Mè đất rìa - Trị cảm mạo phong hàn
Mè đất rìa là cây thảo cao đến 1m; thân to 6-7 cm, có lông dày nằm ngược, màu vàng hoe, thuộc họ Hoa môi, thường ở độ cao 500m đến 2750m, chỉ gặp ở vùng Sa Pa (Lào Cai), được dùng trị phong thấp tê liệt ứ đau, ngứa ngoài da, trĩ, sốt rét, cảm mạo phong hàn,... Để biết thêm công dụng trong y học của cây Mè đất rìa mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Mè đất rìa, Bạch thiệt rìa, Tú cầu phòng phong - Leucas ciliata Benth., thuộc họ Hoa môi - Lamiaceae.
1. Mô tả
Cây thảo cao đến 1m; thân to 6-7 cm, có lông dày nằm ngược, màu vàng hoe. Lá có phiến thon dài 6-9cm, rộng 2,5-3cm, chót thon nhọn, gốc tù, gân phụ 5-6 cặp, mỏng, có lông mép nằm, vàng, cuống dài đến 6-8mm. Cụm hoa xim co ở ngọn to 1,5-2cm, có phiến lá bắc hẹp dài (1cm) có lông dài; hoa không cuống, dài 7mm, thắt ở miệng và ở gốc, có lông dài, mau rụng, răng 10 toả ra như ngôi sao, dài 2,5cm; tràng trắng, có lông vàng mặt ngoài, nhị 4. Quả bế nhẵn, dài 2mm.
2. Bộ phận dùng
Rễ, quả và toàn cây - Radix, Fructus, et Herba Leucatis Ciliatae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài của Trung Quốc, Ân Độ, Nê Pan và Bắc Việt Nam. Thường ở độ cao 500m đến 2750m, chỉ gặp ở vùng Sa Pa (Lào Cai).
4. Tính vị, tác dụng
Vị đắng, cay, tính ấm, có tác dụng khư phong tán hàn, kiện tỳ tiêu thực.
5. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Ở Vân Nam (Trung Quốc) rễ dùng trị can khí uất kết, phong thấp tê liệt ứ đau, trẻ em cam tích, ngứa ngoài da, trĩ và sốt rét.
Quả dùng trị cảm mạo phong hàn, trẻ em bị phù.
Toàn cây dùng trị mụn nhọt sưng lở, ngứa ngoài da, trẻ em cam tích, mắt hoa, bệnh giang mai, vô danh thũng độc, ngửa lở ngoài da và gẫy xương.
Trên đây là một số thông tin về cây Mè đất rìa mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.