Khoèo chân bẩm sinh - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Khoèo chân bẩm sinh là một khuyết tật khiến một chân của trẻ hướng vào trong thay vì hướng ra ngoài. Tình trạng này thường được phát hiện sau khi trẻ sinh ra, nhưng bác sĩ cũng có thể chẩn đoán khoèo chân bẩm sinh khi trẻ còn trong bụng mẹ thông qua siêu âm. Vậy làm thế nào đê điều trị và phòng ngừa bệnh lý này, tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ nhé!

Khoèo chân bẩm sinh - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Khoèo chân bẩm sinh là gì?

Khoèo chân bẩm sinh là một khuyết tật khiến một chân của trẻ hướng vào trong thay vì hướng ra ngoài. Tình trạng này thường được phát hiện sau khi trẻ sinh ra, nhưng bác sĩ cũng có thể chẩn đoán khoèo chân bẩm sinh khi trẻ còn trong bụng mẹ thông qua siêu âm.

Khoèo chân bẩm sinh có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của trẻ về sau, do đó, bác sĩ thường yêu cầu điều trị càng sớm càng tốt.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng khoèo chân bẩm sinh là gì?

Khi trẻ bị khoèo chân bẩm sinh, các gân ở chân bị rút ngắn, xương có hình dạng bất thường và gân Achilles co rút lại.

Nếu không được điều trị, trẻ có thể đi bằng mắt cá chân hoặc hai bên bàn chân.

Chân của trẻ sơ sinh bị khoèo chân sẽ có hình dạng sau:

  • Mũi bàn chân hướng vào trong;
  • Bàn chân sẽ ngắn và nhỏ hơn bình thường;
  • Phần trước và giữa bàn chân bị co rút và ngắn lại ;
  • Các cơ bắp chân kém phát triển, teo nhỏ ;
  • Cổ chân và bàn chân duỗi đổ, gót chân có xu hướng hướng lên cao.

Khi nào bạn nên cho trẻ đến gặp bác sĩ?

Thông thường, bác sĩ sẽ phát hiện ngay tình trạng này khi trẻ vừa mới sinh ra. Họ sẽ khuyên bạn nên đến gặp bác sĩ nhi chuyên điều trị cơ xương khớp để chữa khoèo chân bẩm sinh.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị khoèo chân bẩm sinh?

Các chuyên gia không biết nguyên nhân chính xác gây khoèo chân bẩm sinh. Họ cho rằng yếu tố di truyền có thể đóng vai trò gây ra tình trạng này.

Đôi khi, khoèo chân bẩm sinh có liên quan đến các bất thường về xương chẳng hạn như tật nứt đốt sống hoặc loạn sản khớp háng.

Tình trạng này cũng có thể do việc gián đoạn trên đường dẫn truyền thần kinh cơ, chẳng hạn như ở não, cột sống, dây thần kinh hoặc cơ.

Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường có khả năng góp phần gây ra khoèo chân bẩm sinh. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa tỷ lệ trẻ mắc khoèo chân và độ tuổi mang thai của người mẹ, cũng như các vấn đề khác, như hút thuốc lá hoặc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu mẹ bầu làm chọc ối sớm, trước 13 tuần thai, trẻ sẽ có nguy cơ bị khoèo chân bẩm sinh cao hơn.

4. Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào tăng nguy cơ mắc khoèo chân bẩm sinh?

Khoèo chân bẩm sinh có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng bé nam thường có nguy cơ cao gấp 2 lần so với bé gái.

Một số yếu tố làm trẻ tăng nguy cơ bị khoèo chân bẩm sinh như:

Bệnh sử gia đình. Nếu bố, mẹ hoặc anh chị em ruột thịt của trẻ bị khoèo chân bẩm sinh, trẻ cũng có nguy cơ cao mắc tình trạng này. Các tình trạng sức khỏe bẩm sinh. Trong một số trường hợp, khoèo chân có thể liên quan đến các bất thường bẩm sinh ở xương, như tật nứt đốt sống. Thuốc lá. Hút thuốc lá trực tiếp hoặc thụ động trong thai kỳ cũng có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị khoèo chân bẩm sinh. Mẹ bầu không đủ nước ối. Quá ít nước ối cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị khoèo chân.

5. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để biết thêm chi tiết.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán khoèo chân bẩm sinh?

Thông thường, bác sĩ sẽ phát hiện khoèo chân bẩm sinh ngay khi trẻ vừa sinh ra do hình dạng bàn chân bất thường.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể phát hiện sớm trong thai kỳ khi mẹ bầu làm siêu âm, đặc biệt nếu trẻ bị dị tật ở cả hai chân. Mặc dù có thể phát hiện sớm khoèo chân bẩm sinh trong thời gian mang thai, nhưng bác sĩ vẫn không thể điều trị được cho đến khi trẻ ra đời.

Ngay khi phát hiện tình trạng, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm khác để kiểm tra các vấn đề sức khỏe như tật nứt đốt sống và loạn dưỡng cơ.

X-quang có thể giúp bác sĩ quan sát biến dạng chi tiết hơn.

Những phương pháp nào giúp điều trị khoèo chân bẩm sinh?

Nếu không điều trị, khoèo chân bẩm sinh sẽ không cải thiện, thậm chí có thể dẫn đến các biến chứng về sau.

Việc điều trị có thể được thực hiện ngay trong tuần sau khi trẻ sinh, với mục đích là giúp chân hoạt động bình thường và không bị đau.

Phương pháp Ponseti

Phương pháp Ponseti là cách điều trị chính cho tình trạng khoèo chân bẩm sinh. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ xoa bóp và nắn chỉnh chân bé bằng tay để sửa biến dạng từ từ. Sau đó, họ sẽ bất động chân trẻ bằng cách băng bột.

Phương pháp này thường được áp dụng khoảng một đến hai tuần sau sinh. Lúc này, sức khỏe trẻ đã ổn định. Các thao tác nắn chỉnh của bác sĩ thường rất nhẹ và không gây ra đau đớn nào cho trẻ.

Phương pháp French

Phương pháp French bao gồm các bài tập kéo giãn, tập thể dục, massage và đeo nẹp với mục đích di chuyển bàn chân từ từ về đúng vị trí.

Trong 3 tháng đầu, các buổi trị liệu chủ yếu thực hiện ở trung tâm y tế với các nhà trị liệu vật lý. Hấu hết các cải thiện sẽ diễn ra trong thời gian này.

Sau đó, trẻ có thể tiếp tục điều trị tại nhà. Bố mẹ sẽ được các chuyên gia hướng dẫn để họ có thể điều trị cho trẻ.

Trẻ sẽ cần đeo nẹp cho đến khi 2 tuổi. Nếu trẻ chỉ mắc khoèo chân bẩm sinh, việc điều trị thường hoàn toàn thành công. Ngay cả khi vấn đề không thể khắc phục hoàn toàn, phương pháp French cũng sẽ giúp bàn chân của trẻ cải thiện chức năng đáng kể.

Phẫu thuật

Bác sĩ chỉ đề nghị phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị khoèo chân bẩm sinh khác không thành công.

Mục đích của phẫu thuật là điều chỉnh gân, dây chằng và khớp ở bàn chân và mắt cá chân.

Các phẫu thuật xâm lấn nhiều hơn sẽ giúp giải phóng các mô mềm ở bàn chân. Sau đó, bác sĩ sẽ bó bột chân trẻ để ổn định bàn chân.

Phẫu thuật có thể làm chân bị điều chỉnh quá mức, cứng và đau, thậm chí có thể liên quan đến viêm khớp trong tương lai.

Khoèo chân bẩm sinh có nguy hiểm không?

Nếu điều trị khoèo chân bẩm sinh tốt, trẻ sẽ không có bất cứ biến chứng nghiêm trọng nào trong tương lai. Trẻ có thể vui chơi và đi lại như những trẻ bình thường khác.

Tuy nhiên, nếu không điều trị, trẻ có thể mắc các vấn đề nguy hiểm.

Trẻ sẽ cảm thấy đau hoặc không thoải mái khi đứng hoặc di chuyển, thậm chí rất khó để đứng bình thường. Thay vào đó, trẻ có thể đứng bằng hai bên bàn chân hoặc đầu bàn chân.

Một biến chứng khác của khoèo chân là viêm khớp, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.

Trẻ bị khoèo chân bẩm sinh cũng khó có thể tham gia một số hoạt động. Ngoài ra, trẻ có thể tự ti về ngoại hình bàn chân dị tật. Ngay cả khi điều trị, bàn chân và bắp chân dị tật cũng sẽ nhỏ hơn bên còn lại.

6. Phòng ngừa

Làm sao để phòng ngừa khoèo chân bẩm sinh?

Vì không rõ nguyên nhân gây khoèo chân bẩm sinh nên bạn không thể phòng ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, nếu đang mang thai, bạn có thể áp dụng một số cách sau để hạn chế nguy cơ trẻ mắc các dị tật bẩm sinh:

Không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với người và đồ vật của người hút thuốc lá Không uống các đồ uống có cồn Chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu muốn dùng thuốc không kê đơn hoặc thực phẩm chức năng, bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh những tác hại không mong muốn cho thai nhi.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh khoèo chân bẩm sinh, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh cho trẻ!

Ngày:10/10/2020 Chia sẻ bởi:Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM