch aluminium trichlorid 5% trong ethanol (TT), kiểm tra ngay dưới đèn UV 365 nm. Các vết phát quang trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải tương ứng về màu sắc và vị trí với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm: Không quá 12%.

Tạp chất: Không quá 1%.

Chất chiết được trong dược liệu

Chất chiết được trong ethanol 96% (TT): Không được dưới 4,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng ethanol  96% (TT) làm dung môi.

5. Chế biến

Thu hoạch vào mùa hạ và mùa thu, cắt lấy phần trên mặt đất, loại bỏ tạp chất, phơi âm can đến khô.

6. Bào chế

Loại bỏ thân héo và gốc rễ còn sót lại, phun nước, ủ mềm, cắt đoạn và phơi khô.

7. Bảo quản

Nơi khô ráo.

Tính vị, qui kinh

Cam, vi khổ, bình. Quy vào kinh Can, đởm, phế.

8. Công năng, chủ trị

Tán phong nhiệt, trừ mắt có màng (thoái ế). Chủ trị: Đau mắt đỏ do phong nhiệt, ra gió chảy nước mắt, mắt kéo màng.

9. Cách dùng, liều lượng

Ngày 6 – 9 g, phối hợp trong các bài thuốc.

Những thông tin mà bài viết tổng hợp được từ dược liệu mộc tặc chỉ có giá trị tham khảo. Bạn đừng nên tự ý áp dụng bài thuốc nào từ dược liệu này khi chưa tham vấn thầy thuốc hay những người có chuyên môn.

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM