Hội chứng mất tiếng - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Mất tiếng là tình trạng bạn không thể nói đúng, bạn có thể bị mất tiếng một phần, toàn phần hoặc khàn giọng. Để hiểu rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung về mất tiếng
Mất tiếng là gì?
Mất tiếng là tình trạng bạn không thể nói đúng. Bạn có thể bị mất tiếng một phần hoặc khàn giọng. Bạn cũng có thể mất tiếng hoàn toàn và giọng nói như thì thầm. Tình trạng mất giọng có thể xảy ra từ từ hoặc nhanh chóng tùy thuộc vào nguyên nhân. Mất tiếng khác với mất ngôn ngữ – một rối loạn ngôn ngữ.
Những ai có thể bị mất tiếng?
Mất tiếng là một tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
2. Triệu chứng mất tiếng
Những triệu chứng đi kèm với mất tiếng là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan bao gồm:
- Khàn tiếng;
- Co thắt dây thanh âm;
- Đau họng;
- Khó nuốt – thức ăn hoặc nước có thể đi vào phổi.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Khàn giọng mà không đỡ hơn sau 2 tuần;
- Mất tiếng hoàn toàn kéo dài hơn một vài ngày;
- Hạch bạch huyết cứng, sưng Khó nuốt;
- Ho ra máu;
- Một cục u trong cổ họng;
- Đau họng dữ dội;
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Khi nhận thấy một trong những triệu chứng này hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, bạn vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người không giống nhau, tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
3. Nguyên nhân gây mất tiếng
Nguyên nhân gây mất tiếng là gì?
Cảm lạnh thông thường
Khi bạn nói, không khí đi qua thanh quản trong cổ họng và chạm vào dây thanh âm. Dây âm thanh rung sẽ tạo ra giọng nói.
Khi bạn cảm, cổ họng bị viêm và đau. Sau đó dây thanh âm sưng lên, ảnh hưởng đến cách chúng rung, do đó bạn bị khàn giọng.
Lạm dụng các cơ
Mỗi lần bạn nói hoặc hát, bạn sử dụng các cơ khác nhau, bao gồm một số cơ trong miệng và cổ họng. Cũng giống như các cơ khác trong cơ thể, việc lạm dụng những cơ ở miệng và cổ họng có thể khiến chúng bị mệt mỏi, căng thẳng và chấn thương. Ngoài ra, kỹ thuật hát sai cũng có thể gây khàn giọng.
Dưới đây là một số thói quen phổ biến mà bạn có thể đang làm sai:
- Nói, hát, la hét hoặc ho quá nhiều;
- Sử dụng cao độ cao hơn hoặc thấp hơn bình thường khi bạn nói chuyện;
- Dùng vai kẹp điện thoại để nói chuyện.
Hút thuốc
Khói thuốc lá kích thích dây thanh âm, có thể gây các vấn đề giọng nói trong thời gian dài. Các nghiên cứu cho thấy những người đã và đang hút thuốc có nguy cơ mắc chứng rối loạn giọng nói cao gấp ba lần so với những người không bao giờ hút thuốc.
Hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển polyp trên dây thanh âm, khiến giọng nói của bạn trở nên trầm và khàn.
Dị ứng
Khi nói đến dị ứng, có lẽ bạn sẽ nghĩ đến các triệu chứng sổ mũi, ngứa mắt và hắt hơi. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể gây tổn hại đến giọng nói theo nhiều cách:
Một phản ứng dị ứng có thể làm cho dây thanh âm sưng lên. Chảy dịch mũi sau – khi chất nhầy di chuyển từ mũi vào cổ họng – có thể gây kích ứng dây thanh âm. Ho và hắng giọng có thể làm căng dây thanh âm. Thuốc kháng histamine trị dị ứng có thể làm khô chất nhầy trong cổ họng. Điều này có thể gây hại cho dây thanh âm vì nó cần độ ẩm để làm việc.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây đau, sưng và cứng khớp. Khoảng 1 trong 3 người bị viêm khớp dạng thấp gặp các vấn đề về giọng nói, bao gồm đau họng và mất tiếng. Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến các khớp nhỏ ở mặt và cổ họng, dẫn đến các vấn đề về hô hấp và cách thức hoạt động của dây thanh âm.
Các vấn đề về tuyến giáp
Các tuyến giáp sản sinh một loại hormone kiểm soát một số chức năng trong cơ thể bạn. Khi tuyến giáp không đủ chất có thể khiến bạn bị khàn giọng.
Nếu bạn bị bướu cổ, bạn có thể ho rất nhiều và gặp vấn đề với lời nói. Một sự tăng trưởng trên tuyến giáp hoặc một nốt sần cũng có thể ảnh hưởng đến cách bạn nói.
GERD
Trào ngược dạ dày thực quản là một tình trạng làm cho axit dạ dày chảy ngược vào thực quản, một ống dẫn vào cổ họng. Mặc dù triệu chứng chính của bệnh là ợ nóng, nhưng nó cũng có thể làm suy yếu giọng nói của bạn.
Axit dạ dày có thể kích thích dây thanh âm, cổ họng và thực quản, dẫn đến giọng nói khàn khàn, khò khè và xuất hiện quá nhiều chất nhầy trong cổ họng.
Viêm thanh quản
Viêm thanh quản không phải là bệnh nhưng có thể khiến bạn bị mất tiếng. Nếu viêm thanh quản xảy ra đột ngột, nó được gọi là “cấp tính”.
Bạn có thể bị viêm thanh quản mạn tính nếu hít phải thứ gì đó gây khó chịu, như khói hoặc hóa chất. Tình trạng này cũng phát triển nếu bạn bị nhiễm trùng nấm men dây thanh âm do sử dụng thuốc hít hen suyễn hoặc có vấn đề với hệ thống miễn dịch.
Hạch, polyp và u nang
Mặc dù các chuyên gia không chắc chắn nguyên nhân, nhưng bạn có thể có các khối tăng trưởng lành tính trên dây thanh quản. Các chuyên gia cho rằng việc lạm dụng giọng nói quá mức, chẳng hạn như la hét hoặc nói quá nhiều, có thể là một nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Hạch có hình dạng giống như mô sẹo thường phát triển ở giữa dây thanh âm. Họ có xu hướng biến mất nếu bạn để thanh quản nghỉ ngơi trong thời gian dài. Polyp thường xuất hiện ở một bên của dây thanh âm. Chúng có nhiều kích cỡ và hình dạng. U nang là những khối mô vững chắc mọc gần hoặc bên dưới bề mặt dây thanh âm. Nếu chúng làm thay đổi nghiêm trọng giọng nói của bạn, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật để loại bỏ chúng.
Bệnh hệ thần kinh
Một tình trạng ảnh hưởng đến dây thần kinh, như bệnh Parkinson, có thể ảnh hưởng đến các cơ trên mặt và cổ họng. Gần 90% những người mắc bệnh Parkinson bị rối loạn lời nói hoặc giọng nói.
Parkinson khiến các phần kiểm soát chuyển động và phối hợp của não suy giảm. Điều này có nghĩa là bạn không còn có thể kiểm soát các cơ tạo giọng nói.
Ung thư thanh quản
Khàn giọng trong thời gian dài hoặc mất tiếng có thể là dấu hiệu của ung thư vòm họng. Các triệu chứng khác của bệnh là:
- Đau khi nuốt;
- Đau tai;
- Khó thở;
- Hạch ở cổ.
Các nguyên nhân được đề cập ở trên là một số nguyên nhân phổ biến gây mất tiếng. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
4. Nguy cơ bị mất tiếng
Những yếu tố nào làm bạn tăng nguy cơ bị mất tiếng?
Một số yếu tố làm bạn tăng nguy cơ bị mất tiếng như:
- Nói hoặc la hét quá nhiều;
- Hút thuốc có thể khiến bạn có nguy cơ cao bị ung thư thanh quản;
- Phẫu thuật trên hoặc xung quanh thanh quản.
5. Kiểm soát mất tiếng
Những biện pháp tại nhà nào giúp bạn kiểm soát mất tiếng hiệu quả?
Nghỉ ngơi. Bạn nên hạn chế nói chuyện hoặc chỉ nói chuyện nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương thêm dây thanh quản. Tránh xa những nơi ồn ào vì bạn buộc phải nói to hơn để người khác có thể nghe được. Giữ ẩm cổ họng bằng cách uống nhiều nước. Bạn cũng cần tránh uống rượu và các đồ uống có caffein để tránh làm khô cổ. Sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp giữ không khí trong phòng luôn ẩm. Điều này có thể giúp làm dịu dây thanh âm bị viêm. Thuốc. Bạn có thể thử một số loại thuốc không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen để giúp giảm bớt sự khó chịu và viêm dây thanh âm. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để tránh các tương tác thuốc không đáng có.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến hội chứng mất tiếng, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!