Luật quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Quốc hội ban hành Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017. Mời các bạn cùng tham khảo
Mục lục nội dung
QUỐC HỘI -------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Luật số: 05/2017/QH14 | Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2017 |
LUẬT
QUẢN LÝ NGOẠI THƯƠNG
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật Quản lý ngoại thương.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan quản lý nhà nước.
2. Thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương.
3. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động ngoại thương là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Các biện pháp kỹ thuật là các biện pháp áp dụng với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, đo lường.
3. Các biện pháp kiểm dịch bao gồm các biện pháp kiểm dịch động vật và các sản phẩm từ động vật, kiểm dịch thực vật và kiểm dịch y tế biên giới theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
4. Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.
5. Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam là thương nhân nước ngoài không có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo các hình thức được quy định trong pháp luật về đầu tư, thương mại, doanh nghiệp; không có văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thương mại, doanh nghiệp.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương
1. Nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu.
3. Bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hoạt động ngoại thương theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 5. Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu
1. Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện như sau:
a) Thương nhân được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;
b) Thương nhân khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo giấy phép, theo điều kiện phải đáp ứng các yêu cầu về giấy phép, điều kiện;
c) Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.
2. Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu đối với thương nhân Việt Nam là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như sau:
a) Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bộ Công Thương công bố Danh mục hàng hóa, lộ trình thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Thực hiện quyền xuất khẩu thông qua mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu;
c) Thực hiện quyền nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam dưới hình thức đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam.
3. Thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thuộc các nước, vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải được quy định, công bố chi tiết tương ứng với phân loại hàng hóa của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo quy định của pháp luật về hải quan.
5. Chính phủ quy định chi tiết điểm b, điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Điều 6. Trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ngoại thương.
2. Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về ngoại thương và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, ban hành chiến lược, kế hoạch, chính sách quản lý, phát triển hoạt động ngoại thương, phát triển thị trường khu vực và thế giới, hội nhập kinh tế trong từng thời kỳ; quyết định việc thực hiện một số biện pháp quản lý theo quy định của Luật này;
b) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngoại thương;
c) Hướng dẫn, phổ biến, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật;
d) Cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động ngoại thương và quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;
đ) Quản lý hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
e) Chỉ đạo về nghiệp vụ đối với đại diện thương mại thuộc cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là đại diện thương mại);
g) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tham gia đàm phán, ký kết, điều phối việc thực hiện điều ước quốc tế trong lĩnh vực ngoại thương; đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, xử lý các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu trong phạm vi thẩm quyền và giám sát chung việc thực hiện điều ước quốc tế của các đối tác;
h) Tham mưu giúp Chính phủ trong việc tham gia giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương;
i) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý ngoại thương theo thẩm quyền;
k) Thực hiện các biện pháp kỹ thuật thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp đàm phán điều ước quốc tế và giám sát việc thực hiện cam kết của các đối tác, xử lý các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu trong phạm vi thẩm quyền; quản lý ngoại thương và phát triển hoạt động ngoại thương theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo, chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động ngoại thương, quản lý ngoại thương;
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về thuế, phí, lệ phí đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến quản lý ngoại thương theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; chỉ đạo cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát, thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan;
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm và các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật;
d) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kiểm dịch y tế biên giới, an toàn thực phẩm và các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật;
đ) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, tổ chức thực hiện biện pháp kỹ thuật thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
4. Chính quyền địa phương cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngoại thương tại địa phương theo quy định của Luật này và phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ;
b) Chủ trì, phối hợp với tổ chức, cá nhân có liên quan trong đề xuất các đề án, dự án phát triển hoạt động ngoại thương tại địa phương;
c) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về ngoại thương tại địa phương;
d) Duy trì, cập nhật, cung cấp thông tin cho các hệ thống thông tin về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, xúc tiến thương mại;
đ) Thực hiện, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất phục vụ công tác quản lý nhà nước về ngoại thương tại địa phương.
Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý ngoại thương
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, cản trở hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp, xâm phạm quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân quy định tại Điều 5 của Luật này.
2. Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục.
3. Tiết lộ thông tin bảo mật của thương nhân trái pháp luật.
4. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 và khoản 1 Điều 14 của Luật này; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện mà không có giấy phép, không đáp ứng đủ điều kiện; hàng hóa không đi qua đúng cửa khẩu quy định; hàng hóa không làm thủ tục hải quan hoặc có gian lận về số lượng, khối lượng, chủng loại, xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có tem nhưng không dán tem.
5. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mà vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của Luật này.
6. Gian lận, làm giả giấy tờ liên quan đến hoạt động quản lý ngoại thương.
Chương II
CÁC BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH
Mục 1. CẤM XUẤT KHẨU, CẤM NHẬP KHẨU, TẠM NGỪNG XUẤT KHẨU, TẠM NGỪNG NHẬP KHẨU
Tiểu mục 1. CẤM XUẤT KHẨU, CẤM NHẬP KHẨU
Điều 8. Biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu
1. Cấm xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
2. Cấm nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
Điều 9. Áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu
1. Áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
c) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục;
d) Gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
đ) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 10. Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu
1. Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh.
3. Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định tại Mục 8 Chương này.
Tiểu mục 2. TẠM NGỪNG XUẤT KHẨU, TẠM NGỪNG NHẬP KHẨU
Điều 11. Biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
1. Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.
2. Tạm ngừng nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.
Điều 12. Áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
1. Áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương quy định tại Chương V của Luật này;
b) Hàng hóa thuộc trường hợp quy định tại Điều 9 của Luật này nhưng chưa có trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
2. Biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu bị bãi bỏ khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc hàng hóa không còn thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 13. Thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác.
2. Bộ Công Thương thông báo với các tổ chức kinh tế quốc tế, các nước có liên quan theo thủ tục đã thỏa thuận khi có quyết định về việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 14. Các trường hợp ngoại lệ
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh, trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác.
2. Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định tại Mục 8 Chương này.
Mục 2. HẠN CHẾ XUẤT KHẨU, HẠN CHẾ NHẬP KHẨU
Tiểu mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 15. Biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu
1. Hạn chế xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng nhằm hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu, cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa, quyền xuất khẩu hàng hóa của thương nhân.
2. Hạn chế nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng nhằm hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu, cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa, quyền nhập khẩu hàng hóa của thương nhân.
Điều 16. Các trường hợp ngoại lệ
1. Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu quy định tại Mục này không vì mục đích thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu quy định tại Mục này đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định tại Mục 8 Chương này.
Tiểu mục 2. HẠN NGẠCH XUẤT KHẨU, HẠN NGẠCH NHẬP KHẨU
Điều 17. Biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu
1. Hạn ngạch xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
2. Hạn ngạch nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng để hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam.
Điều 18. Áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu
1. Áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Đối với hàng hóa bảo đảm cân đối vĩ mô, tăng trưởng kinh tế theo từng thời kỳ;
c) Khi nước nhập khẩu áp dụng biện pháp hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
2. Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
Điều 19. Thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu
1. Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức khác có liên quan để quyết định việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
2. Bộ Công Thương công bố hàng hóa cần áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu.
Tiểu mục 3. HẠN NGẠCH THUẾ QUAN
Điều 20. Biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu
1. Hạn ngạch thuế quan xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu với thuế suất cụ thể.
2. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu với thuế suất ưu đãi hơn so với mức thuế suất ngoài hạn ngạch.
Điều 21. Áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu
1. Áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa được dùng để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu.
3. Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.
Điều 22. Thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định lượng hạn ngạch thuế quan đối với từng hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Bộ Công Thương công bố việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan và quyết định phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan.
Tiểu mục 4. CHỈ ĐỊNH CỬA KHẨU XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
Điều 23. Biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu
Chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định cửa khẩu được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nhất định.
Điều 24. Áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu
1. Áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu nhằm quản lý, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chống chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận thương mại, bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; phù hợp với điều kiện hạ tầng vật chất, kỹ thuật của từng cửa khẩu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Việc áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Thương nhân có quyền tự do lựa chọn cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong các cửa khẩu đã được chỉ định.
Điều 25. Thẩm quyền áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu
1. Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan quyết định, công bố hàng hóa, cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng và lộ trình thực hiện.
2. Quyết định áp dụng biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 45 ngày trước ngày có hiệu lực.
Tiểu mục 5. CHỈ ĐỊNH THƯƠNG NHÂN XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
Điều 26. Biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu
Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu đối với một số loại hàng hóa nhất định.
Điều 27. Áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu
1. Áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
b) Hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại;
c) Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương quy định tại Chương V của Luật này.
2. Việc áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch; bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của thương nhân được chỉ định thực hiện hoạt động ngoại thương.
Điều 28. Thẩm quyền áp dụng biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu
1. Chính phủ quy định Danh mục hàng hóa và điều kiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa theo Danh mục.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý và chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện hoạt động ngoại thương của thương nhân được chỉ định.
Mục 3. QUẢN LÝ THEO GIẤY PHÉP, THEO ĐIỀU KIỆN XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
Điều 29. Biện pháp quản lý theo giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu
1. Quản lý theo giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là quản lý theo giấy phép) là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương cho thương nhân để thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
2. Quản lý theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là quản lý theo điều kiện) là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quy định điều kiện về chủ thể kinh doanh, chủng loại, số lượng, khối lượng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, địa bàn mà thương nhân phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nhưng không cần phải cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
Điều 30. Áp dụng biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện
1. Chỉ áp dụng biện pháp quản lý theo điều kiện trong các trường hợp cần thiết vì lý do trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuần phong mỹ tục, bảo vệ môi trường.
2. Việc áp dụng biện pháp quản lý theo giấy phép, theo điều kiện phải bảo đảm công khai, minh bạch; tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước và của thương nhân.
3. Trên cơ sở tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
--- Nhấn nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ nội dung Luật số: 05/2017/QH14 ----
Tham khảo thêm
- doc Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức số 52/2019/QH14
- doc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13
- doc Luật cán bộ, công chức số 22/2008/QH12
- doc Luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13
- doc Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam số 49/2019/QH14
- doc Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
- doc Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13
- doc Luật sửa đổi về xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
- doc Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13