Mộc hương - Kiện tỳ tiêu tích
Mộc hương - thường dùng trị mọi chứng đau, trúng khí độc bất tỉnh, tiểu tiện bế tắc, đau bụng, khó tiêu, trướng đầy, gây trung tiện, ngừng nôn mửa, tiết tả đi lỵ. Để biết thêm thông tin về thảo dược mộc hương, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN
Mục lục nội dung
Mộc hương, Quảng mộc hương - Saussurea lappa C. B. Clarke (Aucklandia lappa Decne), thuộc họ Cúc -Asteraceae.
1. Mô tả
Cây thảo sống lâu năm, rễ mập. Thân hình trụ rỗng, cao 1,5-2m. Vỏ ngoài màu nâu nhạt. Lá mọc so le; phiến chia thùy không đều ở phía cuống, dài 12-30cm, rộng 6-15cm, mép khía răng, có lông ở cả hai mặt nhất là ở mặt dưới; cuống lá dài 20-30cm. Các lá ở trên thân nhỏ dần và cuống cũng ngắn dần, lá trên ngọn hầu như không cuống; hầu như ôm lấy thân. Cụm hoa hình đầu, màu lam tím. Quả bế hơi dẹt, màu nâu nhạt lẫn những đốm màu tím.
Ra hoa tháng 7-8, kết quả tháng 8-10.
2. Bộ phận dùng
Rễ - Radix Saussureae, thường gọi là Mộc hương Nơi sống và thu hái: Cây được nhập trồng và thích nghi với một số vùng cao của nước ta như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt và vùng phụ cận. Nhân giống bằng hạt vào tháng 11-12. Cây ưa đất phù sa cát tơi xốp; nếu đất quá ẩm ướt thì dễ bị bệnh thối cổ rễ.
Trồng một năm thì thu hoạch, có thể để qua năm vào tháng 1,2 khi cây bắt đầu tàn lá, thân khô và lụi dần. Đào bằng cuốc để tránh gãy nát, cắt bỏ phần mấu thân, lấy củ rửa sạch, phơi hay sấy khô. Có thể dùng tươi hoặc chế biến thành Tửu mộc hương, Mộc hương nướng, Mộc hương sao.
3. Thành phần hóa học
Trong củ có costus lactone, dihydrocostus lactone, saussurea lactone, costunotide và dihydrocostunolide.
4. Tính vị, tác dụng
Mộc hương có vị cay, đắng, tính ấm; có tác dụng hành khí chỉ thống, kiện tỳ tiêu tích; nói chung nó có tác dụng làm tan ứ trệ, hoà tỳ vị, đuổi phong tả, tả khí hoả, phát hãn, giải cơ biểu... như Thổ mộc hương. Còn có tác dụng lý khí, dùng để hành khí giảm đau, kiện tỳ, chỉ tả. Loại nướng có tác dụng hoà hoãn hành khí, trợ sức cho đại tràng, chỉ tả lỵ.
5. Công dụng
Thường dùng trị mọi chứng đau, trúng khí độc bất tỉnh, tiểu tiện bế tắc, đau bụng, khó tiêu, trướng đầy, gây trung tiện, ngừng nôn mửa, tiết tả đi lỵ.
6. Liều dùng
0,5-1g nhai nuốt hoặc mài với nước uống, có khi dùng tới 3-6g sắc hoặc tán bột uống.
7. Đơn thuốc
Chữa đi lỵ mạn tính: Mộc hương, Hoàng liên bằng nhau, tán bột làm viên, mỗi lần uống 0,2-0,5g, uống ngày 2-3 lần.
Ghi chú
Các chứng do khí yếu gây ra, huyết hư mà háo thì không dùng. Kỵ nóng, lửa.
Những thông tin về dược liệu mộc hương mà bài viết cung cấp chỉ có giá trị tham khảo. Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hay những người có chuyên môn trước khi áp dụng bất cứ bài thuốc trị bệnh nào từ loại dược liệu này.