Màng tang - Trị phong thấp đau nhức xương
Màng tang là cây nhỡ thuộc họ Long não, mọc hoang ở vùng rừng núi cao trong các savan cây bụi như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, tới Kontum, Lâm Đồng, có vị cay, đắng, tính ấm, dùng để trị nhức đầu, đau dạ dày, phong thấp đau nhức xương, đòn ngã tổn thương,... Để nắm được đặc điểm và cách sử dụng của vị thuốc này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết của eLib.VN nhé.
Mục lục nội dung
Màng tang - Litsea cubeba (Lour.) Pers, thuộc họ Long não - Lauraceae.
1. Mô tả
Cây nhỡ cao độ 5-8m, thân vỏ xanh, có lỗ bì, già thì có màu nâu nâu xám, cành nhỏ và nằm. Lá mọc so le, phiến lá hình mác dài độ 10cm, rộng 1,5-2,5cm, dày, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới xám sau biến màu đen, mép nguyên; cuống lá mảnh; gân lá rõ. Hoa nhỏ khác gốc, màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở nách lá. Quả mọng hình tròn hay hình trứng khi chín màu đen, mùi rất thơm.
Hoa tháng 1-3, quả tháng 4-9.
2. Bộ phận dùng
Rễ, cành, lá, quả - Radix, Ramulus, Folium et Fructus Litseae. Quả thường gọi là Tất trưng già.
3. Nơi sống và thu hái
Cây mọc hoang ở vùng rừng núi cao trong các savan cây bụi như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, tới Kontum, Lâm Đồng và đã được trồng ở một số nông trường để làm cây che bóng cho chè, có nơi dùng lấy quả để cất tinh dầu. Trồng bằng hạt vào mùa xuân. Thu hái quả vào mùa hè thu rễ và lá thu hái quanh năm.
4. Thành phần hoá học
Quả chứa tinh dầu (38-43%) một nguồn chiết xuất citral hàm lượng thường là 80%. Cây chứa tinh dầu (0,81%) và alcaloid laurotetanin. Vỏ chứa alcaloid N -methyl- laurotetanin.
5. Tính vị, tác dụng
Vị cay, đắng, tính ấm; có mùi thơm của sả; có tác dụng tán phong hàn, ôn trung hạ khí, trừ thấp giảm đau.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Rễ được dùng trị 1. Ngoại cảm, nhức đầu đau dạ dày; 2. Phong thấp đau nhức xương đau ngang thắt lưng, đòn ngã tổn thương; 3. Đầy hơi; 4. Sản hậu ứ trệ bụng đau, kinh nguyệt không đều.
Quả cũng dùng trị ăn uống không tiêu, đau dạ dày.
Lá dùng ngoài trị nhọt, viêm mủ da, viêm vú và trị rắn cắn.
Liều dùng: Rễ 15-30g, dạng thuốc sắc, quả 3-9g dạng thuốc sắc, lá tươi dùng giã nát đắp.
7. Đơn thuốc
Ngoại cảm tê thấp đau nhức xương; Rễ Màng tang và thân 15-30g sắc uống.
Viêm vú cấp tính: Lá màng tang tươi, dầm trong nước vo gạo và dùng đắp.
Đau bụng kinh niên, đầy hơi ỉa chảy: Quả màng tang, rễ Xuyên tiêu, rễ cúc áo hoa vàng, rễ Kim sương, rễ Chanh, liều lượng bằng nhau nấu thành cao lỏng, uống.
Trên đây là một số thông tin về cây Màng tang mà eLib.VN đã tổng hợp, bài viết chỉ mang tính tham khảo. eLib.VN không khuyến khích bạn đọc tự chẩn đoán bệnh hay thực hiện các phương pháp điều trị tại nhà.