Me - Tác dụng thanh nhiệt, giúp tiêu hóa
Me là cây gỗ to, cao đến 20m, thuộc họ Đậu, được trồng ở nước ta làm cây bóng mát và lấy quả ăn, chế mứt, làm nước giải khát hoặc nấu canh chua, dùng để chông bệnh hoại huyết, đau gan vàng da, chống nôn ọe, sốt rét,... Bài viết dưới đây của eLib.VN sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn chi tiết hơn về những lợi ích, cách sử dụng, thông tin về liều lượng và những nhược điểm tiềm ẩn của loại cây này.
Mục lục nội dung
Me - Tamarindus indica L., thuộc họ Đậu - Fabaceae.
1. Mô tả
Cây gỗ to, cao đến 20m, lá kép lông chim chẵn, gồm 10-12 cặp lá chét có gốc không cân xứng, chóp lõm. Chùm hoa ở ngọn các nhánh nhỏ, có 8-12 hoa. Hoa có 2 lá bắc vàng, dính nhau thành chóp và rụng sớm; 4 lá đài trắng; 3 cánh hoa vàng có gân đỏ. Quả dài, mọc thõng xuống, hơi dẹt, thẳng, thường chứa 3-5 hạt màu nâu sẫm, trơn. Nạc hay thịt của quả (cơm quả) chua.
Mùa quả tháng 10-11.
2. Bộ phận dùng
Quả, lá, vỏ cây - Fructus, Folium et Cortex Tamarindi Indicae.
3. Nơi sống và thu hái
Loài cây cỏ nhiệt đới, được trồng nhiều ở Ấn Độ. Cũng được trồng ở nước ta làm cây bóng mát và lấy quả ăn, chế mứt, làm nước giải khát hoặc nấu canh chua. Ta thu hái lá và vỏ quanh năm; thu quả vào mùa đông.
4. Thành phần hóa học
Cơm quả giàu glucid (đường, pectin) khoảng 10%, acid citric và tartric tự do, 8% bitartrat acid kali, có tác dụng nhuận tràng, còn có dấu vết của acid oxalic.
5. Tính vị, tác dụng
Quả Me có vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải nắng, giúp tiêu hoá, lợi trung tiện và nhuận tràng. Ở Trung Quốc, quả Me được xem như có tác dụng dưỡng can minh mục, tiêu thực hoá tích, chỉ khát thoái nhiệt, tán bì, sát trùng. Hạt Me có tác dụng tẩy giun. Gỗ Me có tác dụng nhuận tràng và lợi tiểu nhẹ. Vỏ cây Me có vị chát, làm săn da. Lá Me giải độc.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Quả Me dùng ăn tươi hay làm mứt hoặc pha nước đường uống dùng chống bệnh hoại huyết, đau gan vàng da và chống nôn oẹ.
Ở Thái Lan, người ta dùng quả trị bệnh khi bị rối loạn của mật, còn nước hãm quả dùng uống trị sốt rét. Cũng dùng làm thuốc giúp tiêu hoá.
Ở Trung Quốc, quả Me được dùng trị viêm dạ dày mạn tính, thực tích, tiêu hoá không bình thường, đau khối cục ở bụng, đàm ẩm, phụ nữ có thai nôn mửa, trẻ con cam tích, bệnh giun đũa, dự phòng trúng nắng.
Vỏ Me thường dùng làm thuốc cầm máu, trị ỉa chảy, lỵ và nấu nước ngậm, súc miệng chữa viêm lợi răng. Lá dùng trị bệnh ngoài da, thường tắm cho trẻ em đề phòng bệnh ngoài da vào mùa hè.
7. Cách dùng
Cơm quả thường dùng tươi hay làm mứt. Dùng pha nước đường uống, ngày 2 -6g. Vỏ phơi khô, tán bột rắc hoặc sắc uống. Gỗ cây dùng sắc. Lá nấu nước tắm.
8. Đơn thuốc
Có thai, chán cơm hay nôn nghén: Ăn mứt Me hay sắc quả Me lấy nước uống.
Có mang táo bón hay người già táo bón mạn tính: gỗ Me 100g sắc uống hàng ngày thay nước trà.
Tẩy giun: Hạt Me 4-8g phối hợp với quả Giun 6-12g sao vàng tán bột uống, uống liền trong ba ngày vào lúc sáng sớm.
Trên đây là một số thông tin về cây Me mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y. eLib.VN không khuyến khích tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.