12 Lưu ý khi soạn thảo hợp đồng thương mại
Để viết một hợp đồng thương mại đúng quy định các bạn cần nắm các lưu ý sau đây như: hình thức hợp đồng; các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng; căn cứ ký kết hợp đồng; biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng;...Mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây để nắm chi tiết các lưu ý khi soạn thảo hợp đồng thương mại.
Lưu ý về hình thức hợp đồng
Các bên có quyền tự do quyết định hình thức của hợp đồng, có thể bằng lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể, trừ những trường hợp pháp luật chuyên ngành yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng một hình thức cụ thể nào đó.
Trong trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được lập thành văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì doanh nghiệp cần phải tuân theo các quy định đó. Đối với một số loại hợp đồng mà pháp luật yêu cầu phải công chứng, chứng thực thì những loại hợp đồng đó phải được đem đi công chứng hoặc chứng thực thì mới có hiệu lực.
Lưu ý về các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng
Điều kiện về nguyên tắc các bên tự nguyện, tự do, bình đẳng thoả thuận nội dung hợp đồng: các bên có quyền tự do, bình đẳng thoả thuận nội dung hợp đồng, tuy nhiên thỏa thuận đó không được vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Điều kiện về đối tượng của hợp đồng: đối tượng hợp đồng phải là những hàng hoá mà pháp luật không cấm và không trái đạo đức xã hội.
Điều kiện về năng lực ký kết của các bên tham gia ký kết hợp đồng: Các bên tham gia ký kết hợp đồng phải có năng lực hành vi dân sự.
Lưu ý về căn cứ ký kết hợp đồng
Ở phần này, các bên thường đưa ra các căn cứ làm cơ sở cho việc thương lượng, ký kết và thực hiện hợp đồng; có thể là văn bản pháp luật điều chỉnh, văn bản uỷ quyền, nhu cầu và khả năng của các bên.
Trong một số trường hợp, khi các bên lựa chọn một văn bản pháp luật cụ thể để làm căn cứ ký kết hợp đồng thì được xem như đó là sự lựa chọn luật điều chỉnh. Do đó cũng phải hết sức lưu ý khi đưa các văn bản pháp luật vào phần căn cứ của hợp đồng, chỉ sử dụng khi biết văn bản đó có điều chỉnh quan hệ trong hợp đồng và còn hiệu lực.
Ví dụ: Một doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng mua bán hàng hoá với một doanh nghiệp nước ngoài mà có thoả thuận về căn cứ ký kết hợp đồng là:
Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại 2005 của Việt Nam để ký kết, thực hiện hợp đồng thì hai luật này sẽ là luật điều chỉnh đối với các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp (nếu có).
Lưu ý về điều khoản “Giải thích thuật ngữ”
Hợp đồng thương mại là một dạng hợp đồng không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật mà còn bị ảnh hưởng bởi các thói quen thương mại, thông lệ, tập quán và pháp luật quốc tế,..là những hợp đồng mang tính chất chuyên ngành cao, nội dung phức tạp và liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành đặc thù.
Do đó, để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng một cách thuận lợi, thì việc đưa ra các khái niệm cho những nội dung cần được hiểu và áp dụng thống nhất, khoa học là rất quan trọng. Việc làm này là cần thiết nhằm tránh tình trạng có phát sinh xung đột, tranh cãi giữa các bên về cách hiểu của nội dung đó cũng như kiểm soát được tình trạng áp dụng tuỳ tiện các điều khoản của hợp đồng gây ra tình trạng phá vỡ hợp đồng.
Lưu ý về điều khoản “Đối tượng của hợp đồng”
Hợp đồng thương mại là hợp đồng nói chung của rất nhiều hoạt động thương mại. Trên thực tế, đối với mỗi hoạt động thì tên hợp đồng được ghi cụ thể hơn. Ví dụ như hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công hàng hóa… Do vậy, đối với mỗi loại hợp đồng thì đối tượng của nó là khác nhau.
Đối với hợp đồng dịch vụ hoặc gia công hàng hóa… đối tượng của nó là các công việc cụ thể. Những công việc này phải được xác định rõ ràng: Cách thức thực hiện, trình độ chuyên môn, người trực tiếp thực hiện, kết quả sau khi thực hiện.
Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa: Đối tượng của hợp đồng là hàng hóa được mua bán. Khi soạn thảo, các bên phải xác định rõ tên hàng hóa, loại hàng hóa, chất lượng hàng hóa, số lượng hàng hóa… tất cả các yếu tố trên phải được xác định rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng.
Lưu ý về điều khoản “Giá cả”
Các bên khi thoả thuận về giá cả cần đề cập các nội dung sau: Đơn giá, tổng giá trị và đồng tiền thanh toán.
Về đơn giá, các bên có thể xác định giá cố định hoặc đưa ra cách xác định giá. Thông thường, giá sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường hoặc theo sự thay đổi của các yếu tố tác động đến giá sản phẩm.
Lưu ý về điều khoản “Thanh toán”
Trong điều khoản này, các bên cần có thỏa thuận về phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán và thời hạn thanh toán.
Đối với phương thức thanh toán: Các bên có thể lựa chọn một trong các phương thức thanh toán phổ biến hiện nay như: thanh toán trực tiếp; thanh toán thông qua chuyển khoản; thanh toán nhờ thu và tín dụng chứng từ L/C (thường được sử dụng đối với hợp đồng thương mại quốc tế).
Đối với đồng tiền thanh toán: Các bên thỏa thuận cụ thể đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng hoặc USD hay một đồng tiền khác tùy theo ý trí các bên. Tuy nhiên chỉ nên để một loại đồng tiền thanh toán duy nhất.
Đối với thời hạn thanh toán: Mặc dù pháp luật quy đinh các bên không thỏa thuận thời hạn thanh toán thì vẫn có phương thức xác định. Tuy nhiên, các bên vẫn nên thỏa thuận một thời hạn thanh toán cụ thể. Thời hạn thanh toán có thể là một lần hoặc nhiều lần theo tiến độ của hợp đồng.
Lưu ý về điều khoản “Phạt vi phạm”
Đây là điều khoản các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên nếu các bên không thỏa thuận điều khoản này thì khi xảy ra vi phạm, các bên sẽ không được phạt vi phạm hợp đồng. Do vậy, để đề phòng thì các bên nên quy thỏa thuận điều khoản này trong hợp đồng.
Các bên thỏa thuận cụ thể mức phạt vi phạm, nhưng không được vượt quá 8% giá trị hợp đồng.
Các bên có thể thỏa thuận cụ thể chỉ một số trường hợp vi phạm mới bị phạt vi phạm hoặc tất cả các vi phạm đều bị áp dụng.
Lưu ý về điều khoản “Quyền và nghĩa vụ của các bên”
Pháp luật có quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản cho các bên. Thực tế, các bên có thể thỏa thuận thêm một số quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với giao dịch của mình để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp.
Lưu ý về điều khoản “Giải quyết tranh chấp”
Riêng đối với các giao dịch thương mại, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Tòa án hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp phát sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tranh chấp chỉ được giải quyết bởi Tòa án, Trọng tài thương mại không có thẩm quyền giải quyết.
Trọng tài thương mại chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi có tranh chấp phát sinh.
Đối với các hợp đồng thương mại giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài thì các bên cần lưu ý thêm về pháp luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp.
Lưu ý về điều khoản “Mục lục hợp đồng”
Tuỳ thuộc vào từng loại hợp đồng, nội dung, quy mô và tính chất của hợp đồng mà các hợp đồng ngoài bản chất thì còn có các mục lục hợp đồng. Mục lục hợp đồng là cần thiết và hỗ trợ đắc lực cho quá trình soạn thảo, đàm phán và thực thi hợp đồng.
Lưu ý về biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng
Các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng bao gồm: cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh và tín chấp. Theo các quy định của pháp luật hiện hành thì các bên trong hợp đồng có quyền tự chủ, tự do cam kết và tự do thoả thuận đồng thời các bên cũng phải tự chịu trách nhiệm đối với các cam kết, thoả thuận của mình.
Trong số các biện pháp thực hiện nghĩa vụ dân sự thì các biện pháp cầm cố và thế chấp thường được các bên áp dụng nhiều nhất, pháp luật dân sự về các biện pháp đảm bảo này cũng được cụ thể và rõ ràng hơn.
Tham khảo thêm
- docx Hướng dẫn soạn hợp đồng thương mại
- rar Mẫu hợp đồng nhượng quyền thương mại mới nhất
- docx Hợp đồng ngoại thương và các điều cần lưu ý