Bệnh kiết lỵ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Kiết lỵ là một bệnh đường ruột gây ra do vi khuẩn như salmonella và shigella. Để chữa bệnh kiết lỵ, bạn cần bổ sung chất lỏng bị mất đi do tiêu chảy. Dưới đây là một số thông tin về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh kiết lỵ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh kiết lỵ là gì?

Kiết lỵ là một bệnh đường ruột gây ra do vi khuẩn như salmonella và shigella. Những vi khuẩn này có thể được truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các vi khuẩn có trong phân. Chúng cũng có thể lây nhiễm qua các thực phẩm bị ô nhiễm hoặc nước uống hoặc bơi lội trong nước bị ô nhiễm.

Mức độ phổ biến của bệnh kiết lỵ như thế nào?

Kiết lỵ là bệnh phổ biến, có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, kiết lỵ ở trẻ em từ 2-4 tuổi xảy ra thường xuyên hơn. Kiết lỵ phổ biến trong mùa hè hơn mùa đông. Bệnh này có thể được quản lý bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

2. Triệu chứng

Bệnh kiết lỵ kéo dài bao lâu?

Các triệu chứng bệnh kiết lỵ thường gặp là tiêu chảy (thường có máu), sốt và đau quặn bụng, bắt đầu 1 hoặc 2 ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn. Kiết lỵ thường kéo dài 5-7 ngày. Ở một số người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, tiêu chảy có thể rất nghiêm trọng cần phải nhập viện. Một số người bị nhiễm khuẩn có thể không có triệu chứng gì cả nhưng vẫn có thể lây lan vi khuẩn cho người khác.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bệnh kiết lỵ có nguy hiểm không?

Bệnh kiết lỵ nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, lồng ruột, viêm ruột thừa do amip…

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất cứ biểu hiện nào sau đây: tiêu chảy ra máu hoặc tiêu chảy nặng đủ để gây ra giảm cân và mất nước. Ngoài ra, liên hệ với bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn bị tiêu chảy và sốt 38ºC hoặc cao hơn.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây bệnh kiết lỵ?

Kiết lỵ có thể do một số nguyên nhân gây ra. Nhiễm khuẩn vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh kiết lỵ. Các loại vi trùng bao gồm shigella, campylobacter, E. coli, salmonella và các loại vi khuẩn khác.

Kiết lỵ lây lan khi vi khuẩn có trong phân hoặc trên ngón tay bẩn được đưa vào bụng. Không có thói quen rửa tay và ăn thực phẩm bị ô nhiễm có thể gây ra tình trạng này. Kiết lỵ thường có ở các trung tâm chăm sóc ban ngày, nhà dưỡng lão, trại tị nạn và những nơi khác mà điều kiện sống chật chội và vệ sinh môi trường kém.

4. Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh kiết lỵ?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh kiết lỵ như:

Trẻ em. Bệnh kiết lỵ ở trẻ em là tình trạng phổ biến, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 2-4. Sống chung trong cụm gia đình hoặc tham gia vào các hoạt động nhóm. Tiếp xúc gần gũi với những người khác làm vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác. Dịch shigella phổ biến hơn tại các trung tâm chăm sóc trẻ em, hồ bơi cộng đồng, nhà dưỡng lão, nhà tù và doanh trại quân đội. Sống hoặc đi du lịch ở những khu vực thiếu vệ sinh. Những người sống hoặc đi du lịch ở các nước đang phát triển có nhiều khả năng lây nhiễm shigella. Nam giới có quan hệ tình dục đồng tính. Nam có quan hệ tình dục với nam có nguy cơ cao hơn do tiếp xúc miệng-hậu môn trực tiếp hoặc gián tiếp.

5. Chẩn đoán & điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh kiết lỵ?

Bởi vì nhiều bệnh khác nhau có thể gây ra sốt và tiêu chảy ra máu, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là cách tốt nhất để chẩn đoán bệnh kiết lỵ. Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và hỏi bạn những câu hỏi về các triệu chứng, thực phẩm gần đây bạn đã ăn, nơi làm việc và nhà cửa, môi trường bạn đang sống. Cấy phân giúp xác định chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm máu có thể được thực hiện nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc để loại trừ các nguyên nhân khác.

Những phương pháp nào dùng để chữa bệnh kiết lỵ?

Mục tiêu điều trị nhiễm trùng nhằm bổ sung lượng chất lỏng bị mất đi do tiêu chảy là điều cần nhất, đặc biệt là nếu sức khỏe tổng quát của bạn vẫn tốt và tình trạng nhiễm trùng kiết lỵ của bạn nhẹ. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

Kháng sinh

Kháng sinh cũng có thể cần thiết cho trẻ sơ sinh, người già và những người bị nhiễm HIV – những trường hợp có nguy cơ cao lây lan bệnh.

Chất lỏng và muối thay thế

Đối với người lớn khỏe mạnh, nước uống có thể đủ để chống lại những tác động của tình trạng mất nước do tiêu chảy.

Trẻ em và người lớn bị mất nước nghiêm trọng cần được đi cấp cứu ngay, nơi họ có thể được bổ sung các loại muối và các chất lỏng thông qua truyền tĩnh mạch. Truyền nước đường tĩnh mạch cung cấp nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhanh hơn nhiều so với uống nước.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý kiết lỵ?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với bệnh kiết lỵ:

Rửa tay thường xuyên và cẩn thận với xà phòng. Nếu con bạn đang ở độ tuổi quấn tã và bị nhiễm vi khuẩn, sau khi thay tã xong phải lau sạch khu vực xung quanh với chất khử trùng như thuốc tẩy gia dụng pha loãng và đặt tã trong thùng rác có nắp đóng kín. Sau đó, rửa tay bằng xà phòng và nước ấm. Những người bị nhiễm vi khuẩn không nên chuẩn bị thức ăn hoặc rót nước cho người khác. Vi khuẩn kiết lỵ có mặt trong phân bệnh nhân bị bệnh tiêu chảy trong vòng 1 hoặc 2 tuần sau khi các triệu chứng đã dừng lại.

Bệnh kiết lỵ nên ăn gì?

Những món ăn nhạt, không dầu mỡ, dễ tiêu hóa. Ăn rau củ quả tươi, có thể luộc hoặc ép thành nước. Bổ sung lợi khuẩn probiotic để cải thiện sức khỏe ruột. Ăn tỏi, ngó sen, lá chè… những thực phẩm này có tác dụng diệt khuẩn tốt. Bổ sung Oresol để tránh mất nước.

Bệnh kiết lỵ kiêng ăn gì?

Tránh uống sữa bò và các chế phẩm của sữa. Tránh các món ăn cay, nhiều dầu mỡ. Tránh các loại trái cây nhiều chất xơ: bưởi, cam, quýt. Đồ uống có cồn, ga hoặc caffeine. Thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng: ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, hành tây, đậu bắp, đậu Hà Lan, bông cải xanh, súp lơ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh kiết lỵ, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:08/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM