Một số lưu ý khi tìm kiếm và lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học là một hoạt động nhằm giúp sinh viên có thể rèn luyện và pháp huy khả năng nghiên cứu để góp phần nâng cao chất lượng học tập cũng như vận dụng vào công việc sau này. Để chọn được một đề tài hay hấp dẫn thì không dễ dàng gì, vì vậy eLib chia sẽ với các bạn Một số lưu ý khi tìm kiếm và lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học dưới đây. Mời các bạn cùng tham khảo!
Mục lục nội dung
1. Tầm quan trọng của việc tìm kiếm và lựa chọn đề tài
Đề tài NCKH thể hiện một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ mục đích, phạm vi nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu của đề tài. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng đối với sự thành công của một công trình nghiên cứu.
Việc tìm kiếm và lựa chọn đề tài là bước đầu tiên và cũng chính là căn cứ để thực hiện các bước tiếp theo trong việc nghiên cứu như viết đề cương chi tiết, lập kế hoạch thực hiện đề tài.
Việc tìm kiếm không hiệu quả và lựa chọn sai đề tài nghiên cứu có thể khiến cho việc nghiên cứu không có kết quả tốt thậm chí thất bại gây lãng phí về thời gian, công sức và vật chất.
Việc lựa chọn một đề tài nghiên cứu phù hợp với kiến thức chuyên ngành, năng lực của sinh viên và có tính thực tiễn sẽ giúp cho sinh viên có thể tích lũy và trau dồi thêm kiến thức và năng lực cũng như tạo ra động lực để thực hiện đến cùng công trình nghiên cứu. Với những đề tài mới, có tính thời sự và sáng tạo, có khả năng áp dụng vào thực tiễn sẽ được đánh giá cao.
2. Một số sai sót khi tìm kiếm và lựa chọn chọn đề tài
Trong quá trình tìm kiếm và lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học, sinh viên thường mắc phải một số sai sót và hạn chế sau đây:
Thứ nhất, tìm kiếm không có phương pháp và không có mục đích rõ ràng. Thông thường sinh viên sẽ lựa chọn đề tài theo cảm cảm tính dựa trên những vấn đề mà bản thân sinh viên quan tâm hoặc những vấn đề mang tính “nóng” đang được toàn xã hội quan tâm. Việc tìm kiếm không được diễn ra không theo quy trình cụ thể và không xác định rõ đối tượng tìm kiếm. Từ đó dẫn đến khối lượng thông tin nhiều nhưng lại không trọng tâm và không khai thác hết được giá trị của thông tin dẫn đến lãng phí thời gian và không đạt được mục đích.
Thứ hai, không khai thác được các nguồn tài liệu và công cụ tìm kiếm. Ngày nay, với sự phát triển của Internet, một trong những công cụ tìm kiếm phổ biến, sinh viên thường phụ thuộc vào nguồn tài liệu này. Tuy nhiên, lượng thông tin và tài liệu từ Internet đòi hỏi cần phải biết chọn lọc và xử lý kỹ càng về độ tin cậy và mức độ cập nhật. Một mặt, sinh viên phụ thuộc quá nhiều và Internet mà đã bỏ qua những nguồn tài liệu hữu ích khác như thư viện, các công trình nghiên cứu, các tạp chí chuyên ngành,… Mặt khác, khi khai thác tài liệu từ những nguồn này sinh viên thường không có chiến lược tìm kiếm và sử dụng các công cụ một cách hiệu quả để tiết kiệm thời gian và có được những tài liệu có giá trị cao.
Thứ ba, lựa chọn đề tài không phù hợp (Ha, N., 2009). Đây là một trong những những lỗi mà sinh viên thường mắc phải. Khi lựa chọn đề tài nghiên cứu, sinh viên thường chọn đề tài không phù hợp với chuyên ngành, năng lực nghiên cứu phạm vi nghiên cứu dẫn đến việc nghiên cứu gặp phải nhiều khó khăn hoặc không mang lại nhiều giá trị. Chẳng hạn, đề tài có phạm vi càng hẹp vấn đề sẽ càng được đào sâu nhưng đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ càng và có kiến thức sâu về vấn đề đó, trong khi một vấn đề có phạm vi rộng sẽ dễ dẫn đến nguy cơ dàn trải, thiếu tập trung, xử lí các vấn đề chỉ ở trên bề mặt.
Thứ tư, lựa chọn đề tài không có ý nghĩa thực tiễn (Ha, N. 2009). Khi quyết định viết bài nghiên cứu khoa học, sinh viên phải tìm hiểu trên thực tế đề tài của mình có ý nghĩa thực tiễn, có gắn liền với thực tế và có khả năng áp dụng, chuyển giao thực tế không.
Ví dụ: sinh viên lựa chọn nghiên cứu đề tài “Chính sách tiền tệ trong thời kì lạm phát ở Việt Nam”, đây là đề tài ban đầu có vẻ mang tính thời sự cao vì đề cập đến vấn đề lạm phát, tuy nghiên, với năng lực nghiên cứu và kiến thức còn giới hạn của sinh viên liệu có thực hiện được đề tài và đưa ra được những giải pháp mang tầm vĩ mô cho đề tài này trong một khoảng thời gian hạn chế không?
Thứ năm, lựa chọn đề tài thiếu tính sáng tạo và thời sự. Một đề tài sẽ được đánh giá cao nếu có tính mới và độc đáo, giải quyết được những vấn đề nóng bỏng bức thiết hiện nay. Hàng năm, có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được công bố ở nhiều lĩnh vực khác nhau vì thế có nhiều mảng đề tài đã được nghiên cứu nhiều và kỹ. Nếu sinh viên nghiên cứu lại những đề tài này nhưng lại không có sự sáng tạo sẽ dễ đi vào lối mòn và không mang lại giá trị.
Ví dụ: khi nghiên cứu về lĩnh vực marketing, sinh viên thường hay chọn đối tượng nghiên cứu là marketing hỗn hợp (marketing mix), marketing truyền thống, tuy nhiên môi trường kinh doanh luôn biến động không ngừng sẽ tạo ra một kết quả tất yếu đó là sự đổi mới trong phương pháp làm marketing của các doanh nghiệp. Việc nghiên cứ về marketing chung chung như thế sẽ dẫn đến lối mòn. Do đó, chúng ta có thể nghiên có thể tiếp cận những vấn đề, khía cạnh khác về marketing cụ thể như: marketing điện tử (digital marketing), marketing xã hội (social marketing), marketing truyền miệng (oral marketing), marketing xanh (green marketing),… hoặc có thể thay đổi phạm vi nghiên cứu về không gian, thời gian và phương pháp tiếp cận.
3. Một số lưu ý khi tìm kiếm đề tài nghiên cứu khoa học
Để có thể giúp sinh viên tránh được những sai sót và có thể tìm kiếm và lựa chọn đề tài NCKH, nhóm tác giả đưa ra một số gợi ý dưới đây. Khi thực hiện công việc tìm kiếm đề tài, sinh viên có thể xem xét thực hiện những công việc sau.
Thứ nhất, việc tìm kiếm đề tài nên xuất phát từ sự quan tâm của bản thân sinh viên về những vấn đề có liên quan tới địa phương, khu vực, hoặc vấn đề mang tính quốc gia đang được nhiều cộng đồng xã hội quan tâm có trong phạm vi chương trình. Ví dụ trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế Việt nam đang là một chủ đề nóng hổi mang tính thời sự cao với những vấn đề về sự bất ổn định giá vàng trong nước, tình hình nợ xấu của ngân hàng, những chính sách của chính phủ trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, hay thực trạng và giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu,… Trên cơ sở này, sinh viên lựa chọn nhóm ngành mà mình dự tính sẽ nghiên cứu. Theo quy định Bộ Giáo dục – Đào tạo có các nhóm ngành sau: Kinh doanh – quản lý (gồm 3 nhóm ngành nhỏ); khoa học xã hội (gồm 2 nhóm ngành nhỏ) và khoa học giáo dục (ĐHNT., 2012). Từ nhóm ngành này, sinh viên sẽ lựa chọn lĩnh vực mà mình quan tâm và dự định nghiên cứu. Ví dụ khi sinh viên chọn nhóm ngành kinh doanh – quản lý từ đó chọn lĩnh vực thuộc nhóm ngành này là lĩnh vực marketing.
Thứ hai, dành mười phút để liệt kê nhanh chóng những yếu tố có thể liên quan tới đề tài mà không cần phải tìm kiếm tài liệu, nghiên cứu sâu hay sửa chữa lỗi (Ruszkiewicz, J., & Pemberton, M., 2006.). Đây là cách thức giúp sinh viên có những ý niệm ban đầu về đề tài bắt đầu và tiếp tục triển khai những ý tưởng đã được viết ra. Cách liệt kê ý tưởng sẽ giúp sinh viên định hình được những vấn đề mà đề tài cần phải trả lời, đồng thời chỉ ra mối quan tâm thực sự của sinh viên sẽ nằm ở đâu trong việc nghiên cứu đề tài. Tiếp tục với lĩnh vực marketing ví dụ bên trên, sinh viên sẽ liệt kê những vấn đề về sản phẩm, nhu cầu khách hàng, định giá, nghiên cứu thị trường, chiến lược marketing, hoạt động marketing, công cụ marketing,….
Thứ ba, tìm kiếm những tài liệu liên quan tới đề tài ở trong thư viện ((Ruszkiewicz, J., & Pemberton, M., 2006.). Sinh viên nên có một cách tiếp cận gần hơn với đề tài bằng sử dụng một vài giờ trong việc đọc những tài liệu nghiên cứu, tìm kiếm sách tham khảo, hay truy cập những tài liệu trên nguồn thư viện của nhà trường. Tại giai đoạn này, từ những ý niệm ban đầu, sinh viên sẽ tìm kiếm những công trình nghiên cứu đã được thực hiện về vấn đề mà mình đang quan tâm để từ đó phác thảo những vấn đề quan trọng trong từng lĩnh vực cụ thể. Bước này sinh viên đã bắt đầu tập trung vào những khái niệm chung chung liên quan đến đề tài chứ cũng chưa đi vào chi tiết. Việc đọc tên đề tài nghiên cứu, đề cương và nội dung của những công trình nghiên cứu sẽ kiến thức cơ bản và tổng quan của đề tài cũng sẽ được hình thành trong thời gian này sẽ giúp ích rất nhiều cho giai đoạn sau khi thực hiện đề tài. Sinh viên nên tìm đọc danh sách những đề tài nghiên cứu của các cuộc thi NCKH trước đó, danh sách đề tài khóa luận tốt nghiệp, danh sách đề tài luận văn, khóa luận trong cùng lĩnh vực. Chính những tài liệu này sẽ giúp sinh viên có thể hình dung cụ thể hơn và đầy đủ hơn về lĩnh vực mà mình nghiên cứu. Chú ý ghi chú lại những tên đề tài quan tâm và phân loại chúng theo từng nhóm liên quan.
Thứ tư, tìm tài liệu trên Internet một cách phù hợp. Một trong những sai lầm của sinh viên hiện nay là phụ thuộc quá nhiều vào việc tìm kiếm tài liệu trên Internet và không biết cách xử lý thông tin và lựa chọn tài liệu dẫn đến mất thời gian và không khai thác được công cụ hữu ích này. Internet, cũng như những công cụ phục vụ cuộc sống con người khác, luôn có hai mặt, tích cực và tiêu cực. Để có thể tìm được thông tin bổ ích giúp cho việc học tập và về xã hội, sinh viên nên có một số hiểu biết để nhanh chóng tìm được tài liệu cần thiết. Khi tìm kiếm tài liệu trên Internet sinh viên nên sử dụng “từ khóa”. Ngoại trừ những chủ đề hết sức đặc biệt, mà bản thân tên gọi chủ đề đã là một từ khóa tốt giới hạn ngay lập tức phạm vi tìm hiểu, thì từ khóa phải được xác định dần dần, từ tổng quát đến chi tiết, làm sao để tìm được những khái niệm đặc trưng nhất, có tính đại diện cao nhất cho chủ đề đang tìm hiểu. Chọn các thuật ngữ từ tổng quát để từ đó xác định các khái niệm cơ bản được sử dụng trong từng chuyên ngành. Ví dụ: khi muốn nghiên cứu về lĩnh vực Marketing, từ khóa đầu tiên là “marketing”, sau đó sẽ xuất hiện các từ khóa chi tiết khác như “marketing mix”, “marketing xanh”, “hoạt động marketing”, “marketing trực tuyến”,… Sau khi xác định được các từ khóa, sinh viên có thể xử dụng các công cụ tìm kiếm trên Internet không chỉ tại những công cụ phổ Google, Yahoo mà từ các trang web của các tổ chức liên quan như: các cơ quan chính phủ, các thư viện điện tử của các trường đại học, Viện nghiên cứu, hiệp hội,… Sinh viên cần chú ý độ tin cậy của nguồn tài liệu mà mình tham khảo.
Thứ năm, liên hệ và trao đổi với giáo viên hướng dẫn. Một trong những công việc mà sinh viên nên làm khi tìm kiếm đề tài là liên hệ và trao đổi với giáo viên hướng dẫn. Giáo viên hướng dẫn là người có chuyên môn và đã có nghiên cứu về lĩnh vực phụ trách, sinh viên nên mạnh dạn và chủ động trao đổi hỏi ý kiến (bằng cách gặp trực tiếp hoặc email) để có những gợi ý và hướng dẫn cụ thể về hướng hoặc nhóm đề tài. Tuy nhiên, trước khi trao đổi với giáo viên hướng dẫn, sinh viên cần phải có lĩnh vực mà mình quan tâm và một số phạm vi hẹp hơn trong lĩnh vực đó. Nếu có thể, sinh viên cần có một số tên đề tài (khoảng từ 3 – 5 tên đề tài) mà mình dự tính sẽ thực hiện. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ có những gợi ý và hướng dẫn cụ thể, hiệu quả và tiết kiệm thời gian.
4. Lưu ý khi lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học
Sau khi, thực hiện tìm kiếm đề tài thông qua những gợi ý trên, sinh viên sẽ có cho mình một số lượng nhất định những đề tài trong lĩnh vực mà dự định sẽ nghiên cứu một các khá chi tiết và cụ thể. Sau đó, sinh viên sẽ tiến hành công việc lựa chọn đề tài chính thức để nghiên cứu. Dưới đây là một số lưu ý khi thực hiện công việc lựa chọn đề tài NCKH.
Thứ nhất, việc lựa chọn đề tài phải xuất phát từ ý tưởng, định hướng nghiên cứu. Sau khi đã tìm kiếm được và có được những ý niệm cơ bản về lĩnh vực mà sinh viên quan tâm. Chính ý tưởng và định hướng ban đầu sẽ giúp sinh viên lựa chọn được đề tài nghiên cứu trong số những đề tài đã được tìm ra. Một sai sót của sinh viên đó là thường đi ngược lại với quy trình này. Sinh viên thường có tên đề bất kỳ nảy sinh từ đó mới hình dung ra ý tưởng và định hướng nghiên cứu, sau đó từ đây gượng ép để xác định mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu. Điều này là một việc làm không khoa học và thường không có kết quả tốt. Sinh viên cần phải nhớ luôn trả lời câu hỏi “mục đích của việc nghiên cứu đề tài là gì?”. Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ là căn cứ vững chắc cho việc lựa chọn đề tài nghiên cứu.
Thứ hai, việc lựa chọn đề tài phải dựa vào tiêu chí của cuộc thi. Kết quả cuộc thi sẽ thể hiện đánh giá và thành quả mà sinh viên đã thực hiện. Bất cứ cuộc thi nào cũng có những tiêu chí riêng của nó. Sinh viên cần nghiên rõ mục đích, phạm vi và tiêu chí của cuộc sinh mà mình tham gia bằng việc tìm hiểu và nghiên cứu kỹ quy định, thể lệ của cuộc thi để từ đó có thể lựa chọn đề tài và hướng đề tài đáp ứng những tiêu chí về nội dung khoa học, ý nghĩa lý luận và thực tiễn, phương pháp nghiên cứu, tính thời sự, khả năng chuyển giao, áp dụng thực tế,…. Chẳng hạn đối với cuộc thi thiên về học thuật và đòi hỏi tính khoa học cao sinh viên có thể lựa chọn những đề tài mang tính hàn lâm. Trong khi đó, đối với các cuộc thi với tiêu chí mang tính ứng dụng thực tiễn và chuyển giao cao sinh viên có thể lựa chọn những đề tài cụ thể như: Xây dựng từ điển chuyên ngành Marketing, Văn hóa hẻm ở địa bàn Tp. Hồ Chí Minh,…
Thứ ba, việc lựa chọn đề tài dựa trên năng lực nghiên cứu và thời gian thực hiện. Trước khi quyết định nghiên cứu khoa học sinh viên cần tìm hiểu và trả lời các câu hỏi: nghiên cứu khoa học là gì? Có những phương pháp nghiên cứu khoa học nào? Đối tượng nghiên cứu là gì? Phạm vi nghiên cứu (về không gian và thời gian)? Từ đó, với mỗi đề tài, sinh viên cần xác định rõ phương pháp nghiên cứu cần áp dụng để thực hiện đề tài và tính khả thi trong việc triển khai thực hiện. Chẳng hạn, đề tài có cần áp dụng các phương pháp nghiên cứu thực tiễn không? Có cần áp dụng phương pháp điều tra, khảo sát thực tế hay phỏng vấn chuyên gia không? (Hieu. N., 2009) Cần xác định rõ đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài. Trên những cơ sở đó cùng với năng lực và thời gian thực hiện để chọn những đề tài vừa sức, phù hợp với năng lực và kiến thức chuyên môn và không quá tốn nhiều thời gian thực hiện việc thu thập tài liệu, khảo sát thực tế, xử lý số liệu,… Chẳng hạn, đối với đề tài phức tạp và đòi hỏi nghiên cứu sâu như: một số chỉ tiêu đánh hiệu quả hoạt động tín dụng của Ngân hàng thương mại, chỉ tiêu đánh giá hiệu chiến lược marketing xã hội của doanh nghiệp Việt Nam, đánh giá hiệu hoạt động xuất nhập khẩu… thông thường là quá sức đối với sinh viên. Từ những ý niệm ban đầu về lĩnh vực nghiên cứu, sinh viên có thể thu hẹp đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu về không gian và thời gian để từ đó có được đề tài phù hợp.
Ví dụ: Ban đầu sinh viên dự định nghiên cứu về nhóm ngành kinh doanh – quản lý và cụ thể chọn lĩnh vực marketing. Có tên đề tài: “Hoạt động Marketing tại Việt Nam” đây là đề tài quá chung chung và có phạm vi nghiên cứu quá rộng. Sinh viên cần xác định rõ đối tượng nghiên cứu, ta có đề tài: “Hoạt động Marketing nhằm thu khách du lịch đến Việt Nam”, có thể sinh viên thu hẹp đối tượng nghiên cứu thành đề tài: “Hoạt động Marketing nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”, tiếp theo, sinh viên có thể thu hẹp phạm vi nghiên cứu về không gian ta có đề tài: “Hoạt động Marketing nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Thành phố Đà Nẵng”. Sinh viên có thể thu hẹp phạm vi nghiên cứu về thời gian, ta có đề tài: “Hoạt động Marketing nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2012 – 2020”.
Trên đây là thông tin và một số lưu ý khi tìm kiếm và lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học mà eLib chia sẽ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức cũng như áp dụng chúng vào bài viết nghiên cứu khoa học của mình.
Tham khảo thêm
- doc Chia sẻ kinh nghiệm và lợi ích của nghiên cứu khoa học đối với sinh viên
- doc Những điểm cần lưu ý trong nghiên cứu khoa học
- doc Các lưu ý cần nhớ khi đặt tên đề tài nghiên cứu khoa học
- doc Các nội dung nào cần chú ý khi viết nghiên cứu khoa học