Liên kiều - Chữa đinh nhọt, tràng nhạc, đờm hạch, nhũ ung, đan độc, cảm mạo phong nhiệt, ghẻ lờ

Liên kiều là vị thuốc có tác dụng tan mủ, giải độc, tiêu viêm và trừ nhiệt. Từ rất lâu dược liệu này đã được sử dụng trong các bài thuốc chữa mụt nhọt, lao hạch, sưng vú, viêm cầu thận…Để biết được công dụng trong y học của vị thuốc mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Liên kiều - Chữa đinh nhọt, tràng nhạc, đờm hạch, nhũ ung, đan độc, cảm mạo phong nhiệt, ghẻ lờ

Quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Liên kiều (Forsythia suspensa (Thunb.) Vahl.), họ Nhài (Oleaceae).

1. Mô tả

Quả hình trứng đến hình trứng hẹp, hơi dẹt, dài 1,5 - 2,5 cm, đường kính 0,5-1,3 cm. Mặt ngoài có vết nhăn dọc không đều và nhiều chấm nhỏ nhô lên. Mỗi mặt có một rãnh dọc.

Đỉnh nhỏ, nhọn, đáy có cuống quả nhỏ hoặc vết cuống đã rụng. Có 2 loại quả Liên kiều là Thanh kiều và Lão kiều. Thanh kiều thường không nứt ra, màu nâu lục, chấm nhỏ màu trắng sáng nhô lên ít, chất cứng, hạt nhiều, màu vàng lục, nhỏ dài, một bên có cánh. Lão kiều nứt ra từ đỉnh hoặc nứt thành 2 mảnh, mặt ngoài màu nâu vàng hoặc nâu đỏ, mặt trong màu vàng nâu nhạt, trơn phẳng, có 1 vách ngăn dọc. Chất giòn dễ vỡ. Hạt màu nâu,  dài 5-7mm, một bên có cánh, phần lớn đã rụng. Mùi thơm nhẹ, vị đắng.

2. Vi phẫu

Mặt cắt ngang vỏ quả: Vỏ ngoài là một hàng tế bào biểu bì có phủ một lớp cutin, thành phía ngoài và bên dày dần lên. Vỏ quả giữa gồm tế bào mô mềm ở phía ngoài với các bó mạch rãi rác và nhiều hàng tế bào đá ở phía trong, tế bào hình dây dài, hình gần tròn hoặc hình bầu dục, thành dày mỏng không đều, thường xếp theo dạng tiếp tuyến xen kẽ,  kéo dài tới vách ngăn dọc.

3. Bột

Bột có màu vàng nâu nhạt, mùi rất thơm, vị hơi chát. Dưới kính hiển vi thấy: Mảnh tế bào mô cứng hoặc tế bào mô cứng riêng lẽ gồm các tế bào hình bầu dục, thuôn dài hoặc gần tròn, thành dầy, ống trao đổi có thể nhìn thấy rõ hoặc không rõ. Mảnh tế bào vỏ quả màu vàng nhạt (vỏ quả giữa) hoặc vàng nâu (vỏ quả ngoài) gồm các tế bào hình đa giác, thành mỏng. Mảnh mạch vạch có kích thước nhỏ và ít thấy. Khối nhựa màu nâu đỏ. Mảnh nội nhũ gồm tế bào hình đa giác thành mỏng, trong suốt không màu, chứa nhiều giọt dầu béo. Tế bào vỏ hạt màu nâu đen nằm rải rác trong các tế bào vỏ quả ngoài hay trong tế bào nội nhũ.

4. Định tính

A. Lấy 1g bột dược liệu, thêm vào 15ml methanol (TT), đun cách thủy 2 phút, lọc, dịch lọc được làm các phản ứng sau:

Lấy 5 ml dịch lọc, cô đến cắn, hòa tan cắn trong 1 ml anhydrid acetic (TT) và 1 ml cloroform (TT), khuấy kỹ cho tan, lọc, cho dịch lọc vào ống nghiệm khô rồi cẩn thận thêm từ từ 0,5 ml acid sulfuric (TT). Màu tím đỏ xuất hiện giữa 2 lớp dung dịch.

Lấy 5ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, cho thêm 0,1 g bột magnesi (TT) và 1 ml acid hydrocloric (TT), để yên, sẽ xuất hiện màu từ đỏ nhạt đến đỏ vàng.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

  • Bản mỏng: Silicagel G đã hoạt hoá ở 110OC trong khoảng 1 giờ.
  • Dung môi khai triển: Cyclohexan – ethylacetat - acid formic   ( 8,5 : 1,5 : 0,5)
  • Dung dịch thử: Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 30 ml ethanol (TT), siêu âm 15 phút 3 ở 40 oC. Lọc, bốc hơi dịch chiết tới cắn. Hoà cắn trong 1 ml ethanol (TT) làm dung dịch thử.
  • Dung dịch đối chiếu: Lấy 1 g bột Liên kiều (mẫu chuẩn), tiến hành chiết như mẫu thử.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra để khô ở nhiệt đô phòng rồi phun dung dịch vanilin 2% trong acid sulfuric (TT). Sấy khô bản mỏng ở 100 oC tới khi các vết xuất hiện rõ. Sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết có cùng màu sắc và giá trị Rf, với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm: Không quá 10%.

Tạp chất: Không quá 3% ( đối với Thanh kiều), không quá 9% (đối với Lão kiều).

Tro toàn phần: Không được quá 4.0%.

Chất chiết được trong dược liệu

Dược liệu phải chứa không dưới 30% (đối với Thanh kiều) và không dưới 16% (đối với Lão kiều) tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh. Dùng  ethanol 65%  làm dung môi.

5. Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu, nếu hái những quả gần chín và hơi xanh lục, loại bỏ tạp chất, đồ chín và phơi khô gọi là thanh kiều, nếu hái những quả đã chín nục, phơi khô và loại bỏ tạp chất gọi là lão kiều.

6. Bào chế

Loại bỏ tạp chất, loại bỏ cuống, sát cho nứt quả, sàng bỏ hạt, lõi, phơi hoặc sấy khô.

7. Bảo quản

Nơi khô ráo.

Tính vị, qui kinh

Khổ, vi hàn. Quy vào kinh tâm, đởm, tam tiêu, đại tràng.

8. Công năng, chủ trị

Thanh nhiệt giải độc, tiêu sưng tán kết. Chủ trị: Đinh nhọt, tràng nhạc, đờm hạch, nhũ ung, đan độc (viêm quầng đỏ); cảm mạo phong nhiệt, ôn bệnh vào tâm bào sốt cao gây háo khát, tinh thần hôn ám (mê sảng), phát ban; lâm lậu kèm bí tiểu tiện.

9. Cách dùng, liều lượng

Ngày 6 – 15 g, phối ngũ trong các bài thuốc.

Kiêng kỵ

Không dùng cho người tỳ vị hư hàn, âm hư nội nhiệt, nhọt đã vỡ song mủ loãng.

Dược liệu liên kiều mặc dù được dùng khá phổ biến nhưng nếu không thận trọng có thể gặp tác dụng phụ. Những thông tin mà bài viết trên tổng hợp được về dược liệu này chỉ có giá trị tham khảo. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn cần tham vấn bác sĩ trước khi áp dụng các bài thuốc dân gian từ liên kiều.

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM