Mọc răng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mọc răng ở em bé là quá trình tự nhiên nhưng cũng gây ra không ít triệu chứng khó chịu. Vậy làm thế nào để giảm đau và giúp bé thoải mái hơn? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Mọc răng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Mọc răng là tình trạng gì?

Mọc răng là quá trình răng sữa xuất hiện lần lượt khi chồi ra khỏi các nướu răng và thường mọc theo cặp. Trẻ thường mọc răng trong khoảng từ 6 đến 8 tháng tuổi và có thể mất vài năm thì tất cả 20 răng mới mọc đủ. Khi răng mọc lên, chúng sẽ không cắt qua da thịt mà thay vào đó, các hormone được phóng thích trong cơ thể làm cho một số tế bào trong nướu răng chết và tách rời, cho phép các răng đi qua.

Mọc răng là quá trình tự nhiên trong quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ. Do trẻ thường đau đớn và khó chịu nên các bậc cha mẹ khá lo lắng về quá trình này. Bạn có thể giúp trẻ vượt qua những triệu chứng khó chịu và có một bộ răng khỏe mạnh bằng cách dạy trẻ giữ vệ sinh răng miệng thật tốt. Bạn nên liên hệ với bác sĩ nha khoa để giải quyết một số triệu chứng khó chịu cho trẻ.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng mọc răng là gì?

Mỗi trẻ có các triệu chứng của quá trình mọc răng khác nhau. Các triệu chứng thường gặp nhất là dễ bị kích thích và biếng ăn.

Mọc răng còn có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác như:

Chảy nước dãi; Nhai các vật thể rắn; Khóc và cáu kỉnh; Khó chịu; Khó ngủ; Chán ăn; Đau, loét nướu; Đỏ và sưng nướu.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu con bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng mọc răng?

Khi sinh ra, trẻ đã có một bộ răng đầy đủ nằm ẩn dưới nướu của chúng. Thông thường, trẻ sẽ bắt đầu mọc răng trong năm đầu tiên sau khi sinh.

Răng chồi qua nướu theo giai đoạn. Thông thường, răng cửa mọc đầu tiên, tiếp theo là các răng giữa. Từ thời điểm này, các răng còn lại sẽ chồi qua nướu răng trong khoảng thời gian ba năm. Một số trẻ thậm chí sau 2 tuổi đã có một bộ răng hoàn chỉnh.

Dưới đây là thứ tự mọc răng sữa:

Răng cửa trung tâm: 6−12 tháng tuổi; Răng cửa bên: 9−16 tháng tuổi; Răng nanh: 16−23 tháng tuổi; Răng hàm đầu tiên: 13−19 tháng tuổi; Răng hàm thứ hai: 22−24 tháng tuổi.

Giữa 6−12 tuổi, chân 20 răng sữa sẽ thoái hóa và thay thế bằng 32 răng vĩnh viễn. Răng khôn không có trước đó ở bộ răng sữa và thường mọc khi trẻ đến giữa hoặc cuối tuổi vị thành niên. Do răng khôn có xu hướng mọc chồng lấn và khấp khểnh nên chúng thường bị loại bỏ.

4. Nguy cơ mắc phải

Trẻ em thường mọc răng ở độ tuổi nào?

Thông thường, từ giữa 2 đến 8 tháng tuổi, trẻ em mới bắt đầu mọc răng. Bạn nên thảo luận với nha sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mọc răng?

Vì đây là quá trình tự nhiên nên không có yếu tố nguy cơ cho mọc răng.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tình trạng mọc răng?

Các nha sĩ có thể đặt con bạn trên bàn hoặc để bạn giữ con mình vào lòng và tiến hành khám răng. Sau đó, các nha sĩ có thể:

Đánh giá tình trạng vệ sinh răng miệng và sức khỏe tổng thể của trẻ; Thực hiện các kỹ thuật vệ sinh hợp lý; Tìm vết loét hoặc vết va chạm vào lưỡi của trẻ, bên trong má và trên vòm miệng; Đánh giá tác động của các thói quen như sử dụng núm vú và mút ngón tay cái.

Những phương pháp nào dùng để điều trị tình trạng mọc răng?

Nhiều trẻ sơ sinh và trẻ em có rất ít hoặc không có triệu chứng khi chúng mọc răng, vì vậy sẽ không cần bất kỳ điều trị nào. Tuy nhiên, những điều sau đây có thể hữu ích cho những trẻ có các triệu chứng khó chịu:

  • Dùng tay chà. Nhẹ nhàng dùng ngón tay sạch chà xát lên trên nướu có thể giúp làm dịu cơn đau. Nhiều trẻ em thấy rằng cắn vào một vật sạch và mát sẽ dễ chịu hơn (ví dụ, một chiếc vòng răng lạnh hoặc một miếng vải sạch, lạnh, ướt). Nhai kẹo trái cây hoặc rau quả ướp lạnh có thể giúp ích. Tuy nhiên, bạn không nên cho trẻ nhai bánh quy vì bánh có chứa đường;
  • Thuốc giảm đau. Nếu con bạn bị đau khi mọc răng thì paracetamol hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau. Nhưng bạn nên dùng thuốc đúng với liều khuyến nghị theo từng độ tuổi. Các bác sĩ vẫn chưa khẳng định được việc dùng các phương pháp điều trị bổ sung như thảo dược mọc răng dạng bột có ích cho quá trình này hay không;
  • Gel mọc răng. Bạn có thể cho trẻ sử dụng gel mọc răng chứa chất gây tê cục bộ hoặc chất khử trùng nhẹ. Thuốc gây tê cục bộ thường là lidocain. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên bạn không dùng các loại gel khi đau do mọc răng vì có vẻ như chúng không có ích lâu dài mà còn có thể gây hại cho trẻ. Đã có một số trường hợp trẻ vô tình nuốt phải quá nhiều thuốc gây tê và có hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Nếu bạn chọn sử dụng một loại gel mọc răng thì hãy làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn cho trẻ.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế triệu chứng khó chịu của tình trạng mọc răng?

Nếu trẻ mọc răng mà có vẻ không thoải mái, bạn nên áp dụng các biện pháp sau:

  • Chà nướu cho bé. Sử dụng một ngón tay sạch hoặc làm ẩm miếng gạc để chà nướu cho bé. Áp lực có thể giảm bớt sự khó chịu cho bé;
  • Giữ cho miệng mát mẻ. Một chiếc khăn, muỗng hoặc vòng mọc răng lạnh có thể làm dịu nướu của bé. Tuy nhiên, bạn đừng cho bé dùng vòng mọc răng đông lạnh vì tiếp xúc với thứ quá lạnh có thể gây hại cho răng miệng của trẻ;
  • Hãy thử thức ăn cứng. Nếu bé ăn thức ăn đặc, bạn có thể cho một cái gì đó có thể nhai được như dưa chuột hoặc cà rốt gọt vỏ và ướp lạnh. Tuy nhiên, bạn nhớ trông bé thật cẩn thận vì bất kỳ miếng thức ăn nào cũng có thể gây nguy hiểm cho đường thở, làm nghẹt thở;
  • Lau khô nước dãi. Chảy nước dãi quá mức là một phần của quá trình mọc răng. Để ngăn ngừa kích ứng da, bạn nên lấy một miếng vải sạch tiện dụng để làm khô cằm của bé. Bạn cũng có thể thoa kem dưỡng ẩm như một loại kem dạng nước hoặc kem dưỡng da cho trẻ;
  • Dùng thuốc không kê toa. Nếu con bạn khó chịu nhiều thì một số thuốc như acetaminophen (Tylenol®) hoặc ibuprofen (Advil®, Motrin® cho trẻ em…) có thể giúp ích;
  • Dùng khăn ẩm sạch lau lên nướu của bé mỗi ngày. Bạn không nên quên việc này vì khăn có thể loại bỏ đi vi khuẩn hình thành trong miệng của bé;
  • Đánh răng. Khi răng đầu tiên của bé xuất hiện, bạn nên dùng bàn chải lông mịn nhỏ đánh răng cho bé. Bạn dùng kem đánh răng có fluor và không lớn hơn kích thước của một hạt gạo để đánh răng cho bé đến khi bé được 3 tuổi.

Trên đây là một số thông tin về mọc răng, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu để chăm sóc trẻ đúng cách ở giai đoạn mọc răng.

Ngày:30/09/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM