Lọ nồi Hải Nam - Trị các bệnh ngoài da
Lọ nồi Hải Nam là cây gỗ lớn thuộc họ Chùm bao, mọc trong các rừng nhiệt đới thường xanh ở nước ta, có vị cay, tính nóng, có độc, được dùng trị phong hủi và các bệnh ngoài da. Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.
Mục lục nội dung
Lọ nồi Hải Nam, Nang rừng Hải Nam- Hydnocarpas hainamensis (Merr.) Sleum, thuộc họ Chùm bao -Kiggelariaceae.
1. Mô tả
Cây gỗ lớn cao tới 15m, đường kính 30-50cm, nhánh không lông, xám vàng vàng. Lá có phiến hình trái xoan thuôn, dài 9-21cm, rộng 3,5-6cm, chót có mũi nhọn dài, gốc tù, dai, không lông, gân phụ 7-8 đôi, thường lồi hai mặt, mặt trên xám nâu, mặt dưới gần cùng màu; cuống lá dài 1 - 1,5cm. Cụm hoa chùm dạng tán, đơn tính, khác gốc, cao 5-7mm, 1-2 cái ở nách lá, không lông, hoa đực có 4-5 lá đài, 4-5 cánh hoa, 10-12 nhị; hoa cái có đài và tràng giống hoa đực, 15 nhị lép, bầu 1 ô, hình trứng, có 3-6 giá noãn. Quả hình cầu to 4-5cm, vàng vàng hay nâu nâu, phủ lông màu nâu đen, chứa khoảng 20 hạt hình trứng hay trái xoan 3 góc, to 2,5 x 1,5cm.
Hoa tháng 5-6, quả tháng 8-9.
2. Bộ phận dùng
Hạt - Semen Hydnoccarpi Hainamensis, thường dùng ở Trung Quốc với tên Đại phong tử.
3. Nơi sống và thu hái
Cây phân bố ở Nam Trung Quốc và Việt Nam.
Ở nước ta cây mọc ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phú (Tam Đảo) Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh... trong các rừng nhiệt đới thường xanh. Người ta cũng thu hái quả vào mùa quả chín (tháng 9-10) rồi đập vỡ vỏ lấy hạt phơi khô.
4. Thành phần hoá học
Nhân hạt chứa dầu. Thành phần chủ yếu của dầu này là glycerid của acid chaulmoogric.
5. Tính vị, tác dụng
Hạt Lọ nồi Hải Nam có vị cay, tính nóng, có độc, có tác dụng khư phong, công độc, sát trùng.
6. Công dụng, chỉ định và phối hợp
Thường dùng trị phong hủi và các bệnh ngoài da.
Hy vọng những thông tin vừa được chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích về cây Lọ nồi Hải Nam. Để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn đọc nên tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn của lương y.