Mò hoa trắng - Chữa khí hư, bạch đới, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt, lở ngứa

Mò hoa trắng là thảo dược quen thuốc có thể điều trị mụn nhọt, viêm gan, kinh nguyệt không đều... Tuy an toàn nhưng vẫn có trường hợp không được sử dụng. Chúng ta cần phải biết cách sử dụng đúng thì mới phát huy được khả năng chữa bệnh. Cùng eLib.VN tìm hiểu vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Mò hoa trắng - Chữa khí hư, bạch đới, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt, lở ngứa

Thân, cành mang lá đã phơi hay sấy khô của cây Mò hoa trắng (Clerodendrum philippinum var. symplex Wu et Fang), họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).

1. Mô tả

Dược liệu còn nguyên: Đoạn thân non vuông, đoạn thân già tròn, dài 20 - 40 cm, đường kính 0,3 - 0,8 cm, có lông vàng nhạt. Thân chia thành nhiều gióng dài 4 - 7 cm, quanh mấu có một vòng lông tơ mịn. Lá mọc đối, gốc tròn hoặc hình tim, đầu nhọn, dài 10 - 20 cm, rộng 8 - 15 cm, mép nguyên hoặc có răng cưa rất nhỏ, có ít lông cứng và ở mặt dưới thường có tuyến nhỏ tròn, màu vàng, gân lá nổi rõ, gân phụ có hình mạng lưới, cuống lá phủ nhiều lông. Lá vò có mùi hăng đặc biệt. Cụm hoa do các xim nhỏ tập hợp thành chuỳ ở đỉnh thân, phủ dầy lông màu hung, dài 11 - 15 cm. Lá bắc hình trái xoan hoặc hình mũi mác. Hoa màu trắng hoặc vàng ngà. Nhị và vòi nhụy thò dài. Quả hạch hình cầu, đen bóng, có tồn tại lá đài màu đỏ.

Dược liệu đã cắt đoạn: Đoạn thân, cành lá được cắt thành đoạn dài khoảng 1 cm.

2. Vi phẫu

Lá: Biểu bì trên và dưới mang lông che chở đa bào, có 3 - 8 tế bào. Lông tiết đa bào nằm sâu trong biểu bì, chân ngắn, đầu to, tròn, gồm 6 - 8 tế bào xếp xoè ra, ngoài có lớp cutin bao bọc, phồng lên hình đầu. Tuyến tiết đa bào to, hình đĩa, nằm sát biểu bì. Mặt dưới gân chính lồi nhiều hơn. Hai đám mô dày ở 2 chỗ lồi của gân chính. Có 9 - 11 bó libe - gỗ xếp thành một vòng tròn ở gân giữa. Libe ở bên ngoài, gần như nối liền nhau. Tinh thể calci oxalat hình khối chữ nhật, thường ở mô mềm ruột của gân giữa. Mô giậu gồm một hàng tế bào.

3. Bột

Màu lục xám, mảnh lông che chở, lông tiết đa bào nhìn thẳng từ trên xuống có hình tròn, nhìn nghiêng đầu to, chân bé, tuyến tiết hình đĩa đa bào, có khi vỡ thành từng mảnh. Mảnh biểu bì dưới có nhiều lỗ khí gồm 2 - 4 tế bào kèm, có khi có cả lông tiết và vết tích lông che chở. Lỗ khí bị tách riêng. Tinh thể calci oxalat hình khối vuông hoặc hình khối chữ nhật. Mảnh mô mềm gân lá gồm các tế bào hình chữ nhật.

4. Định tính

Lấy 3 g bột lá cho vào bình nón có nút mài, dung tích 100 ml. Thêm 1 ml dung dịch amoniac 10% (TT). Trộn đều. Thêm vào bình 20 ml cloroform (TT), lắc nhẹ 10 phút, để yên trong 1 giờ, lọc dịch chiết vào 1 bình gạn, thêm 3 ml dung dịch acid sulfuric 10% (TT), lắc nhẹ vài phút, để lắng. Gạn lấy lớp dung dịch acid cho vào ống nghiệm, nhỏ vài giọt thuốc thử Dragendorff (TT) sẽ có kết tủa màu vàng cam.

Độ ẩm: Không quá 13 %.

Tạp chất: Không quá 1 %.

Tro toàn phần: Không quá 8 %.

5. Chế biến

Thu hái cành lá quanh năm, tốt nhất vào lúc cây sắp ra hoa hoặc đang ra hoa, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

6. Bào chế

Khi dùng thái nhỏ, sao vàng, sắc uống. Có thể nấu cao đặc.

7. Bảo quản

Để nơi khô.

Tính vị, quy kinh

Vị đắng, mát. Vào các kinh tâm, tỳ, can, thận.

8. Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt giải độc, khu phong, tiêu viêm. Chủ trị: Khí hư, bạch đới, kinh nguyệt không đều, mụn nhọt, lở ngứa, vàng da, gân xương đau nhức, lưng mỏi, huyết áp cao.

9. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 12 - 16 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.

Tùy theo cơ địa của từng người mà việc dùng bạch đồng nữ có tác dụng khác nhau. Ngoài ra việc sử dụng cũng có thể gặp phải tác dụng phụ mà chúng ta không thể lường trước. Bạn nên tham khảo thật kĩ thông tin về các bài thuốc rồi mới nên sử dụng.

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM